Hạnh phúc muộn màng

Xã hội - Ngày đăng : 10:45, 29/07/2018

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân với tấm bằng loại khá, Hoài Thương xin vào làm việc tại một công ty khai thác khoáng sản thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Chiều nay, sau giờ làm việc, nhìn các đồng nghiệp cùng  phòng ríu rít đi siêu thị mua đồ, Hoài Thương thấy lòng mình trống trải, cô lững thững đi dạo trên bãi biển. Tiếng cười, tiếng nói của biết bao người đang vỡ òa vào sóng biển. Bất giác Hoài Thương thấy mắt cay cay như muốn khóc. Cô vội ngồi xuống chiếc ghế đá khuất sau cây dừa nước, mắt nhìn xa xăm như vô định vào không gian bao la của biển cả, lòng cô đang trôi nổi những suy nghĩ miên man.

Hồi còn nhỏ, mẹ làm công nhân phải đi ca kíp bận rộn lắm nên Hoài Thương phải đến trường một mình. Có hôm mưa dầm, giá rét, trên đường tới lớp Hoài Thương bị ngã mặt mũi lấm lem, bọn bạn trông thấy thi nhau trêu chọc, còn cô thì tủi thân khóc tấm tức. Tối hôm đó, lúc đi ngủ Hoài Thương hỏi mẹ:

- Mẹ ơi... Bố con đi đâu mà mãi chưa về? Lũ bạn ở lớp trêu con là đứa con hoang mẹ ạ!

- Thế con của mẹ nói sao?

- Dạ... Con nói... Bố tớ đi công tác xa chưa về. Nhưng chúng nó không tin lại còn không chơi với con nữa... Con ức lắm mẹ ạ!

Mẹ lặng người hồi lâu rồi ôm chặt Hoài Thương vào lòng dỗ dành:

- Con của mẹ ngoan lắm! Các bạn nói bậy đấy... Con hãy cố gắng học giỏi, sẽ có ngày bố trở về!

Nghe mẹ nói vậy nhưng Hoài Thương cứ thắc mắc trong lòng mình. Hoài Thương không dám hỏi nữa vì sợ mẹ buồn, cô úp mặt vào ngực mẹ và thiếp đi.

Nỗi khát khao chờ đợi được gặp bố của Hoài Thương cứ lặng lẽ trôi đi theo tuổi thơ.

Một chiều hè, mặt trời đã khuất mà chưa thấy mẹ về, Hoài Thương vội vã đi tìm mẹ. Cô sững sờ khi thấy mẹ ngồi một mình trên đồi thông ngóng ra phía biển. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm của mẹ, cô lo lắng hỏi:

- Mẹ ơi!... Sao mẹ lại khóc?

Hôm đó, mẹ nghẹn ngào kể cho Hoài Thương nghe những năm tháng chìm nổi và mối tình cháy bỏng, nghiệt ngã của mẹ.

"Ở tuổi 22 với tình yêu mộc mạc, đằm thắm của người con gái thôn quê, mẹ đã trao cuộc đời của mình cho anh lính đặc công hơn mẹ 3 tuổi tên là Tuấn đóng quân ở gần nhà. Mẹ vừa mang thai con thì đơn vị của bố con đã đột ngột chuyển đi. Mẹ đã phải chịu đựng bao điều miệt thị của xóm làng. Thương mẹ quá nên ông bà đã đưa gia đình đến tận nơi này sinh sống. Kể từ đó mẹ không nhận được tin tức gì của bố con nữa... Nay con đã khôn lớn, mẹ muốn con biết sự thật để một ngày nào đó con đi tìm bố... Mẹ còn nhớ có lần bố kể "quê anh ở gần cồn Vĩnh Trụ, cạnh sông Kinh Thầy thuộc tỉnh Hải Hưng...".

- Sao mẹ không đi tìm bố con?

- Sau khi ông bà mất, mẹ đã một lần đi tìm bố con. Đến vùng đất ấy, nhiều người nghe mẹ nói tên tuổi và tả hình dáng của bố con họ đều lắc đầu nói: "Vùng này không có ai như vậy, chỉ có một người là thương binh cùng tên như thế nhưng đầu hói, cụt một chân, tai nghễnh ngãng, sống với mẹ già ở cuối làng... Mẹ thất vọng vô cùng đành trở về, chỉ còn biết chờ đợi và hy vọng...".

- Chị ơi, muộn rồi, chị ở đâu em đưa về?

Người lái xe ôm đã cắt ngang luồng suy nghĩ của Hoài Thương. Cô đứng dậy mỉm cười, cảm ơn người thanh niên ấy rồi rảo bước. Những suy tư về người bố cứ xáo trộn trong đầu Hoài Thương. Cô chợt nghĩ "biết đâu người đàn ông đầu hói, cụt một chân, tai nghễnh ngãng... mà bà con nói với mẹ năm xưa lại chính là bố"... Hoài Thương thấy lòng xốn xang, háo hức. Cô đi một mạch về ngôi nhà nhỏ nằm tựa mình bên đồi thông. Mẹ đang ngồi ngoài hiên. Hoài Thương vừa chào mẹ, vừa lặng lẽ ngồi xuống ngập ngừng:

- Mẹ ơi!... Ngày mai... con sẽ xin phép cơ quan...!

Mẹ vừa ôm Hoài Thương vào lòng vừa chậm rãi:

- Có việc gì quan trọng thế con?

- Dạ... Con đi... tìm bố!

Hoài Thương để mặc những giọt nước mắt của mẹ tràn sang má mình. Cô thấy lòng thanh thản nhẹ nhõm. Đêm đó, mẹ lặng lẽ sắp tư trang cho Hoài Thương và chỉ cho cô cặn kẽ đường về vùng quê có cồn Vĩnh Trụ ở cạnh sông Kinh Thầy, nơi mà cách đây hơn hai mươi năm bà đã lặn lội tìm về.

Sáng hôm sau, Hoài Thương đi chuyến xe khách Bãi Cháy - Hải Dương sớm nhất. Cô đến thẳng trụ sở UBND xã. Một cán bộ xã vui vẻ dẫn cô tới gặp ông Tuấn thương binh. Ông Tuấn sống một mình trong căn nhà mái ngói đơn sơ nhưng mọi thứ đều gọn gàng. Ông chăm chú nhìn Hoài Thương. Cô vừa nhắc đến tên mẹ và ông bà đã thấy đôi má nhăn nheo của ông Tuấn ướt đẫm. Ông ôm chặt lấy Hoài Thương, run rẩy:

- Con!... Đúng là con tôi rồi!... Hơn hai mươi năm qua bố đã mất bao công sức để tìm hai mẹ con mà không được... Bố đã để hai mẹ con phải khổ... Bố có lỗi!

- Bố!

Tiếng gọi bố đầu tiên được Hoài Thương cất lên từ đôi môi run rẩy, nhệu nhạo. Cô muốn hét lên thật to: Mẹ ơi... Con đã tìm thấy bố! Cô thấy niềm vui, hạnh phúc, cả nỗi đau thương đang xô đến và ngập tràn trong cô như sóng biển.

NGUYỄN DANH THANH