Nghẹn ngào lời ru
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 13:48, 15/07/2018
Trong thơ Ninh Đức Hậu người đọc thường bắt gặp những hình ảnh thân thuộc: người bà, người mẹ, người cha, người chị, người lính. Những hình ảnh ấy đã đi vào thơ anh một cách tự nhiên dung dị, chân chất mộc mạc như chính cuộc đời vậy. Bằng thể thơ lục bát truyền thống, bằng lối viết nhẹ nhàng, nhà thơ đã để lại dư vị, dấu ấn khó phai trong lòng độc giả, và bài thơ "Lời ru của đá vọng phu" là một minh chứng.
"À ơi… Ngủ nhé anh yêu" là lời người vợ hát ru chồng!? Hẳn rồi, bởi lời xưng hô “anh yêu” ngọt ngào, đằm thắm, nồng nàn, chan chứa yêu thương thế cơ mà. Nhưng sao lại hát ru vào buổi chiều tà: “Sao hôm vừa cháy nắng chiều vừa phai” - thời điểm giao thoa giữa ngày và đêm. Câu thơ mở đầu dường như báo hiệu điều gì đó bất an: "Em thêm sợi khói mảnh mai/Nhang thơm ở lại đêm dài cùng anh".
Đọc hai câu thơ tiếp theo người đọc chợt sững sờ, thì ra sợi khói mảnh mai kia là vách ngăn cách giữa anh và em, giữa ngày và đêm, giữa thực và hư, giữa âm và dương, giữa hạnh phúc và đau khổ. Người thiếu phụ hát ru chồng bằng nén nhang thơm, bằng sợi khói mảnh mai, tội nghiệp thay, đáng thương thay. Chiều dài của đêm được đo bằng những nén hương, càng làm tăng thêm sự xót xa, quạnh quẽ, trống trải, đơn chiếc. Khổ thơ có bốn câu lục bát, có lời ru, lời gọi ngọt ngào, âu yếm, có anh - em mà sao câu thơ cứ gieo vào lòng người đọc nỗi bùi ngùi, rưng rưng. Câu thơ nhè nhẹ thốt ra mà sao trĩu lòng người đọc, mà sao cay cay nơi sống mũi.
Lời ru “À ơi…” lặp lại đầu khổ thơ thứ hai như một dòng tự sự ghi lại những biến cố trong cuộc đời của con người. “Biêng biếc lá xanh”, “Một ngày giông bão” là những hình ảnh ẩn dụ được nhà thơ sử dụng một cách khéo léo để diễn đạt sự mất mát, hy sinh, sự ra đi của người lính, lặng lẽ, âm thầm như bao sự hy sinh của những người con ra đi vì nghĩa lớn, vì Tổ quốc. Điệp từ "tan vào" được tác giả nhấn mạnh sự hóa thân vào trời đất, núi sông của những con người bình dị, vô danh: "Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra đất nước" (Nguyễn Khoa Điềm). Tác giả không chỉ sử dụng điệp từ, ẩn dụ mà còn sử dụng từ láy "cuộn cào", vừa gợi hình, vừa gợi cảm diễn tả được nỗi cồn cào, xa xót. Không biết khi viết những dòng thơ này nhà thơ có liên tưởng đến những câu thơ: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm" mà câu thơ day dứt, đau đáu đến vậy.
Hình dung về những nơi người chồng đi qua: “Trùng điệp non cao, chênh vênh vách đá”, biết bao gian khổ, bao thử thách mà người lính đã trải qua, những giây phút bình yên là những lúc luôn khắc khoải nhớ về căn nhà nhỏ, về người vợ thân thương. Biết bao tâm tư, bao nỗi niềm, bao khát khao được nhà thơ thể hiện một cách tinh tế qua từ láy “khắc khoải”, nghe tiếng chim kêu cũng canh cánh bên lòng. Nhà thơ thật tinh tế khi sử dụng từ “nỗi” để diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều tâm tư của người lính.
Vẫn là từ láy miêu tả giấc đêm "thăm thẳm", nhà thơ miêu tả giấc mơ của người lính thật lãng mạn, giấc mơ mới đẹp làm sao, khi người lính dành trọn đêm dài để mơ về bên người vợ trẻ. Gối đầu báng súng mà ngỡ như đang gối trên cánh tay mềm mại của người vợ hiền, rồi mơ làn tóc dài mềm mại như suối mây, cả làn hương bồ kết cũng đi vào giấc mơ, gợi những kỷ niệm về tình yêu ban đầu. Lãng mạn thay, đẹp thay giấc mơ của người lính, nhưng đó chỉ là giấc mơ, giấc mơ hiện về trong lời ru của em.
Nếu như ở khổ thơ đầu người thiếu phụ hát ru chồng bằng nén hương thơm thì khổ thơ cuối lời ru ấy nghẹn lại không thốt nên lời. Lời ru đã theo anh lên trời, lời ru vào hư không, vào vô định giữa làn khói mỏng mong manh. Lời ru đã trở thành lời độc thoại. Cụm từ "À ơi…" lặp lại năm lần ở đầu năm khổ thơ nhưng lại chẳng có lời ru nào cả. Bài thơ tĩnh lặng đến tuyệt đối, chỉ duy nhất một lần nhà thơ nhắc đến tiếng chim nhưng lại là tiếng lòng của nhân vật trữ tình đầy khắc khoải, đầy nỗi nhớ mong.
Lời ru xuyên suốt bài thơ, được lặp đi lặp lại nhưng lời ru ấy lại rơi vào hư không vô vọng, trong suốt chuỗi ngày khắc khoải chờ đợi mòn mỏi "Đợi anh hóa đá em thành vọng phu".
Vọng phu là hình tượng người phụ nữ chờ chồng mòn mỏi, khắc khoải, day dứt đến hóa đá. Hình tượng ấy đã được nhà thơ Ninh Đức Hậu khắc họa tinh tế, dung dị mà vẫn sâu sắc. Bài thơ khép lại mà dư âm đọng lại trong lòng người đọc cứ day dứt, đắng đót, cay cay.
PHẠM NGA
Lời ru của đá vọng phu À ơi… Ngủ nhé anh yêu |