Vi phạm công trình thủy lợi kéo dài
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:26, 15/07/2018
Người dân xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) lấn chiếm lòng kênh T5 xây nhà kiên cố
Nhiều tác hại
Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thống kê số vi phạm CTTL tại từng thời điểm. Những con số qua các năm cho thấy vi phạm mới phát sinh ngày càng tăng, trong khi số vụ được xử lý dứt điểm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện toàn tỉnh có 5.424 vi phạm CTTL với nhiều điểm nóng tồn tại dai dẳng, thách thức chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Thậm chí, có nhiều tổ chức, cá nhân chấp nhận nộp phạt để tiếp tục sai phạm.
Kênh T5 đoạn qua các thôn Phí Xá, Quý Khê của xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đang bị bức tử bởi hành vi lấn chiếm lòng kênh, xây nhà của người dân địa phương. Lúc đầu, người dân chỉ lấn vào hành lang bảo vệ bờ kênh, sau đó là lòng kênh để cơi nới, mở rộng diện tích đất sử dụng. Rồi từ làm lán tạm bợ, các hộ ngang nhiên xây dựng kiên cố. Trong quá trình người dân thực hiện hành vi vi phạm, đã có nhiều văn bản của đơn vị trực tiếp quản lý tuyến kênh gửi đến chính quyền cơ sở đề nghị xử lý. Nhưng vì chính quyền buông lỏng, các công trình vi phạm vẫn được hoàn thiện. Hiện tại, các cấp chính quyền đều "bó tay" đối với các vi phạm này vì nếu quyết tâm xử lý sẽ cần nguồn kinh phí rất lớn.
Sau một thời gian yên ắng, gần đây trên tuyến kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng thuộc địa bàn TP Hải Dương và huyện Gia Lộc lại xuất hiện nhiều vi phạm xây dựng trái phép mới. Vốn là điểm đen về vi phạm CTTL nhiều năm nên những vi phạm mới phát sinh càng gây bức xúc trong nhân dân. Theo ông Vũ Minh Trung, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện Gia Lộc, do nhu cầu đi lại nên vài tháng trở lại đây, người dân lại tự ý xây cầu bắc qua kênh. Các hộ thường tranh thủ ngày nghỉ để làm, dễ dàng qua mặt chính quyền và cơ quan chuyên môn. Khi phát hiện thì vi phạm bị đặt vào thế "sự đã rồi", rất khó xử lý. Hơn nữa, khi bị yêu cầu giải tỏa, người dân thường không chấp hành, đưa ra yêu sách là nếu tháo dỡ thì các hộ có vi phạm phải thực hiện đồng loạt. Điều này làm cho chính quyền các cấp lúng túng trong việc đưa ra phương án xử lý vi phạm. "Thạch Khôi - Đoàn Thượng là tuyến kênh huyết mạch, làm nhiệm vụ tưới tiêu cho hầu hết diện tích đất nông nghiệp của huyện Gia Lộc. Vi phạm phát sinh nhiều, không xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng tới năng lực tưới tiêu của công trình. Việc bắc cầu qua kênh gây khó khăn cho đơn vị thi công đưa máy móc vào nạo vét tuyến kênh nên chỉ có thể làm thủ công. Vì vậy, việc chống úng, chống hạn không thể kịp thời", ông Trung cho biết.
Các vi phạm nêu trên còn kéo theo vi phạm về xả thải do các hộ sinh sống bên bờ kênh gây ra.
Chính quyền chưa kiên quyết
Theo quy định, các đơn vị quản lý, khai thác CTTL chỉ làm nhiệm vụ phát hiện, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm, còn chức năng xử lý thuộc về chính quyền các cấp. Do đó, khi vi phạm CTTL cũ chưa được xử lý, vi phạm mới đã hình thành thì dư luận có quyền quy kết chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Hơn nữa, nếu xử lý chỉ đơn thuần là xử phạt hành chính mà không cưỡng chế giải tỏa thì tình trạng vi phạm CTTL sẽ càng diễn biến phức tạp, nhức nhối.
Xã Gia Xuyên là địa phương phát sinh nhiều vi phạm CTTL trong thời gian gần đây của huyện Gia Lộc. Ông Đồng Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận nếu để chính quyền xã xử lý thì rất khó mà phải có sự phối hợp, hỗ trợ từ cấp trên. Khi vi phạm được phát hiện, xã đã quyết liệt yêu cầu các hộ dừng thi công, trả lại nguyên trạng công trình. Nhưng các hộ viện nhiều lý do để không hợp tác với chính quyền.
Huyện Cẩm Giàng hiện có 730 vi phạm trên hệ thống CTTL do Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện quản lý. UBND tỉnh yêu cầu phải xử lý 112 vi phạm trong năm 2018 nhưng theo đánh giá của đơn vị quản lý, điều này là không thể. Ông Trương Văn Hà, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện cho biết: "Mặc dù việc xử lý vi phạm CTTL trên địa bàn huyện rất nan giải song không thể không thực hiện. Trước mắt, xí nghiệp đề xuất UBND huyện xử lý dứt điểm 2 trường hợp tại thị trấn Lai Cách và xã Tân Trường để tạo tiền lệ giải quyết các vi phạm còn lại".
Để CTTL có thể phát huy hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm đời sống dân sinh thì việc đẩy lùi vi phạm CTTL là yêu cầu bức thiết. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp và đơn vị quản lý sẽ là yếu tố quyết định, tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.
DŨNG CƯỜNG