Nhân rộng mô hình giảm nghèo, cận nghèo đa chiều bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 09:43, 13/07/2018
Hiện nay, theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Việt Nam xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đó là tiếp cận về giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Nghiên cứu của các nhà chính trị và học giả trên thế giới đã có sự thống nhất cao về quan điểm nghèo đa chiều. Đó là sự thiếu hụt hoặc không được thỏa mãn ở mức tối thiểu các nhu cầu cơ bản của con người trong cuộc sống.
Tại Hải Dương, theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, kết quả điều tra đầu năm 2016 cho thấy toàn tỉnh có 40.348 hộ nghèo, chiếm 7,19% tổng số hộ; 23.939 hộ cận nghèo, chiếm 4,27%. Nhưng đến khi triển khai cuộc điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2016 thì toàn tỉnh có 29.107 hộ nghèo (chiếm 5,08%), có 23.380 hộ cận nghèo (chiếm 4,08%). Vậy là sau một thời gian, toàn tỉnh đã giảm được 11.241 hộ nghèo (tương ứng 2,11%), giảm 559 hộ cận nghèo (tương ứng 0,19%). Đến năm 2017, toàn tỉnh chỉ còn 21.105 hộ nghèo, chiếm 3,6% (giảm 1,48% so với năm 2016); 21.658 hộ cận nghèo, chiếm 3,7% (giảm 0,38% so với năm 2016). So với một số tỉnh thì số lượng hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh ta là thấp.
Trong những năm qua, vấn đề xóa đói, giảm nghèo bền vững luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, cả hệ thống chính trị hưởng ứng, ủng hộ. Đây là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương. Tuy kết quả giảm nghèo của tỉnh đạt cao, vượt mục tiêu đề ra nhưng tính bền vững còn hạn chế. Cụ thể, năm 2016, toàn tỉnh có 13.924 hộ thoát nghèo nhưng lại có thêm 2.441 hộ nghèo mới, 242 hộ tái nghèo; năm2017 có 10.131 hộ thoát nghèo nhưng có 1.784 hộ nghèo mới và 339 hộ tái nghèo. Số hộ thoát nghèo trong 2 năm tuy cao, nhưng đa phần chỉ thoát khỏi ngưỡng nghèo, rơi vào chuẩn cận nghèo. Chỉ tính trong hai năm 2016 và 2017 đã có 13.806 hộ cận nghèo mới phát sinh.
Sở dĩ có tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giảm nghèo bền vững đối với sự phát triển của quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người nghèo thiếu tinh thần quyết tâm vươn lên thoát nghèo, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều chính sách giảm nghèo còn mang nặng tính chất hỗ trợ kinh phí là chính, chưa quan tâm tạo sinh kế cho người nghèo.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên và nhanh chóng vươn tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, hiện tỉnh đã xây dựng Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”. Mục tiêu của dự án là thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15 - 20%/năm; bình quân mỗi năm có trên 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia mô hình được thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững, không tái nghèo; ít nhất có 1.400 lao động nghèo, cận nghèo được tham gia và hưởng lợi từ dự án; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa bàn thực hiện dự án từ 1% trở lên. Năm 2018, dự án thực hiện 4 mô hình, các năm 2019-2020 cùng thực hiện 8 mô hình.
Với mục tiêu và lộ trình cụ thể như vậy, chúng ta cần sử dụng tổng hợp các biện pháp. Trong đó, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng về công tác giảm nghèo. Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở. Tăng cường quan hệ liên kết, hợp tác các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng hỗ trợ thực hiện; tích hợp huy động các nguồn lực và thực hiện lồng ghép với các dự án khác có liên quan...
TS. PHẠM TRUNG THANH (TP Hải Dương)