Cây biếm họa đồng hành cùng báo chí
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 14:08, 12/07/2018
Chu Đức Tiến đã trở thành cây bút biếm họa in sâu trong trí nhớ của rất nhiều người
Kể từ bức tranh vui đầu tiên đăng báo Thiếu niên Tiền phong năm 1963, đến nay, họa sĩ Chu Đức Tiến đã có 55 năm sáng tác biếm họa không ngừng nghỉ. Kho tàng tranh biếm họa đăng báo của ông đã lên tới trên 4.000 bức.
Tranh mang hơi thở cuộc sống
Chu Đức Tiến đã trở thành cây bút biếm họa mà nhắc đến bút danh, kể cả chữ ký với hình ba chữ “CTĐ” lồng vào nhau đã in sâu trong trí nhớ của rất nhiều người. Ông cộng tác thường xuyên trong chuyên mục biếm họa của hàng chục cơ quan báo, tạp chí trung ương và địa phương như: Thiếu niên tiền phong, Tiền phong, Đại đoàn kết, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Hải Dương, Văn nghệ Hải Dương…
Đã mấy chục năm rồi, hằng ngày ông vẫn giữ thói quen đều đặn nghe đài, xem ti vi, tới các sạp báo ở TP Hải Dương, Thư viện tỉnh để nắm tình hình thời sự, sáng tác tranh biếm kịp thời bám theo dòng thời sự.
Năm 2006, ông đã tập hợp xuất bản tập tranh biếm họa mang tên “Dòng chảy trong cuộc sống” với 563 tác phẩm chọn lọc trong số hơn 3.000 bức tranh đã được sử dụng. Đó là kết quả lao động không biết mệt mỏi của cả chặng đường dài sáng tác. Ông luôn luôn bám sát các sự kiện thời sự nên tranh của ông in dấu ấn đậm nét của từng giai đoạn lịch sử.
Những năm 60-70 của thế kỷ trước, tranh của ông có mặt đều đặn trên các báo Thiếu niên tiền phong, Tiền phong… với nhiều đề tài và đối tượng quen thuộc như lứa tuổi học trò, thanh niên, phụ nữ. Hàng loạt tranh đả kích giặc Mỹ và tay sai; giễu cợt thất bại của chúng trên khắp các chiến trường miền Nam, trong chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đất nước hòa bình, thống nhất, từ sau năm 1975, trải qua các thời kỳ xây dựng, đổi mới và phát triển, tranh Chu Đức Tiến cũng luôn bám sát tính thời sự và phản ánh đặc tính chung ở mỗi giai đoạn…
Mũi dùi sắc nhọn
Các bức biếm họa của họa sĩ Chu Đức Tiến mang lại tiếng cười nhẹ nhàng mà sâu cay, nhiều suy ngẫm
Trong cuộc chiến chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, Chu Đức Tiến có nhiều bức tranh phê phán, vạch rõ bản chất các biểu hiện đó ở nhiều nội dung, góc độ khác nhau. Tranh của Chu Đức Tiến vừa vui, dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu cay, hóm hỉnh và phơi bày được bản chất của sự việc, hiện tượng. Ví dụ khi thời kinh tế còn khó khăn, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, cán bộ đi công tác có tính gian lận thường kê khai “vống” lên để hưởng chế độ công tác phí cao hơn. Chu Đức Tiến đã ví von bằng tranh việc thanh toán công tác phí xe đạp ngang với thanh toán vé máy bay, cường điệu lên để lột tả bản chất vấn đề. Thu ít, chi nhiều là tình trạng thường thấy ở nhiều cấp ngân sách, tác giả vẽ một ông mặc quần ống rưỡi mà bên thu là quần đùi, bên chi là quần dài. Phi lý đấy nhưng ai cũng thấy đó là tình trạng thực của “căn bệnh kinh niên” này.
Tác giả cũng có lối chơi chữ khá hóm hỉnh về những biểu hiện xã hội. Ví dụ “con nghiện” không từ vơ vét cái gì đó để bán lấy tiền cho hút, chích, làm cho gia đình lâm vào cảnh bán nhà, mất nhà, mất tài sản lớn. Chu Đức Tiến diễn tả “cái nhà” đó chính là “nhà tôi” (tức vợ)… đang được gạ bán (!), tạo nên cái cười xót xa.
Tham nhũng là vi phạm pháp luật, là cái nạn nhức nhối mà kẻ tham nhũng muốn che giấu tinh vi, xảo quyệt. Tham nhũng là những con chuột ăn tàn phá hại. Nhưng kể tham nhũng thường là những kẻ “ăn vụng biết chùi mép”… Chu Đức Tiến vẽ chuột tham nhũng đứng trước một dãy khăn “chùi mồm”. Tham nhũng thường được một thế lực nào đó che chắn. Những cái khăn này mang biểu tượng ô che, là vấn đề lớn như công cuộc chống tham nhũng ngày nay đang làm rõ. Chu Đức Tiến giễu tham nhũng nằm trên chiếc võng với câu hát ngân nga “Ở hai đầu nỗi nhớ”, mà hai đầu chiếc võng đó một bên ngoắc vào báo chí, một bên là chiếc vành móng ngựa (pháp luật). Tham nhũng có lúc được ví như căn bệnh ung thư khó chữa. Chu Đức Tiến vẽ cái bụng kẻ tham nhũng được con dao pháp luật mổ xẻ với lời trong bức tranh là “Ung thư – xin đừng tuyệt vọng”. Tinh thần của bức tranh như một lời khẳng định tham nhũng nhất định sẽ bị pháp luật xử lý.
Không thể kể hết những biểu hiện nhiều vẻ trong biếm họa Chu Đức Tiến, nhưng những bức tranh của họa sĩ luôn luôn có mặt kịp thời, là một thành tựu đáng ghi nhận trên chặng đường đồng hành cùng báo chí của ông.
HUY CHƯƠNG