Kinh nghiệm chăm sóc lợn con sau cai sữa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:43, 18/07/2018

Sau cai sữa, bộ máy tiêu hoá của lợn con vẫn chưa phát triển đầy đủ và khả năng điều hòa thân nhiệt còn kém nên sức đề kháng chưa cao, dễ mắc các bệnh về tiêu hóa và hô hấp.

Do vậy, cần có biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng lợn con sau cai sữa phù hợp.

Điều kiện chuồng nuôi: bố trí 1 ô chuồng khoảng 12-15 con, tương đương về độ tuổi và khối lượng để bảo đảm đàn lợn phát triển đồng đều. Diện tích chuồng nuôi phải hợp lý, không nên nhốt quá đông, lợn dễ cắn nhau và khó kiểm soát khi có lợn ốm.

Chuồng nuôi phải sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát về mùa hè,  ấm áp về mùa đông. Những ngày đầu mới tách mẹ nên giữ nhiệt độ chuồng nuôi tương đương với nhiệt độ chuồng nuôi trước cai sữa. Nhiệt độ thích hợp cho lợn con sau cai sữa từ 25 - 27 độ C. Điều chỉnh nhiệt độ thích hợp bằng cách quan sát biểu hiện của đàn lợn. Nếu lợn đủ ấm thì con nọ nằm cạnh con kia. Nếu bị lạnh, lợn nằm chồng chất lên nhau, lông dựng, mình mẩy run. Nếu lợn bị nóng quá thì nằm tản mát mỗi nơi 1 con, tăng nhịp thở.

Thức ăn và cách cho ăn: Thức ăn cho lợn con sau cai sữa phải dễ tiêu, có hàm lượng dinh dưỡng cao, đủ chất, không bị ôi thiu, nấm mốc. Nên dùng thức ăn hỗn hợp của các công ty thức ăn chăn nuôi có uy tín.

Thời gian cai sữa sớm hay muộn tuỳ thuộc vào hình thức chăn nuôi và khả năng ăn của lợn con. Chỉ nên cai sữa khi lợn con đã ăn quen thức ăn tập ăn và sức khỏe của lợn con và lợn mẹ hoàn toàn khỏe mạnh.

Trong thời gian từ 3 - 5 ngày trước khi cai sữa, hạn chế lượng thức ăn, nước uống hằng ngày của lợn mẹ để giảm dần tiết sữa và hạn chế dần số lần bú của lợn con.

Không thay đổi loại thức ăn từ ngày trước cai sữa đến 3 - 4 ngày sau cai sữa. Khi thay đổi thức ăn thì thực hiện từ từ trong vòng 3 - 4 ngày liền (theo trình tự giảm dần thức ăn cũ, tăng dần thức ăn mới), sau 4 ngày mới cho lợn con chuyển sang ăn hoàn toàn thức ăn mới. Nên cho lợn con ăn hạn chế trong 4ngày đầu sau cai sữa đồng thời sử dụng các loại thuốc kháng sinh như Genta - Costrim, Ampi coli, Hamcoli-fort… trộn vào thức ăn hoặc nước uống để phòng ngừa bệnh. Bổ sung men tiêu hóa vào thức ăn cho lợn để kích thích tiêu hóa và phòng ngừa tiêu chảy. Cung cấp đầy đủ nước uống sạch, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.

Vệ sinh thú y: Hằng ngày vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, máng uống. Định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu chăn nuôi. Tẩy giun sán và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho lợn.

Bác sĩ thú y HOÀNG THỊ NGUYỆ
(Trạm Thú y huyện Nam Sách)