Không để bất kỳ ai làm mờ những “thanh bảo kiếm” của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 17:25, 28/07/2018

Lực lượng quân đội, công an được xem là những "thanh bảo kiếm" bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc. Không thể vì cá nhân nào mà làm mờ "bảo kiếm".

Hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra Trung ương trong việc kiểm tra kịp thời và có hình thức kỷ luật thích đáng về các trường hợp kỷ luật Đảng nói chung, trong đó có Trung tướng Bùi Văn Thành, Thượng tướng Trần Việt Tân vì vi phạm bảo vệ bí mật nhà nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng: Phải siết chặt kỷ luật Đảng, pháp Luật của nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12, không có vùng cấm và không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Tôi cảm thấy rất chua xót bởi đó là lực lượng giữ vai trò là "thanh bảo kiếm" của Đảng


Lực lượng vũ trang được xem là "thanh bảo kiếm"  bảo vệ Đảng và chế độ

Nhiều ý kiến cũng nhận định, việc chống tham nhũng, xử lý cán bộ trong ngành công an, quân đội không làm mất uy tín của ngành mà còn đem lại niềm tin trong nhân dân về cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Cựu chiến binh Phan Văn Độ, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: Bất cứ người nào ở cương vị nào mà vi phạm pháp luật đều phải xử lý nghiêm minh.

“Ngành công an bảo vệ công lý, bảo vệ đảng, bảo vệ chính quyền, vậy mà có những người không giữ được phẩm chất, không kiềm chế được lòng tham dẫn đến sai phạm. Muốn lấy được lòng tin của nhân dân thì phải xử lý nghiêm minh”-ông Phan Văn Độ nói.

Tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Mạnh Thưởng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho rằng, càng những cán bộ hiểu biết về pháp luật, thực thi pháp luật mà vi phạm thì càng phải xử lý nghiêm.

"Tôi là một cán bộ trong quân đội cảm thấy rất chua xót, bởi vì đó là lực lượng giữ vai trò là "thanh bảo kiếm" của Đảng. Đối với công an, phải giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đối với lực lượng quân đội có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc xã hội chủ nghĩa. Hai lực lượng này mà vẫn còn vi phạm tham nhũng, rất đáng tiếc. Chính vì điều này, công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải đổi mới, sao cho như đồng chí Tổng Bí thư nói là muốn tham nhũng không dám tham nhũng"-ông Thưởng nói.  


Trung tướng Bùi Văn Thành - một trong 2 Tướng công an bị Ủy ban kiểm tra TW đề nghị Bộ Chính trị xử lý kỷ luật

Từ Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng ủng hộ Kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về kỷ luật một số cán bộ chủ chốt ngành công an, quân đội. Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, người dân xã Hòa Long, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, sai phạm của những người đứng đầu ngành công an, quân đội là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng uy tín của Đảng và uy tín của ngành. Nếu không xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân.

"Tôi thấy Đảng ta lần này rất quyết liệt trong xử lý cán bộ sai phạm. Tôi hy vọng, sẽ có những vụ tiêu cực tiếp tục được xử lý như thế thì lòng tin trong nhân dân sẽ nâng lên”-bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt nói.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố khẳng định thêm về quyết tâm xử lý cán bộ sai phạm, người dân càng được củng cố lòng tin, cán bộ, đảng viên đương chức thấy rõ nếu có “nhúng chàm” thì khó có cửa thoát, cho dù ở "chiếc ghế" nào trong hệ thống quyền lực. 

Đổi mới toàn bộ việc sử dụng và quản lý cán bộ

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Phải chăng công tác kiểm tra giám sát cán bộ, đảng viên, công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta còn có kẽ hở nên mới để xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ cao cấp đến mức phải xử lý kỷ luật như thế. 

"Tại sao những vị trí cao cấp như vậy mà chúng ta vẫn để lọt tội phạm, để lọt những người mà đã ăn lương của dân nhưng mà lại không đặt lợi ích của nhân dân lên trên? Họ chạy chọt làm lũng đoạn việc lãnh đạo quản lý đất nước của chúng ta. Tôi cho rằng, việc chống tham nhũng là một nỗ lực rất lớn và cũng rất là khó khăn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn một nỗ lực khác còn quan trọng hơn nữa, có tính chất lâu dài hơn nữa, đó là phải làm sao đổi mới toàn bộ việc sử dụng cán bộ, tổ chức quản lý cán bộ, cũng như lựa chọn, đề bạt bổ nhiệm cán bộ cho đúng đắn. Chúng ta làm sao kiểm soát được quyền lực, để thực hiện được lời dạy của Bác là vì nhân dân, là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân", TS Nguyễn Thị Hồng Minh nêu quan điểm.

Kiện toàn hệ thống kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cơ sở

Ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, nguyên đại biểu Quốc hội Khoá 9, mong muốn công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước tiếp tục quyết tâm hơn, quyết liệt hơn, đều khắp hơn từ tất cả các ngành và từ trên xuống dưới:

"Chúng ta làm tốt thì tốt, lớn thì lớn nhưng chưa đầy đủ. Cho nên tôi hy vọng và tin tưởng chúng ta phải làm triệt để, làm rộng khắp, làm tất cả vì nước giàu, dân mạnh", ông Nguyễn Minh Thành nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thẳng thắn nêu một thực tế diễn ra khá phổ biến hiện nay là ở tổ chức đảng cấp cơ sở, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho khuyết điểm của nhau. Do đó dẫn đến hiệu quả của công tác kiểm tra, thi hành kỉ luật Đảng chưa cao. Nhiều vụ việc ở cấp cơ sở phải cần đến sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo ông Nguyễn Túc, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của Đảng cần thiết phải kiện toàn hệ thống kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ tại cấp ủy cơ sở Đảng.

Theo ông Túc, nhiều cấp ủy làm chưa tốt tập trung dân chủ, người đứng đầu không công tâm sẽ ảnh hưởng đến cấp ủy ở đó. Vì thế đòi hỏi phải sáng, công tâm, để cho mọi đảng viên thể hiện rõ phẩm chất chính trị của mình

Theo VOV.vn