Vợ liệt sĩ nhân hậu, đảm đang

Xã hội - Ngày đăng : 16:09, 27/07/2018

Chồng hy sinh chỉ vài tháng sau ngày cưới, bà Phạm Thị Chuyền ở thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) không đi bước nữa mà ở vậy thờ chồng, sống nhân hậu, cống hiến cho địa phương.

  Chị Phạm Thị Thúy Cường chăm sóc cho mẹ nuôi Phạm Thị Chuyền

Giúp người hoạn nạn

Tan ca làm buổi tối, chị Phạm Thị Thúy Cường (42 tuổi) vội vã đội mưa lên Bệnh viện Đa khoa Tứ Kỳ để chăm sóc cho mẹ nuôi của mình là bà Phạm Thị Chuyền. "Mấy hôm nay khớp chân mẹ đau lắm, đi lại vô cùng khó khăn. Vậy mà mẹ chỉ có một mình trên viện... Tôi đi làm mà tâm chẳng yên, lúc nào cũng lo lắng cho mẹ", chị Cường nói.

Chính bà Chuyền đã cưu mang, giải thoát chị Cường ra khỏi những tháng ngày tăm tối. Chị cho biết mẹ đẻ của chị cũng là vợ liệt sĩ ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ). Khi chồng mẹ hy sinh, 2 người vẫn chưa có con với nhau. Sau này, mẹ chị chuyển về ở nhà ông ngoại và phát sinh tình cảm với một người đàn ông đã có vợ trong xã. Kết quả là 1 bé gái ra đời. Bé gái ấy chính là chị Cường.

Chị Cường lên 8 tuổi thì mẹ chị đột ngột qua đời. Ông ngoại tuổi cao, sức yếu, không còn khả năng lao động nên gửi chị tới nhà người đàn ông được xác định là bố đẻ của chị. Những tưởng chị sẽ được sống trong tình thương yêu nhưng ngờ đâu đó lại là chuỗi ngày vất vả, khổ sở của chị. Chị làm việc chăm chỉ nhưng vẫn thường xuyên bị chửi mắng, đòn roi, nhiều bữa không được ăn cơm, có lần bị phạt ngủ ngoài vườn. Đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, được hơn 1 năm, chị Cường quay về sống với ông ngoại. Ông ngoại qua đời, chị Cường khi đó mới lên 10 tuổi, không biết đi đâu, về đâu...

Đúng lúc chị rơi vào tuyệt vọng thì bà Chuyền xuất hiện. Qua một người bạn thân, bà Chuyền đăng ký với chính quyền địa phương xin nhận chị làm con nuôi và đưa về nhà mình ở xã An Thanh chăm sóc, dạy dỗ. Chị được mẹ nuôi cho đi học, sau xin cho làm nhân viên thư báo của xã. Do thu nhập từ nghề này thấp nên mấy năm nay chị xin đi làm trong doanh nghiệp. Chị Cường hiện tại đã lấy chồng, có 2 con. Vợ chồng chị được mẹ nuôi cho miếng đất bên cạnh rồi xây một căn nhà. "Mẹ đã nuôi nấng, dạy dỗ, chăm chút cho tôi như thể con mẹ dứt ruột đẻ ra. Cuộc đời tôi quá may mắn khi có mẹ", chị Cường trải lòng.

Nói về chị Cường, bà Chuyền bảo đó là "món quà cuộc sống". Thời điểm nhận chị Cường làm con nuôi bà Chuyền đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã An Thanh. Cũng có nhiều người lời qua tiếng lại, nói đó là quyết định sai lầm. Nhưng bà để tất cả ngoài tai, đưa chị về nuôi nấng, dạy dỗ nên người. Bà Chuyền bộc bạch: "Nghe người bạn dưới xã Tiên Động kể về hoàn cảnh của nó mà tôi thương quá, không nỡ bỏ rơi. Tôi vui vì có thể giúp con có một cuộc sống tốt hơn. Giờ về già, thấy con có gia đình, lại sinh cho tôi được hai cháu, các cháu đều rất quý bà...".

Hết lòng với công việc

Bà Chuyền năm nay 72 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng. Thời gian gần đây, sức khỏe bà yếu đi nhiều vì bệnh khớp. Bà bảo nếu không vì bệnh tật, chắc chắn bà vẫn tham gia công tác ở Hội Người cao tuổi địa phương.

Bà Chuyền là một phụ nữ đảm đang, từng tham gia nhiều vị trí công tác tại xã An Thanh. Ngày còn rất trẻ, bà đã được bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn An Định và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã. Năm 17 tuổi, bà được tín nhiệm giao làm xã đội phó, trực tiếp tham gia nhiệm vụ trực chiến, canh gác bảo vệ kho thóc ở Quý Cao. Năm 1966, bà Chuyền vinh dự được kết nạp Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. Cùng năm, bà nên duyên vợ chồng với ông Nguyễn Tiến Nhác ở thôn Hòa Nhuệ (xã Tiên Động). Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi chồng bà đã hy sinh chỉ sau một thời gian ngắn đi B, còn đứa con của 2 người vì sinh non nên cũng không sống được.

Bà Chuyền bảo đó là những mất mát lớn nhất của cuộc đời mình. Song, tâm trí mách bảo bà không được đầu hàng mà phải tiếp tục sống, cống hiến, làm những điều có ích. Sau một thời gian tham gia dân quân du kích xã Tiên Động, bà Chuyền chuyển về quê mẹ ở xã An Thanh làm Đội trưởng Đội sản xuất thôn An Định, rồi giữ chức Phó Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi xã An Thanh. Là người hoạt bát, thông minh nên được mấy tháng, bà Chuyền tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã và giữ chức vụ này 2 khóa liên tục. Bà Chuyền trải qua một vài vị trí công tác khác ở địa phương trước khi được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tứ Lộc, Bí thư Đảng ủy xã An Thanh vào năm 1986. Với vai trò là người đứng đầu cấp ủy cơ sở, bà cùng với lãnh đạo xã tích cực tìm nguồn lực để cải tạo, xây dựng một số công trình hạ tầng như trụ sở làm việc Đảng ủy, UBND, trạm y tế xã, vận động nhân dân hăng hái sản xuất, phát triển làng nghề chiếu cói Thanh Kỳ... Bộ mặt quê hương và đời sống nhân dân An Thanh từng bước đổi thay.

Năm 1991, bà Chuyền về nghỉ hưu theo chế độ nhưng vẫn được đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn An Định 2 khóa liên tục. Trước khi bị bệnh khớp làm suy giảm sức khỏe, bà còn là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi năng động, nhiệt tình của thôn.

Dành cả cuộc đời tận tâm với quê hương, lại có tấm lòng nhân hậu nên bà Chuyền luôn được cán bộ và nhân dân tin yêu, quý mến. Ông Đặng Văn Bích, Bí thư Đảng ủy xã An Thanh nhận xét: "Bà Chuyền là đảng viên gương mẫu, một nữ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, luôn năng nổ, nhiệt tình, sống hết mình với phong trào địa phương".

TIẾN MẠNH