Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Helsinki chưa phải là lịch sử

Thế giới - Ngày đăng : 13:35, 19/07/2018

Đối thoại Helsinki là một nước cờ đầy toan tính giữa Nga và Mỹ, song bản thân nó chưa phải một cuộc gặp mang tính lịch sử. Một cuộc đối thoại xen lẫn giữa hợp tác và đối đầu, giữa ổn định và hỗn loạn.

Helsinki 2018 và toan tính chiến lược trong quan hệ Nga-Mỹ. Ảnh: National Interest

Đối thoại Trump-Putin tại Helsinki (Phần Lan) được thiết lập theo đúng một lộ trình nhằm giúp xoa dịu những căng thẳng giữa Nga và Mỹ. Mọi thứ dường như đều theo đúng kịch bản, cho đến khi cuộc họp báo bắt đầu, vỏn vẹn trong khoảng 30 phút.

Sóng ngầm

Sau hơn 4 tiếng thảo luận, thừa nhận những xung đột kéo dài và tiếp diễn khiến con đường bình thường hóa quan hệ ngày một khó khăn, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã cùng chỉ ra một số điểm cả hai bên cùng quan tâm và sẵn sàng hợp tác. Bao gồm vấn đề chống khủng bố, không phổ biến vũ khí, cùng nhấn mạnh đến trách nhiệm của hai cường quốc hạt nhân lớn trong việc định hình và duy trì sự ổn định chiến lược. Đồng thời, cam kết tái lập các kênh liên lạc nhằm tiếp tục thảo luận về các vấn đề xung đột cũng như những điểm chung lợi ích có thể hợp tác giữa hai bên.

Theo giới chuyên gia, cách tiếp cận vấn đề của Nhà Trắng trong sự kiện Helsinki lần này có nhiều điểm tương đồng với chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời George W. Bush và Barack Obama. Điểm khác là đường lối đối ngoại với Nga của Donald Trump được cho là sẽ giúp giải quyết những căng thẳng hiện có, đồng thời “lái” mối quan hệ giữa Washington và Moskva theo một hướng mang tính xây dựng hơn.

Điểm đáng lưu ý trong đối thoại Helsinki lần này có lẽ là việc Donald Trump không đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ mang tính đơn phương nào. Washington không từ bỏ lợi ích cũng như sự hiện diện Mỹ tại bất kỳ “điểm nóng” nào trong mối quan hệ với Kremlin. Nhà Trắng không đánh đổi giữa việc rút quân khỏi Syria nhằm đạt được cam kết của Nga trong việc hạn chế Iran, không “đóng băng” các cuộc tập trận với khối đồng minh NATO, không công nhận Crimea cũng như không có dấu hiệu nào trong việc sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Nga.

Thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ “bám sát kịch bản” hơn nếu được kết thúc bằng những tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn. Bởi khi đó, cuộc đối thoại sẽ hoàn thành nhiệm vụ “khơi thông thế bế tắc” trong mối quan hệ đầy rẫy những nghi kỵ, căng thẳng giữa Nga và Mỹ.Hơn bốn giờ mở ra tương lai nhưng có lẽ với 30 phút, quan hệ Nga-Mỹ lại bị đẩy vào bế tắc.

Về vấn đề can thiệp bầu cử Mỹ hồi năm 2016 mà Washington cáo buộc Điện Kremlin đứng sau dàn xếp, Tổng thống Mỹ tỏ ra hoài nghi thậm chí phủ nhận về bất kỳ sự thông đồng hay liên quan nào giữa Moskva và chiến dịch tranh cử của mình. Donald Trump cho rằng cuộc điều tra về việc chính quyền Putin đứng sau nỗ lực nhằm xâm nhập các hệ thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ hayhòm thư điện tử của ứng cử viên tranh cử khi đó, bà Clinton,là “một thảm họa”, coi đây là nguyên nhân khiến Nga-Mỹ bị chia rẽ.

Ngoài ra, những phát biểu tại Helsinki khiến giới quan sát có lý do tin rằng Donald Trump muốn tìm cách “dập tắt” cuộc điều tra của cựu giám đốc FBI, công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử. Người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ra tiếc nuối vì cho rằng cuộc điều tra của Mueller khiến cho một chiến dịch tranh cử “đầy chiến lược” cũng như một chiến thắng thuyết phục bị “lu mờ”.

Theo giới phân tích chính trị, hoặc Donald Trump đang tỏ ra bối rối, hoặc đó là một “chiêu trò ngoại giao” khác mà vị tổng thống Mỹ này đang thể hiện. Đứng cạnh người đồng cấp Nga, Tổng thống Mỹ khiến giới quan sát phải đặt ra câu hỏi rằng giữa giới tình báo Mỹ và Putin, Donald Trump tin tưởng bên nào?

Về phần mình, Vladimir Putin đã khiến đối thoại Helsinki “phức tạp hơn kế hoạch” bằng việc chỉ trích cuộc điều tra của Muller.

Tổng thống Nga Putinhoàn toàn không nhắc đến “bản cáo trạng” mà phía Mỹ công bố về 12 mật vụ thuộc Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) dính líu tới cáo buộc can thiệp bầu cử. “Bản cáo trạng” này xuất hiện chỉ 3 ngày trước khi đối thoại Helsinki diễn ra. Thay vào đó, thông qua hiệp ước hỗ trợ pháp lý Nga-Mỹ (được ký năm 1999), Putin thể hiện sự hợp tác bằng việc sẵn sàng mời các điều tra viên Mỹ tiến hành thẩm vấn các viên chức GRU bị cáo buộc. Đổi lại, Moskva muốn Washington cho phép các điều tra viên Nga thẩm vấn các viên chức tình báo Mỹ bị nghi ngờ có các hoạt động chống lại Nga.Điều này khiến cho Donald Trump phải thốt lên rằng đây là một lời đề nghị “đáng kinh ngạc”, và có lẽ cũng không nằm trong dự kiến của chính ông Trump.

Sự “tung hứng” tưởng như rất ăn khớp giữa Vladimir Putin và Donald Trump trong cuộc họp báo đã khiến mối quan hệ Nga-Mỹ trở nên phức tạp hơn. Và có lẽ lý thuyết về “ngoại giao phong cách Donald Trump” lần này chưa thực sự phát huy tác dụng.

Hỗn loạn

Sau những phát ngôn từ đối thoại Helsinki, làn sóng chỉ trích Donald Trump tại Mỹ lan rộng một cách nhanh chóng, xuất phát từ Đảng Dân chủ, thậm chí lan sang cả nội bộ phe Cộng hòa.

Sự rối loạn trong nội bộ chính giới Mỹ càng “tô đậm” thành công của Nga hậu đối thoại Helsinki. Sau tất cả, người Nga đã đạt được nhiều điều mà họ mong muốn. Đối thoại Helsinki là “dấu chấm hết” cho những nỗ lực từ Washington nhằm cô lập Moskva sau sự kiện sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Nhiều chuyên gia chính trị cho rằng đối thoại Nga-Mỹ lần này giống như một lời khẳng định rằng Moskva đến với đối thoại với tâm thế “bình đẳng” như Washington, không còn bóng dáng của “kẻ bị cô lập”.

Cũng chính từ sự hỗn loạn đó,giới quan sát một lần nữa lại có cơ hội nói về đường lối ngoại giao “bất nhất” của Nhà Trắng dưới thời Donald Trump, trái ngược với một hình ảnh ổn định từ những quyết sách đối ngoại mà Kremlin dưới thời Putin đang có.

Tuy nhiên, về cơ bản Moskva sẽ chẳng hưởng lợi gì nếu mối quan hệ với Washington ngày một xấu đi. Một sự thật khó chấp nhận là dù Kremlin hay Nhà Trắng có xung đột trong bất kỳ tình huống nào, thì Nga vẫn cần “phối hợp” với Mỹ nhằm đạt được những lợi ích nhất định. Moskva có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong bàn cờ chính trị Trung Đông và bản thân Nga có thể sẽ trở thành nhân tố không thể thiếu nhằm giải quyết khủng hoảng Syria. Song, chính Mỹ mới là bên có thể “xác nhận vai trò” của Nga tại mặt trận này. Đồng thời, khi Nga-Mỹ “liên thủ”, một số lượng lớn tiền của sẽ được huy động nhằm phục vụ cho công cuộc tái thiết Syria. Ngoài ra, “bộ đôi cường quốc” này sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát cục diện xung đột giữa Iran và Israel, Saudi Arabia vốn đang leo thang nhanh chóng.

Ngoài ra, về vấn đề Ukraine, Moskva cần Washington trong việc gây thêm áp lực lên Kiev nhằm thực hiện các Hiệp định Minsk. Bên cạnh đó, để có thể tham gia một cách nghiêm túc vào các vấn đề chiến lược toàn cầu, Điện Kremlin vẫn cần đến hỗ trợ từ Nhà Trắng. Đặc biệt trong vấn đề kìm chế các cuộcchạy đua vũ trang bởi đây thời điểm mà Nga chưa thể hồi phục các tiềm lực kinh tế cần thiết.

Theo nhiều chuyên gia, một lý do khác khiến Moskva không thể không “bắt tay” với Washington, đó là bởi Nga muốn dùng sức mạnh Mỹ như một con bài nhằm kìm hãm sự trỗi dậy từ Trung Quốc, một đối trọng mang tính chiến lược lâu dài.

Đối thoại Helsinki là một nước cờ đầy toan tính giữa Nga và Mỹ, song bản thân nó chưa phải một cuộc gặp mang tính lịch sử. Một cuộc đối thoại xen lẫn giữa hợp tác và đối đầu, giữa ổn định và hỗn loạn. Donald Trump trở về Mỹ mang theo một loạt những lời chỉ trích rằng Washington “không đủ mạnh” để khiến Moskva “phải suy nghĩ” về cáo buộc can thiệp bầu cử hồi năm 2016. Tuy nhiên, tái lập và duy trì đối thoại trong quan hệ Nga-Mỹ về một loạt các vấn đề nóng và liên quan trực tiếp đến lợi ích hai cường quốc này có lẽ là “điểm sáng” mà đối thoại Helsinki đạt được. Câu hỏi đặt ra là liệu sau Helsinki, các quan chức Nga-Mỹ có thể tiếp tục duy trì đà đối thoại hay không? Thời gian tới, một số cuộc đối thoại có thể sẽ diễn ra, song quan hệ Nga-Mỹ có lẽ vẫn sẽ chưa thể “phá băng” trong “một sớm một chiều”. Và rất có thểđiều này sẽ chỉ xảy ra tại thời kỳ hậu Putin hoặc Donald Trump.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)