Bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

Xã hội - Ngày đăng : 18:15, 13/07/2018

Nắng nóng trong những ngày vừa qua khiến nhiều bệnh dịch ở người diễn biến phức tạp, khó lường.

Kiểm tra sức khỏe và các nốt phỏng do bệnh tay - chân - miệng cho trẻ tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Hải Dương

Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương) đang điều trị gần 40 bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh tay - chân - miệng, viêm não, viêm màng não, thủy đậu… Thạc sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa cho biết: "Bệnh dịch truyền nhiễm mùa hè năm nay diễn biến thất thường với nhiều ca bệnh nặng. Điển hình nhất là bệnh tay - chân - miệng tăng đột biến. Nhiều bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên lọc máu, truyền gamma hỗ trợ miễn dịch. Ngày nào khoa cũng tiếp nhận bệnh nhân nhi mắc tay - chân - miệng, thậm chí có ngày tới 20 trẻ phải vào điều trị".

Bệnh viêm não, viêm màng não cũng xuất hiện nhiều hơn trước, có tuần khoa tiếp nhận tới 3 bệnh nhân. Trong khi năm trước không có ca mắc viêm não Nhật Bản B thì năm nay đã ghi nhận 6 trường hợp mắc, một số ca phải chuyển tuyến trung ương. Chị Tiêu Thị Huệ, mẹ cháu Vũ Đức Gia Bảo (4 tuổi, ở xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện) cho biết: Cách đây gần một tháng, cháu Bảo bị đau đầu kèm sốt cao, co giật được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Miện và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Hải Dương, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, sức khỏe tiến triển tốt, cháu đã được ra viện. Tuy nhiên, đến sáng 9.7, bệnh của Bảo có dấu hiệu tái phát nên gia đình lại đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhiều bệnh truyền nhiễm trong tỉnh có xu hướng tăng nhanh và diễn biến khó lường. Toàn tỉnh ghi nhận 8 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B, tập trung ở huyện Kinh Môn (4 ca), Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện và Gia Lộc (mỗi nơi 1 ca). Trẻ mắc bệnh này tuổi thấp nhất là 8 tháng và cao nhất 14 tuổi. Trong số trẻ mắc bệnh có 4 trẻ đã được tiêm chủng đủ 3 mũi vaccine, 2 trẻ không rõ lịch sử tiêm chủng và 2 trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Có 135 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 112 trường hợp so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở nhóm 13 - 24 tháng tuổi. Nhiều trẻ mắc chủng EV 71, là chủng độc lực cao có thể gây biến chứng nặng. Ngoài những bệnh điển hình trên, nhiều bệnh truyền nhiễm lẻ tẻ khác cũng xuất hiện như bệnh cúm (trên 6.600 ca), tiêu chảy (1.820 ca), quai bị (36 ca), sởi (5 ca), ho gà (1 ca)…

Ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Trung tâm luôn chỉ đạo sát sao Trung tâm Y tế cấp huyện phải thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, giám sát dịch bệnh chặt chẽ ngay từ khi phát hiện những ca mắc ban đầu để xử lý kịp thời. Các đơn vị y tế luôn sẵn sàng phòng chống dịch, các đội cơ động thường trực xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng bệnh, tránh dịch diễn biến bất thường và lan rộng.

Mùa hè là thời điểm nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, dễ lây lan thông qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa hè rất cao do điều kiện khí hậu, nhiệt độ thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Tập trung đông người tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần làm sạch môi trường sống, diệt các côn trùng gây bệnh như ruồi, muỗi, lăng quăng để phòng bệnh. Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, không chờ đợi vaccine dịch vụ. Mỗi người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ nhỏ; ăn chín, uống sôi và cung cấp đủ dinh dưỡng để phòng bệnh cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

ĐỨC THÀNH