Giải pháp nào chống gian lận thi trung học phổ thông quốc gia?
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 13:39, 20/07/2018
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia
Gian lận trong chấm thi THPT quốc gia 2018 đang gây chấn động dư luận cả nước. Bên cạnh những hành động triển khai để làm rõ và khắc phục hậu quả những sai phạm thì một trong những nội dung ưu tiên là tìm giải pháp tối ưu cho việc chấm thi nhằm tổ chức kỳ thi tốt hơn, đảm bảo tính minh bạch, chính xác của kỳ thi và các bài thi.
Làm phách cho bài thi trắc nghiệm, chấm thi tập trung… là những giải pháp đang được nhiều chuyên gia đưa ra đặt ra để khắc phục tình trạng trên, nhằm tổ chức kỳ thi tốt hơn.
Làm phách cho bài thi trắc nghiệm?
Theo ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những điểm hạn chế của chấm thi trắc nghiệm là bài thi không có phách như với bài thi tự luận.
Với bài thi tự luận, trước khi chấm, bài thi sẽ được rọc phách, nơi ghi các thông tin của thí sinh như họ tên, số báo danh… Vì thế, khi chấm, giám khảo rất khó phát hiện đây là bài của thí sinh nào, trừ khi có đánh dấu đặc biệt, nên giảm được rất lớn những tiêu cực trong khâu này.
Tuy nhiên, bài thi trắc nghiệm không có phách nên rất dễ dàng tìm ra bài của một thí sinh nào đó. Việc chấm thi lại thực hiện trên file text, trên máy tính, nên rất dễ để can thiệp, mà vụ việc ở Hà Giang đã là minh chứng cụ thể tiêu biểu.
“Đây là một lỗ hổng mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi còn công tác. Cái phiếu đó và quy trình chấm hiện nay rất thích hợp cho việc một trường đại học tổ chức thi vì họ không dính đến con cháu nào cả, nếu có cũng hãn hữu xẩy ra. Còn thi tại địa phương thì có thể nói quy trình đó là chưa hoặc không phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò,” ông Ngọc nói.
Cần tổ chức chấm thi theo cụm
Cũng theo ông Ngọc, một giải pháp nữa để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, chống gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là các bài thi cần phải được chấm tập trung theo cụm.
Phân tích cụ thể hơn, ông Ngọc cho rằng khi tổ chức chấm thi tại địa phương có rất nhiều nguy cơ, cơ hội để phát sinh tiêu cực.
“Địa phương họ chịu áp lực rất lớn vì có mối quan hệ riêng tư, bạn bè, họ hàng, cơ quan, cấp trên cấp dưới, nên khả năng phát sinh tiêu cực rất nhiều. Chưa kể, một sơ hở vô cùng quan trọng là cán bộ địa phương rất dễ thực hiện tiêu cực vì độc quyền và toàn quyền, đặc biệt là cán bộ phụ trách trực tiếp. Không thể nói câu sáo rỗng là tìm được cán bộ thì phải tin cán bộ mà tốt nhất là phải tránh, hạn chế tối đa và có cơ chế giám sát chặt chẽ,” ông Ngọc chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng (ngoài cùng, bên trái) kiểm tra công tác thi tại Hà Giang
Với quan điểm đó, ông Ngọc cho rằng sau khi thi xong, bài thi nên được niêm phong ngay và chuyển về chấm thi theo cụm vùng miền, do một trường đại học chủ trì, thì độ tin cậy tăng lên rất nhiều.
“Bộ cũng có thể chấm trực tiếp trên đĩa CD do các địa phương gửi về, nếu có lỗi sẽ thực hiện kiểm dò sau,” ông Ngọc nói
Đây cũng là đề xuất của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Theo ông Tùng, giải pháp tốt nhất là đưa bài thi về do Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm tập trung vì việc chấm trên máy tính sẽ khá nhanh, có thể xử lý được với số lượng lớn.
“Tuy nhiên, việc vận chuyển bài thi tập trung về Bộ trong điều kiện địa hình ở Việt Nam là khá khó. Vì thế, có thể tổ chức thành các cụm theo khu vực để việc chấm thi được khách quan hơn,” ông Tùng đề xuất.
Cần chuẩn về quy trình và nghiệp vụ
Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc chấm thi trắc nghiệm, ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi, cho rằng, để chấm thi minh bạch đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc quy trình và nghiệp vụ.
Đại học Thủy lợi từng là điểm chấm thi trắc nghiệm cho các trường trong giai đoạn Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi tuyển sinh đại học theo hình thức ba chung (từ năm 2002 đến 2014).
Theo ông Thạc, nếu thực hiện đúng quy trình thì mỗi máy chấm, ngoài cán bộ chấm thi đều có phải đại diện của lực lượng công an PA83, đại diện lực lượng thanh tra ngồi bên cạnh giám sát.
Khi bắt đầu chấm, công an sẽ kiểm tra máy tính còn niêm phong không, có gì kết nối với máy tính không, các đầu cắm usb đã được niêm phong chưa, để đảm bảo máy tính đưa vào sử dụng là máy tính sạch, chỉ có phần mềm quét và phầm mềm chấm, không thể có dữ liệu khác.
“Tại Đại học Thủy lợi, tất cả nhất cử nhât động thao tác trên máy chấm thi đều được chiếu trên màn hình lớn, khi anh đang thao tác thì mọi người đều nhìn được anh làm gì,” ông Thạc chia sẻ.
Vì thế, theo ông Trần Khắc Thạc, nếu các cán bộ liên quan thực hiện đúng nghiệp vụ, đúng quy trình, thì việc sai phạm là khó.
“Trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, quy trình chấm thi cũng được Bộ Giá dục và Đào tạo quy định rất nghiêm ngặt, cụ thể, với sự có mặt của nhiều bên, gồm thanh tra cắm chốt của Bộ, công an, hội đồng chấm. Tuy nhiên, tại Hà Giang, chính việc thực hiện không đúng quy trình khi vắng lực lượng thanh tra vẫn tổ chức bóc bài thi và chấm thi, để có tình trạng một người được sử dụng với máy tính, một mình tiếp xúc với dữ liệu, mới dẫn đến tiêu cực, gian lận,” ông Thạc phân tích.
Vì thế, theo vị Phó phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi, việc thực hiện nghiêm quy trình chấm là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn nghiêm túc cho kỳ thi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả các cán bộ tham gia đều phải nắm rõ quy chế, quy trình, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong từng khâu và cả quá trình chấm.
Theo Vietnam+