Tín hiệu khả quan từ việc xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương

Kinh tế - Ngày đăng : 18:35, 15/07/2018

Việc xử lý 12 dự án cuối cùng đã có tín hiệu khả quan khi nhiều dự án bước đầu tìm ra được phương án để có thể hoạt động trong bối cảnh không còn nguồn tiền ngân sách cứu trợ.


Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Phóng viên đã trao đổi với ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương về những phương án khả thi xử lý các tồn tại, tạo chuyển biến căn bản cho các dự án có thể hoạt động thực sự theo cơ chế thị trường như mục tiêu của Chính phủ đề ra.

- Ông có thể cho biết việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương đã có những tiến triển tích cực như thế nào?

Vụ trưởng Dương Duy Hưng: Sau hơn 1 năm Ban Chỉ đạo của Chính phủ tiến hành rà soát tổng thể và đưa ra các giải pháp xử lý tổng thể 12 dự án này, nhiều dự án đã có chuyển biến đáng mừng.

Trong 6 dự án đã có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn thua lỗ, đến nay đã có 2/6 dự án thoát lỗ và bước đầu sản xuất kinh doanh có lãi. Cụ thể là Nhà máy thép Việt Trung năm 2017 đã lãi 419 tỷ đồng; Nhà máy DAP Vinachem cũng đã lãi hàng chục tỷ đồng.

Các dự án còn lại, nhất là 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gồm: DAP Lào Cai, Phân đạm Ninh Bình, Phân đạm Hà Bắc đã vận hành ổn định hơn với công suất cao hơn nên số lỗ luỹ kế đã giảm đáng kể.

Đối với nhóm 3 dự án tạm dừng thi công, thì dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã tiến hành bán đấu giá lần 1 nhưng chưa thành công và đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để bán đấu giá lần 2. Hai dự án còn lại cũng đang tìm đối tác để có thể vận hành trở lại.

Đối với nhóm các dự án thứ ba gồm các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Công ty PVTex) đã vận hành trở lại 3 dây chuyền vào ngày 10.4 vừa qua và cho ra sản phẩm tiêu thụ bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, điểm quan trọng nhất là các dự án này hoạt động trở lại khi không sử dụng thêm bất kỳ nguồn ngân sách nào nên tuân thủ theo đúng nguyên tắc mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra.

Không những thế, phần vốn góp nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ở dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã rút về được gần 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư nợ cấp tín dụng của các dự án này đến 31.1.2018 tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã giảm được 193 tỷ đồng; nợ phải trả đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã giảm được khoảng 45 tỷ đồng.

- Ông đánh giá như thế nào về tiến độ xử lý các dự án yếu kém này và hiệu quả của các phương án xử lý?

Vụ trưởng Dương Duy Hưng: Một số việc xử lý đã đạt tiến độ. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề vẫn chậm hơn so với mong muốn ban đầu. Ví dụ như việc xử lý các phát sinh tranh chấp ở hợp đồng EPC của các dự án vẫn còn chậm. Theo kế hoạch trong quý 1.2018 có thể xử lý được cơ bản và tương đối dứt điểm nhưng do đây là các dự án có quy mô lớn và kéo dài qua nhiều năm, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nên đến thời điểm này chưa thực hiện xong.

Bộ Công Thương xác định, với các dự án có tiến triển tốt như các dự án sản xuất phân bón thì sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất, quản trị doanh nghiệp, rà soát tiết giảm chi phí, tiết giảm lao động để duy trì nhịp độ sản xuất cao và hiệu quả hơn.

Trong thời gian tới, các biện pháp triển khai phải bám sát vào các chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như là các phương án, lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đặc biệt là kế hoạch hành động cụ thể của Ban Chỉ đạo với các bộ ngành .

Với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như vậy thì đến hết năm 2018, hy vọng những khó khăn của các dự án này cơ bản được giải quyết và đến năm 2020 có thể xử lý triệt để.

- Từ góc độ cơ quan quản lý 12 dự án này, xin ông có thể cho biết đâu là những khó khăn lớn nhất hiện nay mà các dự án thua lỗ này vẫn chưa thể thoát ra được?

Vụ trưởng Dương Duy Hưng: Có những nhóm vấn đề nan giải cần tập trung giải quyết. Thứ nhất là nhóm vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC ở nhiều dự án. Đây là khâu rất phức tạp bởi đến thời điểm này, vẫn còn 8 dự án vẫn có vướng mắc.

Với nhóm vấn đề này, Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu rõ quan điểm là nếu các bên tranh chấp không đi đến được thống nhất để giải quyết thì sẽ đưa ra Trọng tài quốc tế. Đến thời điểm này, những tranh chấp tại dự án PVtex Đình Vũ đã có quyết định đưa ra trọng tài quốc tế tại Singapore vào tháng 11.2018.

Thứ hai là việc quyết toán hoàn thành dự án, nếu như các tranh chấp ở các hợp đồng EPC mà không được giải quyết thì khâu này cũng sẽ khó xử lý. Vì vậy, việc dồn sức để xử lý 2 nhóm vấn đề này là rất quan trọng.

Ngoài ra, ở một số dự án thì nguồn lực tài chính và lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh cũng còn rất khó khăn. Thứ ba, với quy mô dự án rất lớn lại kéo dài trong nhiều năm nên hệ lụy để lại như tài chính, tỷ giá…rất phức tạp.

Do đó, việc xử lý đồng thời các vấn đề mang tính kinh tế, lại liên quan đến lao động, an sinh xã hội, môi trường chính là một thách thức rất lớn cần đặc biệt lưu ý để có thể đảm bảo xử lý được tổng thể các dự án và kết quả đạt được bền vững.

Ngoài ra, ở nhiều dự án thì phần vốn góp của phía Việt Nam không chiếm tỷ lệ chi phối cho nên chúng ta cũng không thể quyết được tất cả các vấn đề của dự án. Ví dụ như dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, phần vón góp của PVN chỉ 29%, ở dự án nhiên liệu Phú Thọ khoảng 39,7% nên các vấn đề liên quan đến hoạt động tiếp theo của dự án còn phụ thuộc nhiều vào cổ đông khác.

- Nhiều chủ đầu tư của các dự án thua lỗ này đã kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ “can thiệp” trong giãn nợ, khoanh nợ, xử lý khấu hao để bảo đảm “sức khoẻ” cần thiết cho các dự án duy trì hoạt động trong giai đoạn hiện nay. Vậy quan điểm của Bộ Công Thương về vấn đề này ra sao?

Vụ trưởng Dương Duy Hưng: Quan điểm xử lý các tồn tại ở 12 dự án này là theo nguyên tắc thị trường, theo quy định pháp luật hiện hành. Ví dụ, việc cơ cấu lại nợ hay lãi suất không thể dùng các mệnh lệnh hành chính xử lý mà phải tuân thủ theo các quy định của ngân hàng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có các hướng dẫn chỉ đạo, cũng như sẽ có các cuộc làm việc với các ngân hàng thương mại, chủ đầu tư dự án để có thể tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ lợi ích và rủi ro trong trung hạn và dài hạn. Từ đó, việc cơ cấu lại nợ này sẽ phải dựa trên phương án sản xuất kinh doanh của dự án đó. Nếu các dự án có khả năng phục hồi và đi vào hoạt động sản xuất ổn định, có khả năng trả nợ trong tương lai thì các bên cần ngồi lại để có thoả thuận cụ thể.

- Thưa ông, với những khó khăn hiện nay của các dự án này thì Bộ Công Thương sẽ có những chỉ đạo hoặc kiến nghị gì để tiếp tục tạo chuyển biến căn bản trong xử lý các dự án, bảo đảm các dự án có thể trở lại hoạt động theo cơ chế thị trường như mục tiêu của Chính phủ đề ra?

Vụ trưởng Dương Duy Hưng: Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các vụ chức năng trong việc bám sát tiến độ công việc để kịp thời xử lý trực tiếp các khó khăn của các dự án. Bên cạnh đó, việc xử lý phải bám sát vào Quyết định 1468 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29.9.2017 về phương án xử lý các dự án; trong đó tuân thủ triệt để nguyên tắc, phương án, giải pháp, lộ trình đã được phê duyệt. Ngoài ra, việc xử lý cũng phải bám sát vào 98 nhiệm vụ trong kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo đã giao cho các bộ ngành, địa phương.

Với vai trò đầu mối và là thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án thua lỗ này, Bộ Công Thương đang theo dõi rất sát tình hình, đôn đốc các bộ ngành liên quan gỡ vướng mắc của các dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.

- Xin cảm ơn ông!

ANH NGUYỄN (TTXVN)