Bất động sản lộ diện nhiều dấu hiệu giảm tốc
Kinh tế - Ngày đăng : 21:49, 08/07/2018
Sức mua căn hộ TP HCM giảm gần 30%
Quý II, TP HCM tiêu thụ chưa tới 7.000 căn hộ, giảm mạnh do ảnh hưởng vụ cháy chung cư Carina, theo báo cáo của CBRE Việt Nam. 3 tháng qua, lượng căn hộ chào bán mới tại Sài Gòn đạt 6.109 căn, giảm 36% so với cùng kỳ. Đà giảm mạnh nhất được ghi nhận ở phân khúc trung cấp (giá bán sơ cấp vào khoảng 800-1.500 USD mỗi m2), với nguồn cung teo tóp 62% theo quý.
Lượng căn hộ bán được trong quý II cũng có dấu hiệu sa sút mạnh. Trong các tháng 4, 5, 6, thị trường TP HCM tiêu thụ 6.947 căn hộ (đã hấp thụ thêm hàng tồn) nhưng vẫn giảm 25% so với quý I và giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân của đà sụt giảm được cho là do dư âm của sự cố cháy chung cư từ cuối tháng 3 (quý I.2018) dẫn tới các biện pháp an toàn cho nhà chung cư được chú trọng hơn và việc phê duyệt các giấy phép trở nên nghiêm ngặt hơn. Mặt khác, nhằm đảm bảo tỷ lệ hấp thụ tốt, một số chủ đầu tư đã thận trọng hơn trong việc ra mắt nguồn cung mới. Mặt khác, Chính phủ cũng đã hạn chế tín dụng bất động sản để điều tiết thị trường.
Bất động sản phía Đông TP HCM |
Tồn kho condotel cao nhất lên đến 90%
Cũng trong quý II, sức hấp thụ căn hộ nghỉ dưỡng condotel sụt giảm mạnh, đẩy nguồn cung tăng cao 60-91%, theo công bố của Công ty DKRA Việt Nam. Cụ thể, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng condotel từ Đà Nẵng đến Phú Quốc trong các tháng 4, 5, 6.2018 với lượng tồn kho vọt lên ngất ngưởng. Toàn thị trường tung ra 2.100 căn nhưng chỉ tiêu thụ 850 căn.
Tỷ lệ hấp thụ theo khu vực đang ở mức đáng quan ngại. Phú Quốc và Bà Rịa – Vũng Tàu thanh khoản khả quan nhất thị trường nhưng mức hấp thụ cũng chỉ dừng ở ngưỡng 39-40%, tương đương mức tồn kho lần lượt là 61-60%.
Trong khi đó, các thành phố du lịch biển còn lại có tỷ lệ hấp thụ căn hộ condotel ảm đạm hơn, lần lượt ghi nhận Khánh Hòa tiêu thụ (26%), Bình Định (22%), Đà Nẵng (9%). Như vậy, lượng hàng tồn kho căn hộ nghỉ dưỡng tại 3 tỉnh thành này lần lượt là 74-78-91%. Nguồn cung condotel có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới với nhiều dự án được đưa ra thị trường có quy mô hơn 1.000 căn.
Với thực trạng sức cầu condotel đang giảm, nguy cơ dư thừa nguồn cung có thể xảy ra. Ngoài những thách thức lớn về hàng tồn kho, hiện nay là thời điểm bản lề các chủ đầu tư chứng tỏ thực thi các cam kết và lợi nhuận phân khúc này đến đâu.
Thanh khoản đất nền lao dốc
Trong vòng nửa cuối quý II (cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2018) tại khu Đông TP HCM, mãi lực đất nền thuộc các quận 2, 9, Thủ Đức chững lại, giá đi ngang. Lưu lượng mua bán chỉ đạt khoảng 40% so với đỉnh tháng 4.2018. Thanh khoản sụt giảm gần 60% so với trước đây.
Ở khu Tây TP HCM, đất nền phân lô quận 12, Bình Tân, Bình Chánh cũng ghi nhận mãi lực sụt giảm đến 70% so với 5 tháng đầu năm. Giao dịch thứ cấp sôi động nhất trên thị trường đất nền TP HCM diễn ra hồi tháng 4-5.2018. Thế nhưng, bước sang tháng 6, giao dịch thứ cấp đã đứng lại, giá đi ngang, hàng ký gửi khá nhiều và mãi lực yếu dần.
Với tình trạng giao dịch đi xuống, áp lực cho phân khúc đất nền trên thị trường thứ cấp là có thật. Trong ngắn hạn thị trường này sẽ hạ nhiệt và kém sôi động hơn trước đây đồng thời bị bao trùm bởi tâm lý chờ đợi và hoài nghi.
Giới đầu tư lướt sóng ngủ đông
Thanh khoản đất nền, căn hộ, condotel giảm mạnh đang khiến cho mọi mua bán nhanh (lướt sóng) đều bị đứng lại. Nhà đầu tư lướt sóng có thể sẽ rời bỏ thị trường, tìm một kênh đầu tư khác ưu việt hơn để thay thế hoặc tạm nghỉ một thời gian. Không còn sóng để lướt, nhà đầu tư ngắn hạn rời khỏi đường đua là diễn biến tất yếu.
Thị trường giảm bớt lượng nhà đầu tư 3-6 tháng và thay vào đó nhà đầu tư dài hạn sẽ thế chỗ đóng vai trò cầm trịch thị trường. Như vậy, thay đổi đáng kể nhất là thị trường đất nền sẽ đi theo xu hướng dài hạn. Nhu cầu mua bán nhanh sẽ giảm dần khi thanh khoản điều chỉnh mạnh mẽ.
Năm 2019 có thể là điểm rơi của thị trường bất động sản
Tại hội thảo Sốt bất động sản - Cơ hội và rủi ro do Cafeland tổ chức cuối tháng 6.2018, những băn khoăn, quan ngại về chu kỳ khủng hoảng của thị trường địa ốc đã làm nóng hội trường.
Chuyên gia kinh tế ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự báo thị trường địa ốc có thể rơi vào tình trạng bong bóng nếu tín dụng tiếp tục đổ vào bất động sản. Đà tăng tín dụng hiện nay đang gián tiếp hình thành bong bóng bất động sản.
Theo quan điểm của ông Hiếu, dấu hiệu có bong bóng trong thị trường là khi giá bất động sản tăng 100% trong vòng một năm. Chuyên gia này cũng cho rằng thời gian bong bóng bất động sản có thể nổ ra vào khoảng năm 2019, tương đương chu kỳ khủng hoảng 10 năm của thị trường này.
Theo VnExpress