Thanh Hà: Nhiều diện tích lúa mất trắng do ngập úng

Kinh tế - Ngày đăng : 20:09, 05/08/2018

Do bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3 hồi giữa tháng 7 và mưa kéo dài nên hơn 100 ha lúa mùa ở huyện Thanh Hà bị thiệt hại, nhiều diện tích mất trắng.

Gia đình ông Nguyễn Danh Sang chưa thể cấy lại do ruộng vẫn còn ngập sâu

Ngập sâu

Xã Vĩnh Lập có 86,8 ha lúa mùa, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên hơn 90% diện tích bị ngập úng, trong đó có 33,8 ha lúa mất trắng làm cho nông dân trong xã đứng ngồi không yên. Bà Phạm Thị Vạc ở thôn Tú Y cho biết: “Gia đình tôi có 6 sào lúa cấy từ cuối tháng 6, bị ngập úng nên chết gần hết. Tôi đang đi xin mạ và gieo mạ trên sân để cấy lại khoảng 4 sào”. Theo nhiều người dân ở xã Vĩnh Lập, chưa năm nào lúa lại bị nước ngập lâu và chết nhiều như năm nay. Nhiều hộ mất trắng, phải cấy lại 2-3 lần do cứ cấy xong thì mưa, nước không thoát kịp nên lúa lại chết. Thiệt hại chồng chất khiến nông dân không thiết tha với cây lúa. Ông Đào Hồng Thành cũng ở thôn Tú Y cho biết: “Gia đình tôi có 7 sào thì mất trắng 6 sào. Lúc đầu tôi phải thuê người cấy mất hàng triệu đồng tiền công, nhưng giờ cấy lại lúa cũng kém nên có mạ cấy vào cho xanh đồng là tốt rồi, không kén chọn giống nào”.

Ở xã Thanh Hải có hơn 40 ha lúa bị ngập, trong đó hơn 20 ha mất trắng. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng trũng, ông Hoàng Minh Đối, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: “Những ruộng nước trắng xóa kia là lúa cấy rồi bị ngập chết hết. Nông dân đang chờ nước cạn mới cấy lại được”.

Lúa chết làm cho giá mạ cũng bị đẩy lên cao và khan hiếm. Nhiều hộ ở xã Thanh Hải phải mua từ 10.000-15.000 đồng/cái mạ, trong khi vào mùa vụ mạ chỉ 1.000-2.000 đồng/cái. Ai đi chợ sớm thì may ra mới mua được mạ về cấy. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, các xã Vĩnh Lập, Thanh Hải, Quyết Thắng, Tân Việt, Hồng Lạc có nhiều diện tích lúa bị mất trắng. Phòng đã thống kê diện tích thiệt hại để đề nghị tỉnh hỗ trợ cho nông dân.

Gia đình bà Phạm Thị Vạc ở thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập phải cấy lại do lúa bị chết doảnh hưởng của cơn bão số 3

Hệ thống tiêu thoát nước kém

Hệ thống tiêu thoát nước kém, các trạm bơm hoạt động chưa hết công suất sau bão là những nguyên nhân gây ngập sâu và lúa chết. Xã Vĩnh Lập không có máy bơm để tiêu thoát nước, chỉ có 5 cống qua đê nhưng khi nước sông lên cao ở mức báo động II thì không thể mở cống khiến xã giống như một ao tù đọng nước. Toàn bộ nước mưa ở xã Vĩnh Lập chỉ có thể chảy từ từ theo kênh T9-2 để tiêu thoát qua trạm bơm tại xã Thanh Cường. Trạm bơm này lại ở quá xa với vùng bị ngập úng nên tiêu thoát chậm. Ông Nguyễn Văn Tranh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập cho biết: “Xã thường bị ngập úng cục bộ mỗi khi mưa kéo dài. Đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư một trạm bơm cho xã để kịp thời tiêu úng”.


Tại xã Thanh Hải, nhiều người dân cho rằng việc tiêu thoát nước ở đây chưa kịp thời. Đến ngày 5.8, nhiều ruộng vẫn còn trắng nước, nông dân không thể cấy lại hoặc dặm lại lúa. Ông Nguyễn Danh Sang ở thôn Thừa Liệt cho biết: “Trận mưa từ ngày 18-19.7 thì các máy bơm hết công suất, bơm kịp thời, nhưng trận mưa sau thì hôm bơm hôm không nên nước chưa rút”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, đến ngày 5.8, các nơi phải hoàn thành gieo cấy nhưng do mưa liên tục nên nhiều nơi chưa cấy được, đặc biệt xã Thanh Hải có nhiều diện tích vẫn ngập trắng. Đề nghị Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện khẩn trương bơm gạn nước ở các khu vực đồng trũng, những nơi còn nhiều nước để nông dân cấy lại. Về lâu dài, huyện cần quan tâm đầu tư trạm bơm cho những nơi thiếu, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

MINH NGUYÊN