Nga-Mỹ và toan tính của Donald Trump

Thế giới - Ngày đăng : 14:40, 21/07/2018

Một chính sách ngoại giao đối với Nga thận trọng được lên kế hoạch kỹ lưỡng và thực tế sẽ giúp Mỹ đạt được lợi ích chiến lược lâu dài.

Bằng cách xem xét một cách cẩn thận những lợi ích đang xung đột và những lợi ích tương đồng giữa Nga và Mỹ, sử dụng một cách “có nghiên cứu” chiến lược “cây gậy và củ cà-rốt” nhằm tạo dựng sự hợp tác từ Kremlin.

Washington và Moscow đang tồn tại hai vấn đề đan xen, phức tạp. Đó là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016 và chiến lược ngoại giao tổng thể của Nhà Trắng đối với Điện Kremlin. Những gì Donald Trump phát biểu tại Helsinki (Phần Lan) mới đây cũng như trong nội bộ chính giới Mỹ về sự can thiệp bầu cử của Nga và những gì vị tổng thống này đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin dường như đang phá hỏng những thỏa thuận có thể đạt được với Moscow.

Một số nhà quan sát cho rằng rất có thể Nga-Mỹ sẽ lâm vào tình trạng đối đầu “kiểu Chiến tranh lạnh mới” nếu không thể xử lý vấn đề can thiệp bầu cử một cách khéo léo. Washington cần chấp nhận thực tế về khả năng can thiệp bầu cử và tác động của nó, đồng thời chấp nhận sự cần thiết trong việc xây dựng chính sách ngoại giao đặc biệt với Nga về nhiều vấn đề khác.

Câu hỏi khó về toan tính của Donald Trump trong quan hệ Nga-Mỹ. Ảnh: National Interest


Ngay trước khi bản cáo trạng về sự can thiệp của Nga vào bầu cử mà vị công tố viên đặc biệt Robert Mueller đưa ra, Washington thậm chí đã phát hiện ra một nỗ lực từ Nga nhằm tìm cách can thiệp vào hệ thống máy tính nội bộ Mỹ. Do đó, về phía Moscow, đứng trước bản cáo trạng được liệt kê một cách chi tiết và cụ thể, Kremlin cần tự đặt ra câu hỏi rằng có bao nhiêu người Mỹ nắm rõ về các hoạt động tình báo quân sự của Nga.

Trong một diễn biến khác, theo cựu đại sứ Mỹ tại Liên Xô dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, ông Jack Matlock, chính sách ngoại giao mà Nhà Trắng đang áp dụng đối với Kremlin bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề can thiệp bầu cử. Đó chính là sự hỗn loạn và lộn xộn liên quan đến Donald Trump và cuộc bầu cử mà vị đương kim tổng thổng này đang cố “phủ nhận” những đánh giá của giới tình báo về một “chiến dịch can thiệp”.

Theo giới phân tích, dường như Donald Trump đang gắng hết sức nhằm “bóc tách” vấn đề Nga can thiệp bầu cử và tác động của nỗ lực can thiệp đó. Rất khó để có thể đánh giá có hay không một hoạt động can thiệp bầu cử mà không đánh giá đến tác động của nó. Xét cho cùng, nếu có một sự can thiệp như thế chắc chắn sẽ gây ra một tác động cụ thể.

Tuy nhiên, can thiệp là can thiệp, bất kể kết quả dự tính của nó đến đâu. Ngay cả trong trường hợp hành động can thiệp đó gây tác động nhất định, kết quả của bầu cử Mỹ hồi năm 2016 không chỉ bị ảnh hưởng đơn phương từ tác động này.

Theo đánh giá từ giới quan sát, đó là một chuỗi những bất đồng từ nội bộ cử tri Mỹ, từ những sai lầm của bà Hillary Clinton, từ sự ủng hộ từ giới tài phiệt Mỹ và vô số những khía cạnh khác. Dường như các đơn vị tình báo Mỹ đã chưa đánh giá đúng về mức độ từ khía cạnh tài chính, hoặc họ đang cố gắng bỏ qua khía cạnh này.

Vấn đề đầu tiên cần chú ý là chính sách ngoại giao tổng thể của Nhà Trắng đang áp dụng đối với Kremlin. Đây chắc chắn là một “đầu mục” quan trọng nhất trong chiến lược đối ngoại của Mỹ. Có rất nhiều luận điểm được Washington quan tâm trong chính sách này, từ vấn đề Syria, kiểm soát chạy đua vũ trang đến vấn đề Ukraine...

Một chính sách ngoại giao thận trọng được lên kế hoạch kỹ lưỡng và thực tế sẽ giúp Mỹ đạt được những lợi ích lâu dài. Bằng cách xem xét một cách thận trọng những lợi ích đang xung đột và những lợi ích tương đồng Nga-Mỹ, sử dụng một cách “có nghiên cứu” chiến lược “cây gậy và củ cà-rốt” nhằm tạo dựng sự hợp tác từ Kremlin.

Những cuộc đối thoại cấp cao là một phần của chính sách này, nhưng không phải tất cả. Sự kiện Helsinki theo đó cũng chỉ là một mắt xích nhỏ trong toàn bộ “cuộc chơi” Nga-Mỹ. Những “lộn xộn” xảy ra tại Helsinki được thay bằng những tuyên bố về một cuộc đối thoại thượng đỉnh tốt đẹp, xử lý được nhiều vấn đề trong lợi ích chung hai bên.

Tuy nhiên, điểm cần chú ý là cuộc họp kín giữa Donald Trump và Vladimir Putin. Ngoại trừ phiên dịch viên, không còn ai khác. Vì lẽ đó, thật hợp lý khi biến những diễn biến tồi tệ nhất trong đối thoại Trump-Putin thành những điều đẹp đẽ nhất.

Vấn đề thứ hai là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ. Những diễn biến gần đây cho thấy người Mỹ đang chấp nhận một thực tế rằng có một nỗ lực mà Nga tạo ra nhằm can thiệp bầu cử. Và giờ đây, Washington đang cân nhắc nhiều hơn đến phần tiếp theo của vấn đề, đó là tác động của nỗ lực đó đến đâu.

Trong nội bộ chính giới Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận rằng có thể đã “thỏa hiệp cá nhân” và “bị thao túng” từ phía Nga. Có thể Moscow khó “dàn xếp” một kết quả nào tốt hơn cho những gì Donald Trump đã làm tại hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua. Đã có những xung đột và chia rẽ nhất định từ NATO và Mỹ. Một dấu hiệu khác có thể thấy là sự miễn cưỡng thừa nhận nỗ lực can thiệp bầu cử của Nga ngay cả khi một bản cáo trạng chi tiết được đưa ra.

Tại sự kiện Helsinki, cuộc họp báo cuối giờ đã cho cộng đồng quốc tế thấy về hình ảnh của một Donald Trump “bất thường” khi từ chối đặt niềm tin vào giới tình báo Mỹ. Một số ý kiến cho rằng lẽ ra Trump nên bày tỏ sự tin tưởng mãnh liệt hơn vào một thực tế rằng Nga đã can thiệp bầu cử và cần đưa ra lời cảnh báo cho Moscow.

Trong một diễn biến khác gần đây, Donald Trump đã đưa ra lời mời thăm Mỹ đến Vladimir Putin. Chuyến thăm dự kiến sẽ diễn ra vào thời điểm cuối năm nay.

Lời mời được đưa ra trong bối cảnh Donald Trump đang phải hứng chịu “tuần lễ căng thẳng” do hậu quả của đối thoại thượng đỉnh gây tranh cãi Helsinki vừa qua. Đương kim Tổng thống Mỹ đã bị chỉ trích một cách toàn diện từ các thành viên của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Tại Helsinki, Donald Trump dường như đã đứng về phía Điện Kremlin khi đề cập đến những phán đoán của tình báo Mỹ rằng liệu Moscow có đứng sau nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016 hay không. Theo giới quan sát, những nỗ lực của Donald Trump nhằm “chữa cháy” và đảo ngược chiều những phát ngôn tại Helsinki càng khiến tình hình trở nên tồi tệ và phức tạp hơn.

Phớt lờ “sự can gián” từ giới tình báo Mỹ, Donald Trump vẫn đang muốn tận dụng triệt để “củ cà-rốt” bằng việc tiếp tục ca ngợi Tổng thống Nga và nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. Song, điều mà nhiều người đang muốn hiểu rõ, đó là mục đích thực sự mà vị Tổng thống Mỹ đang nhắm đến trong các vấn đề liên quan đến Nga. Trước cuộc họp báo chung tại Helsinki, nội dung cuộc thảo luận kín suốt hai giờ đồng hồ giữa Trump và Putin hiện vẫn là ẩn số. Quan hệ Nga-Mỹ thời gian tới có lẽ không chỉ phụ thuộc vào chính sách đối ngoại chung của Washington, mà phần nhiều phụ thuộc vào điều Donald Trump đang tính toán, ít nhất cho đến khi người đàn ông này còn điều hành Nhà Trắng.

HÀ KIÊN