Một đời đau đáu cùng nghiệp diễn

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 17:01, 21/07/2018

Với những cống hiến hết mình cho sự nghiệp sân khấu, ba Nghệ sĩ Ưu tú của sân khấu tỉnh nhà là Trịnh Thái, Mạnh Thắng và Thúy Mơ đã được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Thắng giành huy chương vàng với vai diễn Khóa Huấn trong vở "Trinh phụ hai chồng" tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016

Con đường đến với nghệ thuật biểu diễn của mỗi người một khác nhưng dường như họ đều có một chữ "duyên" với sân khấu tỉnh Đông. Và trong suốt mấy chục năm qua, họ cống hiến hết mình trong và cả sau ánh đèn sân khấu.

Hết mình trên sàn diễn

Ba Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) của sân khấu tỉnh nhà là Trịnh Thái, Mạnh Thắng và Thúy Mơ, người gắn bó với sàn diễn gần 30 năm, người trên dưới 40 năm, con đường đến với nghệ thuật của mỗi người mỗi khác nhưng tất cả dường như đều có duyên nghiệp vận vào mình. NSƯT Trịnh Thái vốn có năng khiếu ca hát nhưng không định đi theo nghệ thuật. Năm 1971, như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, ông hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong quân ngũ, ông thường tham gia biểu diễn góp vui trong những buổi sinh hoạt tập thể. Đến năm1973, ông được điều sang đoàn văn nghệ chuyên đi biểu diễn động viên tinh thần các chiến sĩ Trường Sơn và con đường gắn bó với nghệ thuật chuyên nghiệp khởi đầu như thế. NSƯT Mạnh Thắng thì mong muốn đi theo nghiệp diễn từ đầu nhưng khi đó, anh thi vào Đoàn kịch Hải Hưng. Sau đó, anh mới phát hiện mình có năng khiếu với chèo hơn nên đã chuyển hướng. NSƯT Thúy Mơ thì được phát hiện, trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương rồi dần nổi lên trở thành gương mặt nữ diễn viên chèo sáng giá.

Con đường đến với sân khấu chuyên nghiệp khác nhau nhưng cả ba NSƯT đều luôn hết mình trên sàn diễn và hành trang nghệ thuật của họ là những vai diễn để đời, được khán giả nhiều thế hệ yêu thích. Trong những năm tháng là diễn viên sân khấu kịch, NSƯT Trịnh Thái tâm huyết nhất với những nhân vật là người chiến sĩ cách mạng. Ông vẫn mang trong mình chất lính Cụ Hồ nên những vai diễn đó thường rất thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Sau này, khi đã làm quản lý tại Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh, thỉnh thoảng ông vẫn đăng ký đóng vai phụ trong các vở kịch cho đỡ nhớ nghề. NSƯT Thúy Mơ thì ghi dấu ấn với khán giả yêu chèo bằng các vai diễn mộc mạc, đậm chất thôn nữ như vai cô Bến trong vở “Ni cô Đàm Vân” hay vai Quốc Hoa, cô Tấm... Dù có năng khiếu bẩm sinh nhưng bà luôn miệt mài luyện tập mỗi khi nhận một vai diễn mới hay diễn lại những vở đã quen thuộc. 

NSƯT Mạnh Thắng có nhiều vai diễn chính diện với diễn biến nội tâm đa dạng và sâu sắc. Để thể hiện những vai diễn này không dễ dàng, nhất là những vai nhân vật lịch sử như vai Mạc Đĩnh Chi trong "Sứ thần Đại Việt”, Tuệ Tĩnh trong vở “Nam dược thần hiệu”, Nguyễn Trãi trong "Côn Sơn hiền sĩ", Huyền Quang trong “Huyền Quang tôn giả”... Anh đã say mê, tâm huyết nghiên cứu về bối cảnh lịch sử, cuộc đời nhân vật qua rất nhiều tài liệu và cả những vai diễn trong các vở khác để hóa thân một cách chân thực và làm nổi bật hình ảnh của nhân vật trên sân khấu.

Cả ba NSƯT đã giành được nhiều huy chương trong các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc, các bằng khen, giấy khen về những đóng góp cho sân khấu tỉnh nhà. Những đóng góp, cống hiến lớn nhất của họ là những vai diễn đầy tâm huyết cho nghệ thuật đã trở thành hình mẫu cho những lớp diễn viên sau này học tập.

Đau đáu với nghề

Là những diễn viên gạo cội, 3 NSƯT còn có nhiều đóng góp cho sân khấu kịch và chèo tỉnh nhà trên nhiều phương diện khác. NSƯT Trịnh Thái hiện là Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Việt Nam tại Hải Dương. Ông luôn đau đáu với việc góp phần nuôi dưỡng, làm lan tỏa ngọn lửa tình yêu sân khấu trong lòng khán giả Hải Dương. Ông đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm cách đổi mới việc tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam như một điểm nhấn đưa các loại hình sân khấu nghệ thuật đến với quần chúng nhân dân. Với sự nỗ lực của ông, năm 2016, Ngày Sân khấu Việt Nam vốn được coi là ngày giỗ tổ nghề sân khấu được tổ chức ở quê hương Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trịnh Thị Lan ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng), năm 2017 tổ chức tại xã Thúc Kháng (Bình Giang) là quê hương nhà viết kịch Lộng Chương và năm nay dự kiến sẽ tổ chức ở quê của NSND Nguyễn Thị Minh Lý. Đó đều là những nghệ sĩ tiêu biểu, nổi tiếng trong giới sân khấu toàn quốc nhưng lại ít được biết đến trên chính quê hương mình. 

Từ khi nghỉ hưu đã gần 10năm nay, NSƯT Thúy Mơ vẫn đi hát, đi diễn và dàn dựng các vở diễn cho Hội Người mù tỉnh, làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàn hát dân ca TP Hải Dương, thành lập Câu lạc bộ Tâm Đức chuyên đi diễn chèo ủng hộ cho các chùa và người nghèo. Bà cũng truyền dạy nghệ thuật hát, biểu diễn chèo cho nhiều lớp diễn viên trẻ của Nhà hát Chèo Hải Dương. 

Hiện vẫn đang công tác tại Nhà hát Chèo Hải Dương, NSƯT Mạnh Thắng giữ cả hai vai trò vừa làm quản lý, vừa là diễn viên chính của đoàn nghệ thuật I. Không chỉ tiếp tục trau dồi nghiệp diễn của mình, anh còn dành thời gian hướng dẫn các diễn viên mới. Những kinh nghiệm mà anh đang nắm giữ là nguồn vốn quý để đào tạo những lớp diễn viên giàu triển vọng, xây dựng những "thế hệ vàng" mới cho chiếng chèo tỉnh Đông.

Cả ba NSƯT Trịnh Thái, Thúy Mơ, Mạnh Thắng đã được Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2018 cấp tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND. Niềm vui ấy tiếp thêm động lực cho họ trên con đường gắn bó với nghệ thuật tuy vất vả nhưng cũng đầy hạnh phúc vì cả cuộc đời họ đã cháy hết mình cho niềm đam mê sân khấu.

LAM ANH