Ngày thứ 3 cứu hộ đội bóng Thái Lan: Có thể phải chia 2 đợt

Thế giới - Ngày đăng : 08:48, 10/07/2018

Theo quân đội Thái Lan, ngày 10.7, cứu hộ có thể đưa 5 người còn lại ra khỏi hang trong đợt giải cứu thứ 3 nhưng cũng có thể phải chia thành 2 đợt nữa.


Nhóm 18 thợ lặn đã 2 lần vào hang Tham Luang đưa 8 thành viên đội bóng ra ngoài an toàn

Lực lượng cứu hộ tiếp tục ghi bàn ngày 9.7, khi có thêm bốn thành viên của đội bóng "Lợn Rừng" được đưa ra khỏi hang Tham Luang. Mọi thứ tiếp tục diễn ra thuận lợi hơn cả ngày trước đó.

Bắt đầu ngay đợt giải cứu thứ ba

Trong cuộc họp báo đầy vui vẻ tối 9.7, chỉ huy chiến dịch cứu hộ Narongsak Osotthanakorn xác nhận họ đã cứu được thêm bốn chú "Lợn Rừng" và em cuối cùng được đưa đến bệnh viện an toàn lúc 21 giờ, tức chỉ nửa giờ trước cuộc họp báo. 

Chiến dịch trong ngày có sự tham gia của nhiều thợ lặn hơn khiến cho đợt giải cứu thứ hai diễn ra nhanh hơn so với đợt đầu tới hai tiếng. 

Trái với những lần trước, những người chủ trì cuộc họp báo đều vui cười khi cung cấp thông tin cho báo chí và cuộc họp báo kết thúc trong tiếng reo hò phấn khích.

Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục, cuộc giải cứu thứ ba đã diễn ra ngay trong đêm. 

"Xin ông trời cho chúng tôi thêm ba ngày để đưa các em ra ngoài", thiếu tướng Bancha Buriyaphan nói tại cuộc họp báo, cho biết họ có thể đưa năm người còn lại ra khỏi hang trong đợt giải cứu thứ ba nhưng cũng có thể phải chia thành hai đợt nữa. 

Tất cả vẫn phụ thuộc vào thời tiết và ý kiến bác sĩ. Ông trời đến nay dường như cũng giúp cuộc cứu hộ khi mưa không đáng kể trong ngày 9.7.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều cùng ngày, ông Narongsak xác nhận bốn em được cứu ra đầu tiên sức khỏe đã tốt hơn, ăn được cơm và có thể sẽ được gặp cha mẹ. 

Dù vậy, ông không tiết lộ tên của các em để tránh những ảnh hưởng tâm lý không tốt tới các gia đình mà chỉ cho biết những em có tình trạng sức khỏe tốt nhất và sẵn sàng nhất sẽ được đưa ra khỏi hang.

Huấn luyện viên đã rời hang?

Ngay từ đầu ngày, đã có những thông tin trái chiều về danh tính bốn người đầu tiên được đưa ra khỏi hang. 

Báo Bangkok Post của Thái Lan thậm chí cho biết trong nhóm đầu tiên này có huấn luyện viên Ekapol Chantawong, 25 tuổi. 

Anh này được giải cứu sớm hơn so với kế hoạch ban đầu vì tình trạng sức khỏe rất xấu do đã nhường phần ăn của mình cho các em trước khi cả nhóm được tìm thấy.

Tuy nhiên, thông tin này tới nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi bởi báo Guardian của Anh cũng như một số cơ quan báo chí khác của Thái Lan vẫn khẳng định trong bốn người đầu tiên ra khỏi hang không hề có huấn luyện viên Ekapol vì theo kế hoạch giải cứu được phê duyệt trước đó.

13 người bị kẹt trong hang sẽ được chia thành 4 nhóm. Cụ thể, nhóm 1 có 4 người; nhóm 2, 3 và 4 đều có 3 người. Huấn luyện viên Ekapol Chantawong sẽ nằm trong nhóm cuối cùng được giải cứu.

Một trong những nguyên nhân khiến thông tin về cuộc giải cứu khá mập mờ là dường như chính quyền Thái Lan quyết định "cấm vận" mọi thông tin về các nạn nhân. 

Ngay sau khi ra khỏi cửa hang, họ sẽ được xe cấp cứu chạy hết tốc lực tới sân bay trực thăng dã chiến, từ đó họ được đưa về Chiang Rai và tới bệnh viện. Tất cả đều được che chắn bằng dù, bạt và lực lượng đông đảo quân đội, cảnh sát.

Sơ đồ vận chuyển nạn nhân từ hang Tham Luang tới bệnh viện Chiang Rai Prachanukrok - Nguồn: H.HUY. Đồ họa: T.ĐẠT

Tin giả

Ông Narongsak Osotthanakorn ngày 9.7 tỏ ra bực bội về cách báo chí lùng sục để chạy đua thông tin. Thậm chí có nhóm đưa cả máy bay không người lái bay phía trên khu vực giải cứu. 

"Tin giả đang gây khó khăn cho nhiệm vụ giải cứu", ông nhắc đến việc truyền thông nhốn nháo đưa tin sáu em được giải cứu ngày 8.7 trong khi thật ra chỉ có bốn.

Cánh nhà báo Thái cho biết tin giả đã được kiểm soát trong ngày 9.7 khi chính quyền "siết" truyền thông và tiến hành điều tra một số hãng tin. 

"Ai cũng muốn mình là người đầu tiên đưa tin về chiến dịch giải cứu. Tuy nhiên chính quyền Thái Lan nên có biện pháp và người chuyên trách để kiểm soát và dập tắt các tin đồn ngay lập tức", một nhà báo nước ngoài tác nghiệp tại Mae Sai nói.

Trong khi đó, cánh báo chí nước ngoài cũng gặp khó khăn khi hầu hết các tuyên bố, thông tin được cung cấp tại hiện trường đều bằng tiếng Thái. Và cuộc chạy đua cũng dẫn đến nhiều sai lệch khi nhiều người phải dựa vào các phiên dịch tình nguyện. 

"Đây là sự kiện thu hút truyền thông khắp thế giới. Họ nên có sự hỗ trợ kịp thời vì nếu đưa ra các thông tin chính thức quá trễ thì cũng vô dụng" - phóng viên báo Sydney Morning Herald phàn nàn.

TRẦN PHƯƠNG (Tuổi trẻ)