Chủ động ứng phó với bão số 3
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 14:43, 18/07/2018
Trạm bơm Cống Lê (Ninh Giang) bơm gạn nước đệm từ ngày 17.8 để đề phòng mưa úng
Tổng lượng mưa cả đợt từ 100-150 mm, có nơi cao hơn. Gió mạnh dần lên cấp 4, cấp 5, giật cấp 6. Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3.
Công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi thị xã Chí Linh kiểm tra vận hành hồ Chóp Sôi tại xã Lê Lợi
Mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại lúc 7 giờ ngày 18.7 đạt 2,34 m (dưới báo động I là 1,66 m), sông Luộc tại Bến Trại đạt 1,94 m (dưới báo động I là 0,86 m). Các sông khu vực hạ lưu đỉnh triều đạt xấp xỉ báo động I. Trên hệ thông Bắc Hưng Hải, mực nước tại Bá Thuỷ đạt 1,69 m (dưới mực nước thiết kế tiêu 0,86 m).
Công nhân Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương cắt tỉa cành cây trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương
Mực nước sông ngoài và kênh trục lên cao nên Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương đã vận hành 34 trạm bơm với tổng số 140 máy để bơm gạn tháo. Do toàn tỉnh có nhiều diện tích lúa mới gieo vãi, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động tổ chức triển khai thực hiện các phương án phòng chống bão, úng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Kiểm tra hệ thống công trình, nhà trạm, bảo đảm an toàn cho công nhân vận hành. Rà soát toàn bộ hệ thống công trình máy móc thiết bị, bảo đảm 100% công suất sẵn sàng, chủ động đối phó với tình huống mưa lớn có thể xảy ra. Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi thị xã Chí Linh kiểm tra an toàn hệ thống hồ đập, thực hiện nghiêm quy trình vận hành. Tổ chức thường trực trực ban, thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc theo quy định.
Nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) thu hoạch rau màu ngoài bãi sông, phòng xảy ra mưa lớn và lũ lên cao
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải vận hành hệ thống nhằm điều tiết phòng lũ. Công ty đóng kín các cống Xuân Quan, Báo Đáp, mở thông các cống Kênh Cầu, Đồng Than, Lạc Cầu, Bá Thuỷ, Cống Neo... để tháo gạn ở cửa cống Cầu Xe, An Thổ.
Nông dân xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) san tỉa lúa gieo thẳng, giữ mạ để chủ động gieo cấy lại nếu mưa úng làm chết lúa mới cấy
Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã thành lập 7 nhóm gồm 29 lao động phụ trách các cống ngầm, 5 nhóm gồm 15 công nhân vận hành các trạm bơm, 10 công nhân phụ trách các hồ điều hoà trên địa bàn TP Hải Dương để bảo đảm tiêu úng kịp thời khi xảy ra mưa lớn. Ngoài ra, công ty còn cắt, tỉa cây xanh trên các tuyến đường, đề phòng gió mạnh.
Nông dân xã Toàn Thắng (Gia Lộc) cắt tỉa, chằng chống cho diện tích rau leo giàn
Nông dân các địa phương trong tỉnh cũng chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp để phòng tránh ảnh hưởng của bão số 3. Các hộ nuôi cá lồng ở một số địa phương như xã Nam Tân (Nam Sách), Nam đồng (TP Hải Dương), Tiền Tiến (Thanh Hà)... đã kiểm tra toàn bộ lồng bè, gia cố các mối hàn, thay thế toàn bộ dây neo mục nát; hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.
Nông dân xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) dùng khum nilon bảo vệ rau màu hè thu chưa được thu hoạch
Chi cục Thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng khi thấy hiện tượng nước đục, cá bỏ ăn cần bổ sung ô xy, chủ động phòng bệnh cho cá; thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão số 3. Đối với các lồng cá đủ trọng lượng xuất bán cần tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch. Hiện toàn tỉnh có 3.576 lồng nuôi cá trên sông.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đại ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (Thanh Hà) kiểm tra lưới trong lồng nuôi cá
Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương yêu cầu Điện lực các huyện, thị xã, thành phố có phương án xử lý việc úng ngập cục bộ tại trụ sở, văn phòng, kho tàng, nhà xưởng. Điện lực các huyện, thị xã cho đóng điện tất cả các trạm bơm tiêu úng; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sẵn sàng phương tiện chiếu sáng, vật tư, hậu cần, chủ động đối phó trong mọi tình huống. Các đơn vị chú ý bảo đảm cấp điện cho các phụ tải quan trọng theo danh mục ưu tiên. Phối hợp chặt chẽ với các Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi để bảo đảm cấp điện cho các trạm biến áp phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng, sẵn sàng xử lý khắc phục sự cố lưới điện, bảo đảm an toàn lưới điện. Điện lực các huyện, thành phố, thị xã bố trí nhân lực kịp thời giải quyết các sự cố do mưa bão gây ra. Đối với các đường điện, nhất là lưới điện hạ áp phải kiểm tra kỹ, bảo đảm an toàn trước khi cấp điện trở lại.
NGUYỄN MƠ-NGỌC THỦY-TRẦN HIỀN