Xã Ngô Quyền không còn nuôi vịt trên sông

Kinh tế - Ngày đăng : 12:21, 11/07/2018

Từ khi nuôi vịt bằng nước giếng khoan, tỷ lệ vịt bị chết trong quá trình nuôi giảm chỉ còn 5%, vịt lớn nhanh và ít bị bệnh.

Nhiều hộ ở xã Ngô Quyền quây lưới nuôi vịt ở ngay ruộng của gia đình

Trước đây, người dân xã Ngô Quyền (Thanh Miện) thường nuôi vịt trên sông gây sạt lở bờ, ảnh hưởng đến công trình thủy lợi. Khoảng 1 năm trở lại đây, các hộ đều đào giếng khoan lấy nước, quây lưới nuôi thả vịt ngay ở ruộng lúa của gia đình nên không làm ảnh hưởng đến các công trình.

Thay đổi thói quen

Xã Ngô Quyền là một trong những địa phương có truyền thống chăn nuôi vịt. Toàn xã có khoảng 10 km sông chảy qua, chưa kể kênh mương nội đồng. Mọi năm vào thời điểm này, hàng chục đàn vịt lên tới cả trăm nghìn con được thả nuôi trắng mặt sông. Nhiều đoạn bờ sông, kênh mương bị sạt lở nghiêm trọng do vịt rúc rỉa. Không chỉ gây sạt lở bờ, chất thải của vịt còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân xung quanh. Hằng năm, chính quyền xã phải bỏ ra không ít kinh phí để thuê nhân công, máy xúc nạo vét kênh mương.

Cũng như nhiều hộ khác, hộ ông Nguyễn Văn Quy ở thôn Văn Xá thường tận dụng sông ngòi để nuôi vịt. Nuôi vịt như vậy sẽ giúp các hộ tận dụng được mặt nước, tiết kiệm diện tích trang trại. Mặc dù vậy, tỷ lệ vịt chết nhiều hơn do dễ bị bệnh. Ông Quy cho biết năm 2017 có tới 1.300 con vịt của ông bị chết do lây dịch tả từ các đàn khác trong thôn, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Để hạn chế tình trạng lây bệnh từ các đàn vịt khác, ông đấu thầu 1,5 mẫu ruộng để xây ao nổi nuôi vịt. Ông còn đào 1 giếng khoan để có nguồn nước thường xuyên cho trang trại nuôi 5.000 con vịt thịt. "Vịt rất dễ lây bệnh từ môi trường bên ngoài nếu sử dụng nguồn nước không bảo đảm. Từ ngày bỏ thói quen nuôi vịt trên sông, tỷ lệ vịt bị chết ít hơn do chủ động được nguồn nước. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng không còn nuôi vịt trên sông nữa", ông Quy nói.

Ông Hoàng Kim Ngà, Chủ tịch UBND xã Ngô Quyền cho biết: "Địa phương từng để xảy ra tình trạng nuôi vịt tràn lan ở sông ngòi. Để thay đổi thói quen của người dân, chính quyền xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tăng cường vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Với các hộ vi phạm nhiều lần, cán bộ xã trực tiếp tới từng hộ để nhắc nhở. Do vận động tốt nên hiện nay phần lớn các hộ không còn nuôi vịt trên sông".

Nuôi vịt bằng nước giếng khoan

Không còn tận dụng sông để nuôi vịt, ông Vũ Văn Khương ở thôn Văn Xá đấu thầu hơn 3.000 m2 đất của xã để làm trang trại. Thay vì nuôi vịt trong ao và dùng nước sông, ông khoan giếng, xây 3 bể xi măng, mỗi bể rộng 30 m2 để vịt có chỗ bơi. "Dùng nước giếng khoan vừa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa chủ động được nguồn nước. Từ khi nuôi vịt bằng nước giếng khoan, tỷ lệ vịt bị chết trong quá trình nuôi giảm chỉ còn 5%, vịt lớn nhanh và ít bị bệnh. Hiện trang trại của tôi nuôi 2.500 con vịt, với giá 43.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng/1.000 con vịt. Do chủ động được nguồn nước nên vào các tháng mùa khô, vịt vẫn có đủ nước để bơi. Mỗi năm, tôi tranh thủ nuôi được 10 lứa vịt, lãi hàng trăm triệu đồng", anh Khương cho biết.

Năm 2017, ông Nguyễn Viết Nhần ở thôn Phạm Lý thuê 3 mẫu ruộng ở cánh đồng thôn để vừa cấy lúa vừa thả vịt. Toàn bộ diện tích ruộng của gia đình được ông quây lưới, bơm nước giếng khoan vào ruộng để thả vịt. Theo ông, chi phí đào 1 giếng khoan chỉ hết khoảng 7 triệu đồng nhưng sử dụng được lâu dài. Nuôi vịt kết hợp với cấy lúa giúp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi do tận dụng được nguồn thóc rơi vãi, vịt lại lớn nhanh và ít bệnh. Từ đầu năm đến nay, ông Nhần thu lãi gần 100 triệu đồng từ nuôi vịt.

Ông Trần Quốc Hoa, cán bộ thú y xã Ngô Quyền cho biết toàn xã có khoảng 150 hộ nuôi vịt với tổng đàn hơn 100.000 con, chủ yếu nuôi ở các thôn Văn Xá, Tiên Lữ, Phạm Lý. Trước đây, người dân thường tận dụng hệ thống sông ngòi, kênh mương nội đồng để làm nơi chăn thả vịt. Khoảng 1 năm nay, do chính quyền tuyên truyền, vận động tốt nên không còn tình trạng nuôi vịt trên sông. Bên cạnh đó, nguồn nước sông cũng đang bị ô nhiễm nên các hộ nuôi đều đào giếng khoan để chủ động nguồn nước. Nước sông chỉ dùng để cấp bù nước cho các ao nuôi vịt vào những ngày nhất định. Tận dụng nước giếng khoan giúp hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh, vịt nhanh lớn hơn.                                                                           

  PV