Doanh nghiệp gỗ giải bài toán tăng năng suất lao động

Kinh tế - Ngày đăng : 12:08, 13/07/2018

Không dễ tuyển dụng lao động, áp lực tiến độ giao hàng ngày càng lớn nên các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trong tỉnh phải tìm giải pháp để nâng cao năng suất lao động.

Công ty CP Cửu Long ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương) đầu tư máy móc hiện đại để giảm áp lực thiếu lao động

Máy móc thay thế nhân công

Nếu như những năm trước, do thiếu lao động nên Doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ Mạnh Tuyên ở cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang) luôn phấp phỏng lo đơn hàng không giao kịp tiến độ thì nay nỗi lo này đã giảm. "Sức ép về lao động cộng với tay nghề của công nhân chưa cao nên các đơn hàng khó đáp ứng được tiến độ của đối tác. Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua sắm máy móc thay thế sức người", anh Tuyên cho biết. Mặc dù phải mất vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng so với việc phải chạy đôn chạy đáo tìm nhân công hoặc bị phạt vì giao hàng chậm tiến độ thì phương án này vẫn lợi hơn. Doanh nghiệp chủ động được sản xuất, không phụ thuộc quá nhiều vào lao động.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ của tỉnh, mặc dù Hải Dương có nhiều làng nghề mộc truyền thống nhưng tay nghề và năng suất lao động lại chưa đáp ứng được yêu cầu. So với ngành gỗ ở nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, thậm chí ngay ở Lào và Campuchia, năng suất lao động ngành gỗ của chúng ta cũng thua kém. Năng suất lao động của công nhân ngành gỗ Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng hiện chỉ bằng 1/10 so với Hàn Quốc, 1/5 so với Malaysia, và 1/3 so với ở Lào. Ông Nguyễn Đăng Quý, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất gỗ gia dụng ở làng nghề mộc Đức Minh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) lấy ví dụ: “Trước đây, việc cưa gỗ ít nhất phải cần đến 2 nhân công. 2 người này phải làm việc liên tục 5 tiếng mới cho ra được một ván gỗ để làm cửa theo yêu cầu. Từ khi tôi đầu tư máy cưa bàn trượt thì chỉ cần một người điều khiển, lâu nhất cũng chỉ mất khoảng 1 tiếng là xong. Độ dày, mỏng của các tấm gỗ lại bảo đảm hơn nhiều so với làm thủ công. Nếu thuê lao động, tôi vừa phải lo chế độ lương thưởng lại phải lo về an toàn".

Trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp ngành gỗ của tỉnh đang tích cực đầu tư thiết bị máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Những thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến gỗ cũng ngày càng hiện đại và thông minh hơn. Nhiều doanh nghiệp gỗ của tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua máy chế biến gỗ thông minh, điều khiển tự động, có độ chính xác cao như máy CNC, dây chuyền sơn tự động, máy dán cạnh đa chiều... Ngay cả những doanh nghiệp sản xuất gỗ mỹ nghệ đòi hỏi độ tinh xảo và nhiều công đoạn phải làm thủ công thì cũng chủ động đầu tư máy móc ở những công đoạn không cần đến sức người, chưa đòi hỏi độ khéo léo và tinh xảo của đôi bàn tay như cưa, bào, phun sơn.

Nâng cao tay nghề

Với máy cưa mâm, doanh nghiệp chế biến gỗ ở làng nghề mộc Đức Minh (TP Hải Dương) đã tiết kiệm được 2/3 thời gian và một nửa số lao động

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cửu Long ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương), đầu tư máy móc, thiết bị chỉ đáp ứng được một phần bài toán năng suất lao động. Người lao động phải được đào tạo bài bản, thạo nghề và linh hoạt, sáng tạo trong công việc. "Có dịp đến các nước có ngành sản xuất, chế biến gỗ hàng đầu trên thế giới như Italia, Hàn Quốc, Trung Quốc, tôi thấy máy móc của họ cũng không hơn nhiều so với các doanh nghiệp gỗ ở Việt Nam. Nhưng đổi lại, họ có cách quản lý, sử dụng con người tốt hơn. Ở mỗi dây chuyền, công đoạn sản xuất, họ bố trí, lựa chọn người có tay nghề phù hợp. Đặc biệt, tính kỷ luật trong sản xuất ở họ rất nghiêm. Đáng chú ý là ngành gỗ ở các nước này được phân công khá chuyên nghiệp. Mỗi doanh nghiệp chuyên sản xuất những bộ phận của sản phẩm nhất định, chứ không làm tất ăn cả như các doanh nghiệp của Việt Nam", ông Tuấn cho biết.

Đào tạo để tăng năng suất lao động đang được nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này quan tâm. Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh và chế biến gỗ Hải Dương ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) thường xuyên mời các công nhân có tay nghề từ các doanh nghiệp lớn ở Sài Gòn hoặc Bình Dương về đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Doanh nghiệp còn chủ động đổi mới cách quản lý, giao khoán sản phẩm cho mỗi công nhân. Khuyến khích công nhân có sáng kiến kinh nghiệm tiết kiệm, tận dụng nguyên liệu, nhiên liệu, tăng năng suất lao động, cải tiến máy móc phù hợp với yêu cầu sản xuất... Anh Hà Xuân Đạt, đại diện doanh nghiệp cho biết: "Năng suất lao động quyết định rất nhiều đến các đơn hàng vì chỉ cần chậm là sản phẩm đó đã lỗi thời, khó bán hoặc phải bán với giá rẻ, thậm chí đối tác chấm dứt hợp đồng, không chấp nhận đơn hàng đó nữa".

Trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng lớn, yêu cầu tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm rất cần thiết. Đặc biệt, việc khuyến khích lao động nâng cao tay nghề cần được các doanh nghiệp quan tâm. Chính sách đào tạo nghề cần được thực hiện ngay từ cơ sở. Các trường đào tạo nghề liên quan đến ngành gỗ cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp để giúp học viên sớm được thực hành, rèn luyện kỹ năng ngay tại các nhà máy. Về lâu dài, công nghệ, máy móc tiên tiến cần được ngành gỗ cập nhật và học hỏi từ các nước có ngành chế biến gỗ phát triển. Ngay cả các làng nghề mộc mỹ nghệ của tỉnh, ngoài phát huy khả năng sáng tạo, khéo léo từ bàn tay của người thợ cũng cần đầu tư mua sắm máy móc cho những công đoạn cần thiết, góp phần giảm chi phí mà vẫn có những sản phẩm có giá trị.

HẢI MINH