Đồng tiền nhuận bút

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 12:13, 27/07/2018

Từ khi có tiền nhuận bút cho văn chương, báo chí, cũng sinh ra lắm chuyện, vui có, buồn có.

Năm 1974, Ty Giáo dục Hải Hưng mở lớp bồi dưỡng sáng tác văn học cho giáo viên để hưởng ứng cuộc thi viết về "Thầy giáo và nhà trường" do Bộ Giáo dục phát động. Ty mời nhà văn Tô Hoài về nói chuyện. Trong buổi nói chuyện, Tô Hoài có nói đến nhuận bút. Ông kể tác phẩm truyện ngắn đầu tay ông gửi cho báo Tiểu thuyết thứ bảy ở Hà Nội. Tuần sau được đăng ngay, ông phấn khởi vô cùng. Mấy hôm sau lại nhận được giấy mời đến tòa soạn lĩnh tiền nhuận bút. Ông rất ngạc nhiên: Ô, viết văn lại được tiền thì tội gì mà không viết.

Từ khi có tiền nhuận bút cho văn chương, báo chí, cũng sinh ra lắm chuyện, vui có, buồn có. Tại cuộc họp cộng tác viên tiêu biểu của Báo Hải Dương hồi đầu năm nay, tôi ngạc nhiên khi được nhận tiền nhuận bút của hai bài đã đăng cách đây hai năm (tôi từng biết do mấy năm gần đây bưu điện chuyển tài liệu, thư từ... có nhiều bất cập lắm). Hai năm đi qua, bao nhiêu số báo đã được phát hành, bao nhiêu lần phải gửi nhuận bút và báo biếu cho tác giả. Vậy mà mấy bài báo nhỏ của tôi vẫn không bị lãng quên. Phải chăng đó là ý thức làm việc rất có trách nhiệm, là tình cảm của tòa báo với các cộng tác viên, trong đó có tôi.

Sự việc tử tế ấy làm tôi nhớ lại: Ngày 28.4.2002, báo Quân đội nhân dân đăng bài "Gia phong" của tôi ngay trên trang nhất. May sao một người bạn có được tờ báo ấy và tôi xin lại. Ba tháng sau vẫn không có báo biếu. Tôi gọi điện lên tòa soạn xin thì mới có tờ báo ấy gửi về. Tháng sau, tôi lại điện lên hỏi nhuận bút thì mới có nhuận bút. Tôi còn nhiều lần bị mất báo biếu và nhuận bút ở các báo khác. Nói ra chuyện ấy, nhiều bạn bè nói: "Bây giờ nó thế". Có lẽ họ thấy tôi mang địa chỉ làng xã nên cho rằng cái anh nhà quê này, được đăng là sướng rồi, biết gì đến chế độ nhuận bút mà phải gửi. Vả lại trong thực tế giờ còn có kiểu "nhuận bút ngược" nữa. Chả là thế này: Một anh chị nào đó kinh tế khá giả lại muốn có cái danh là "nhà báo" , "nhà thơ" để khoe với thiên hạ. Vậy là họ viết văn, thơ gửi về tòa soạn rồi điện nhờ sửa và đăng hộ. Nhuận bút sau này nếu có thì người sửa cứ hưởng. Tác giả còn hậu tạ thêm.

Trở lại với vấn đề nhuận bút, tôi nghĩ thế này, không biết có đúng không: Nhuận bút đã có quy định của Nhà nước. Việc trả nhuận bút nhiều hay ít là do kinh phí của các báo. Song cách trả có lẽ quan trọng hơn chính là lối ứng xử văn hóa của tòa soạn với người cộng tác, đúng với tục ngữ của dân ta: "Lời chào cao hơn mâm cỗ".

VĂN DUY