Tăng lương tối thiểu vùng: Người lao động và doanh nghiệp cùng kêu khó
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 14:01, 04/08/2018
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Việc đánh giá những tác động của tăng lương được xem là một trong những cơ sở để xác định mức tăng hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp.
Tiền lương là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Phần lớn các cuộc nghỉ việc tập thể, tranh chấp lao động đều liên quan tới yếu tố tiền lương, bảo hiểm… Trong khi người lao động phải tằn tiện với mức lương hiện tại, cũng không ít doanh nghiệp phải "vật lộn" với chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Công nhân sống tằn tiện
Kết quả khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, tiền lương tiếp tục là vấn đề gây bức xúc đối với người lao động. Có tới 25,7% người lao động cho rằng, mức lương hiện nay còn thấp và không có thêm các khoản phụ cấp.
Theo khảo sát của Công đoàn các khu công nghiệp và khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018, mức lương cơ bản của công nhân các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Khu Công nghiệp Linh Trung I trung bình là 4,78 triệu đồng; thu nhập trung bình 6,2 triệu đồng.
Khi so sánh thu nhập và chi tiêu, một công nhân độc thân có tiết kiệm trung bình 1,2 triệu đồng/tháng. Phần lớn các hộ gia đình công nhân có một con, thu nhập của hai vợ chồng tạm đủ trang trải cuộc sống, số tiền dành dụm được ít, ở mức 300.000 đồng/tháng.
Vì vậy hơn 12% hộ gia đình một con không có tích lũy hoặc gặp khó khăn, thiếu thốn. Các hộ gia đình công nhân hai con, thu nhập không đủ chi phí cho cuộc sống hàng ngày.
Chị Huỳnh Thị Mộng Điệp, công nhân phân xưởng sợi, Công ty Cổ phần May Việt Thắng, cho biết mức lương cơ bản hiện tại của hai vợ chồng không đủ để trang trải chi phí cho sinh hoạt gia đình khi hai con nhỏ còn trong tuổi ăn học. Tiền lương cơ bản chỉ giải quyết được chi phí điện, nước, thuê nhà trọ, ăn uống sinh hoạt hằng ngày... Các khoản phí khác như học hành, sách vở, quần áo của các con phải tiêu vào khoản thu nhập từ làm thêm mới đủ.
Tương tự, chị Nguyễn Bích Vân, công nhân Công ty Dệt Việt Thắng vẫn phải xoay quanh việc thu vén chi phí gia đình theo phương châm “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.” Sau 25 năm làm công nhân, lương cơ bản của chị Vân hiện được 4,6 triệu đồng/tháng. Nếu làm tăng ca, làm đêm, tổng thu nhập của chị cũng chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, theo chị Vân, mỗi tháng gia đình chị gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ chi tiêu hết khoảng 15 triệu đồng cho tất cả các chi phí sinh hoạt và học tập của con.
Nói về cuộc sống của mình, chị Trương Thị Phượng, công nhân Khu Chế xuất Linh Trung I chia sẻ, vì đồng lương eo hẹp, chị không dám nghĩ đến nhu cầu vui chơi giải trí, kể cả những ngày lễ. Thu nhập hiện tại của chị Phượng một tháng dao động trong khoảng 6 triệu đồng. Do vậy, ngoài giờ làm, chị chỉ quanh quẩn trong khu nhà trọ, xem truyền hình hoặc đi dạo loanh quanh mà không dám chi tiêu, mua sắm gì nhiều.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Chí Minh cho biết, trong cơ cấu thu nhập của công nhân, tiền lương cơ bản (làm đủ giờ công, ngày công) chiếm khoảng 85%, tương ứng khoảng 4,8 triệu đồng, cộng thêm các khoản thu nhập như làm thêm giờ, phụ cấp gần 1 triệu đồng. Như vậy, tổng thu nhập sau khi tăng ca được hơn 6 triệu đồng/người.
Với số tiền đó, họ rất khó có thể trang trải các chi phí sinh hoạt với mức giá ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là với những người công nhân ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ.
Doanh nghiệp lo áp lực chi phí
Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong khi công nhân sống tằn tiện với mức lương hiện tại, các doanh nghiệp cũng phải “đau đầu” để cân đối các khoản chi phí. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng về mức độ phát triển.
Một số doanh nghiệp đã phát triển ở trình độ rất cao, nhưng đa số doanh nghiệp mới hình thành ở cấp độ thấp; có các doanh nghiệp FDI lớn nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Vì vậy, việc đề xuất đưa ra chuẩn mức lương tối thiểu như nhau cho tất cả doanh nghiệp sẽ gây áp lực khá lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và những doanh nghiệp mới thành lập.
Theo ông Chu Tiến Dũng, bên cạnh việc chú trọng nâng cao thu nhập cho người lao động, việc đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động cũng quan trọng không kém. Trong bối cảnh rất nhiều quốc gia bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa sản xuất để cắt giảm nhân công, tiết kiệm chi phí, việc vừa phải tăng thu nhập, vừa tạo việc làm mới cho người lao động trở thành “bài toán quá khó” cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Nêu dẫn chứng trong ngành Dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, chi phí sản xuất tăng cao đang là thách thức lớn nhất của ngành Dệt may Việt Nam mà nguyên nhân xuất phát từ chính sách tăng lương tối thiểu, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội…
Theo ông Giang, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, chi phí tiền lương của các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam đã tăng thêm từ 28-30%; thêm vào đó giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí sản xuất một số sản phẩm tăng thêm tới 46%.
Trong khi đó, giá bán không được phép tăng vì phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác, thậm chí có khách hàng còn yêu cầu phải giảm giá thành mới tiếp tục thu mua.
Để duy trì khả năng cạnh tranh của ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các doanh nghiệp ngành dệt may cho rằng, chưa nên điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019, hoặc nếu tăng sẽ chỉ ở mức 1-2%.
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn cho rằng, quy định tăng lương tối thiểu nghĩa là doanh nghiệp đương nhiên phải trả thêm chi phí cho mức năng suất, sản lượng như cũ, làm tăng giá thành sản phẩm đồng nghĩa với giảm khả năng cạnh tranh.
Việc tăng lương mà không có giải pháp tăng năng suất, tăng lương nhưng không tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng trưởng, sự tăng lương đấy sẽ khiến “doanh nghiệp ăn vào chính thịt của mình.” Hệ quả lâu dài là doanh nghiệp không tồn tại được, người lao động mất việc làm sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác.
Không chỉ có các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng lo lắng với tốc độ tăng lương hiện nay.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), chi phí nhân công ở Việt Nam đang chiếm gần 20% tổng chi phí sản xuất ra một sản phẩm. Tỷ lệ này hiện nay vẫn ở mức trung bình của các nước trong khu vực nhưng đã giảm sức cạnh tranh với một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ có chi phí nhân công chiếm 15-18% tổng chi phí. Đặc biệt Pakistan hiện có mức chi phí nhân công rất thấp chỉ chiếm 7,4% tổng chi phí làm ra sản phẩm.
Khảo sát của JICA cũng cho thấy, có tới 75,2 % doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam cho rằng, áp lực tăng lương cơ bản tại Việt Nam là vấn đề lớn của các doanh nghiệp. Ông Tsuyoshi SHIMIZU, chuyên gia của JICA, cố vấn Tập đoàn Panasonic Excel International cho rằng, Việt Nam đang cần thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên vật liệu, do đó cần cân nhắc những tác động của việc tăng lương tới năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.