Quản lý cán bộ đi trong nước, nước ngoài sao cho chặt?

Chính trị - Ngày đăng : 08:30, 21/07/2018

Việc đi nước ngoài quá nhiều lần tại nước ngoài của một số lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương làm dư luận không khỏi nghi ngại.

Cách đây không lâu, một số tờ báo đưa tin, theo kết quả thanh tra thì trong thời gian công tác, cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã từng đi công tác nước ngoài tới hơn 160 ngày/năm, chiếm tới một nửa thời gian làm việc trong năm. Đây quả thực là con số khiến nhiều người không khỏi giật mình, dù việc đi nước ngoài của ông Vũ Huy Hoàng được lý giải là do khách quan, vì yêu cầu công việc của bộ.

Lâu nay, việc đi nước ngoài quá nhiều lần trong năm và công tác dài ngày tại nước ngoài của một số lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương làm dư luận không khỏi nghi ngại. Thực tế, bên cạnh nhiều chuyến đi vì công việc thì cũng không ít đoàn cán bộ đi nước ngoài với mục đích tham quan, du lịch. Đáng nói là, có nơi đi bằng nguồn kinh phí do doanh nghiệp tài trợ, có nơi bố trí đoàn đi quá đông dẫn đến chuyện có công việc ở nhà bị ách tắc, kéo dài vì cán bộ đi nước ngoài.

Để siết chặt quản lý cán bộ đi trong nước và nước ngoài, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành mới đây đã đặt ra nhiều yêu cầu mới. Trong đó quy định rõ không bố trí tất cả cán bộ, nhân viên của một cơ quan, đơn vị đi tham quan du lịch ở trong nước và nước ngoài. Đối với đoàn đi nước ngoài bố trí không quá 10 người/đoàn; đi trong nước không quá 20 người/đoàn. Cán bộ thực hiện đúng quy định đi nước ngoài không quá 2 lần/năm; không đi quá 3 nước trong cùng 1 chuyến công tác và mỗi nước thăm không quá 3 ngày (không tính thời gian đi và về). Trong thời gian địa phương xảy ra thiên tai, dịch bệnh, phức tạp về an ninh trật tự, tình trạng khẩn cấp hoặc do yêu cầu của Đảng và Nhà nước thì những cán bộ chịu trách nhiệm giải quyết những công việc đó không được đi nước ngoài...

Với quy định này, việc đi nước ngoài tới nửa thời gian làm việc trong năm như của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ không có cơ hội xuất hiện ở tỉnh ta. Tình trạng người dân, doanh nghiệp đến liên hệ công việc phải chờ đợi vì người giải quyết thủ tục đang đi vắng ở trong nước hay nước ngoài cũng sẽ được khắc phục. Việc cán bộ né trách nhiệm trong giải quyết công việc khi có tình huống phức tạp bằng cách xin nghỉ phép để đi trong nước hay nước ngoài cũng sẽ được hạn chế.

Tuy nhiên, những quy định trên đều có phần mở ngoặc, là trừ trường hợp A, trường hợp B... Những trường hợp ngoại lệ này đều do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Vấn đề đáng quan tâm là làm sao để không diễn ra tình trạng lách quy định bằng việc đưa lý do đi trong nước, nước ngoài nhiều hơn quy định bằng những trường hợp đặc biệt. Điều đó đòi hỏi sự khách quan, công tâm và sáng suốt, vì lợi ích chung của cấp có thẩm quyền phê duyệt việc tổ chức các đoàn, cử cán bộ đi trong nước, nước ngoài. Cũng cần tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đối với việc thực hiện các quy định về đi trong nước, nước ngoài của cán bộ. Cần đánh giá cụ thể hiệu quả của các chuyến công tác trong nước, nước ngoài đối với cán bộ, tránh tình trạng đi nhiều mà kết quả thu về ít. Cũng cần tránh việc làm xấu hình ảnh của cán bộ, đảng viên vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật và ứng xử chưa văn hóa khi tham quan, du lịch ở nước ngoài.

NGUYÊN ANH