Kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6 chất lượng cao: "Ngòi nổ" cho dạy thêm, học thêm?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 12:07, 10/07/2018
Nhiều phụ huynh lo lắng học sinh tiểu học sẽ phải học thêm nhiều để thi vào lớp 6 chất lượng cao, ít có thời gian tham gia các sân chơi bổ ích. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hải Dương) tổ chức ngày hội kỹ năng sống cho học sinh
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), TP Hải Dương là địa phương đầu tiên trong tỉnh sử dụng bài kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6 chất lượng cao năm học 2018 - 2019. Bên cạnh những ưu điểm, hình thức tuyển sinh này cũng bộc lộ một số bất cập.
Khắc phục "làm đẹp" hồ sơ
Năm học 2018-2019, các trường THCS trong tỉnh tiếp tục tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển. Riêng các trường có số lượng học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu thì Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Theo hướng dẫn này, TP Hải Dương cho phép 3Trường THCS, gồm: Lê Quý Đôn, Bình Minh và Võ Thị Sáu sử dụng bài kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6 chất lượng cao. Trường THCS Lê Quý Đôn, Bình Minh được tuyển mỗi trường 4lớp với 140 em, Trường THCS Võ Thị Sáu được tuyển 2 lớp với 70 em. Bài kiểm tra năng lực gồm 2 môn toán và tiếng Việt theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận, thời gian làm bài 60 phút.
Để được tham gia làm bài kiểm tra năng lực, học sinh phải đạt các yêu cầu: hoàn thành chương trình tiểu học tại các trường tiểu học trong thành phố, độ tuổi từ 11 - 13; được đánh giá hạnh kiểm thực hiện đầy đủ ở lớp 1, đạt về hoàn thành và phát triển năng lực, phẩm chất đối với lớp 2 - 3 và tốt đối với lớp 4 - 5. Học sinh có điểm các bài kiểm tra định kỳ đạt từ 9 trở lên đối với: cuối năm lớp 1 môn toán, tiếng Việt; học kỳ 1 và cuối năm các môn toán, tiếng Việt lớp 2 - 3 và các môn toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử, địa lý lớp 4 - 5.
Để bảo đảm tính khách quan, toàn bộ 692 học sinh đủ điều kiện làm bài kiểm tra năng lực được trộn lẫn theo thứ tự ABC và làm chung một đề. Công tác tổ chức được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc như một kỳ thi chính thức.
Việc tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra năng lực nhận được sự phản ứng khá tích cực của các nhà trường, phụ huynh và học sinh do hình thức này có một số ưu điểm so với cách xét tuyển hồ sơ. Thầy giáo Đặng Quang Hải Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Minh khẳng định: "Hiện nay, do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ khác nhau nên việc đánh giá năng lực học sinh của các trường tiểu học còn thiếu đồng nhất. Đề bài kiểm tra định kỳ ở bậc tiểu học do các trường tự ra nên mức độ kiến thức cũng khác nhau. Nhiều cuộc thi đã bị bỏ nên thiếu tiêu chí phụ để xét tuyển theo hồ sơ. Việc làm bài kiểm tra năng lực sẽ đánh giá khách quan hơn trình độ của học sinh, cơ bản khắc phục được tình trạng phụ huynh tìm mọi cách làm đẹp hồ sơ cho con".
Nhiều phụ huynh tìm thầy dạy thêm cho con
Tuy vậy, việc tổ chức làm bài kiểm tra năng lực để tuyển học sinh vào lớp 6 chất lượng cao còn bộc lộ một số hạn chế. Phụ huynh học sinh lo nhất là duy trì cách tuyển sinh này sẽ dẫn đến áp lực học tập cho học sinh, trở thành ngòi nổ cho việc dạy thêm, học thêm trái phép.
Anh N.V.T. ở phường Hải Tân chia sẻ: "Con tôi vừa dự tuyển vào lớp 6 chất lượng cao Trường THCS Lê Quý Đôn. Ngay sau khi biết cần phải làm bài kiểm tra năng lực, gia đình tôi rất lo lắng và lập tức tìm giáo viên để cho con đi học thêm. Trong năm học, con tôi chỉ học thêm các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh 1 buổi/tuần/môn. Cách thời điểm làm bài kiểm tra gần 1 tháng, tôi cho cháu học môn toán và tiếng Việt tăng thêm mỗi môn 1 buổi/tuần".
Nhiều phụ huynh có con năm nay lên lớp 5 có ý định vào học lớp 6 chất lượng cao của các trường đã bắt đầu lên kế hoạch học tập cho con. Chị V.T.H. ở phường Hải Tân cho biết: "Năm học tới, tôi phải cho cháu đi học thêm thì mới hy vọng vào được lớp chất lượng cao. Theo tôi, các trường nên duy trì việc xét tuyển hồ sơ như trước kèm theo một số tiêu chí phụ nào đó để giảm áp lực học tập, thi cử cho học sinh".
Bà Lê Thị Mỹ Phương, Trưởng Phòng GDĐT TP Hải Dương cho biết: "Sau khi UBND thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 chất lượng cao, Phòng GDĐT đã có công văn hướng dẫn, nhắc nhở các trường tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh để giúp hiểu hơn về tính chất của việc làm bài kiểm tra năng lực nhằm tránh căng thẳng, gây áp lực cho con em. Đồng thời, quản lý chặt chẽ để giáo viên không lạm dụng việc này dạy thêm trái phép làm tăng gánh nặng học tập cho học sinh và tiền bạc của phụ huynh".
Theo một số cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học thì để hạn chế việc dạy thêm, học thêm, bài kiểm tra năng lực nên có kiến thức tổng hợp của nhiều môn và hiểu biết xã hội. Vì như thế đòi hỏi học sinh có kiến thức của cả quá trình học chứ không chỉ giới hạn ở một giai đoạn ngắn và 2 môn là toán và tiếng Việt.
DANH TRUNG