11 sai lầm về tiền bạc đến chuyên gia tài chính cũng mắc

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:46, 07/08/2018

Tiêu hoang số tiền may mắn, chi quá đà cho kỳ nghỉ hay cố mua đồ đắt dùng ít... sẽ khiến bạn mắc kẹt về tài chính.


Sử dụng tiền chưa hiệu quả là điều khó tránh, kể cả những người khôn ngoan về lĩnh vực này. Bạn có thể tham khảo những lỗi dưới đây để đúc kết kinh nghiệm cho mình: 

"Vung tay quá trán"

Jean Chatzky, biên tập tài chính tờ NBC’s Today chia sẻ, sau khi tốt nghiệp, bà làm cho một tạp chí ở New York với lương 11.500 USD mỗi năm. Mỗi tháng, bà tốn 400 USD thuê nhà, vài USD vé tàu điện nhưng có thêm gần nghìn USD do được cha mẹ cho và đi dạy thêm. "Nhẽ ra tôi có thể tiết kiệm khá nhưng lại đổ hết tiền mua quần áo, đi ăn tiệm, đến các phòng tập... Giờ đây, dù lương cao hơn, tôi thường mua đồ sale, tự nấu ăn ở nhà và chạy bộ", bà kể. 

Chi tiêu quá đà cho các kỳ nghỉ  

Bobbi Rebell, phóng viên mảng tài chính kể: "Sau khi mua căn nhà đầu tiên, tôi quyết định đi du lịch với bạn bè. Mỗi người phải đóng 3.000 USD nhưng tôi không có tiền mặt nên đã đem cầm cố căn nhà để vay tiền. Sau này, dù trả nợ xong (với lãi suất 8%), tôi quyết tiết kiệm bằng việc đi nghỉ các chuyến ngắn và phù hợp túi tiền".

Khăng khăng quan điểm "đắt tiền mới tốt"

Brett Graff, biên tập viên của TheHomeEconomist.com chia sẻ, khi con gái vừa chào đời, anh mạnh tay chi cho các thứ đắt, ví dụ chiếc nôi có độ bền cao... Tuy nhiên, sau đó anh nhận ra mọi sản phẩm cho trẻ đều được kiểm định an toàn và thời gian con dùng nôi rất ngắn nên sẽ tốt hơn nếu mua một món đồ rẻ hơn và dùng tiền dư vào việc tiết kiệm, đầu tư. 

Nợ thẻ tín dụng 

Erica J. Sandberg, một chuyên gia tài chính nói rằng khi có chiếc thẻ tín dụng đầu tiên, cô đã sử dụng "tới bến". Sau một vài lần không kịp thanh toán thẻ, cô bị phạt trả muộn, khiến giá trị thực của các sản phẩm mua bằng thẻ tăng lên nhiều lần. Cô nói: "Đó thực sự là một bài học đắt giá. Kinh nghiệm này dạy tôi cần phải thanh toán thẻ đúng hạn, dù bất cứ lý do gì". 

Không chịu chi tiền để kiếm tiền 

"Khi mới thành lập công ty, tôi làm việc tới 80 tiếng mỗi tuần, và tự làm mọi thứ" - David Osborn, tác giả của cuốn sách Wealth Can’t Wait kể. Ông làm việc tới mức gần như kiệt sức và được tư vấn phải thuê người hỗ trợ. "Tôi dành ra 40% thu nhập để thuê trợ lý, chỉ 2 năm sau, họ giúp tôi tăng mức thu lên gấp ba". 

Không chi tiền cho các khoản bảo hiểm 

CEO của LearnVest kể anh từng từ chối chi 6 USD mỗi tháng cho một hợp đồng bảo hiểm răng vì nghĩ mình còn trẻ, răng lợi không có vấn đề. Tuy nhiên, không lâu sau đó, anh đau răng và phải chi một khoản lớn hơn rất nhiều để chữa trị. Bài học anh rút ra là: có khoản riêng cho bảo hiểm là cách tốt để tiết kiệm về lâu dài. 

Đánh giá quá cao về giá trị bằng cấp

"Tôi vay hơn 50.000 USD để đi học thạc sĩ về báo chí kinh tế", Huddleston kể. "Đó không hẳn là sai lầm nhưng có những cách khác để kiếm ra tiền, thay vì đầu tư, vay mượn quá nhiều cho việc học hành. Hiện tại, thậm chí tôi chẳng sử dụng tấm bằng mình có được để tăng thu nhập". 

Tiêu hoang những đồng tiền may mắn

Cameron Huddleston đến từ GOBankingRates.com kể khi cha bà qua đời, bà và chị gái được hưởng mỗi người 25.000 USD tiền bảo hiểm nhưng rồi bà không nhớ nổi mình đã tiêu số tiền ấy thế nào khi chẳng bao lâu nó hết sạch.

Không đàm phán lương ngay từ đầu

Mandi Woodruff - giám đốc điều hành của MagnifyMoney.com chia sẻ, lần đầu nhận được lời mời thay đổi công việc cũ, anh mừng đến mức không nghĩ đến đàm phán lương. Sau đó, anh nhận ra mình có thù lao thấp nhất, chỉ bằng 70% so với các đồng nghiệp, dù nhiều kinh nghiệm hơn. "Cuối cùng, tôi đành nghỉ, tìm một nơi khác để yêu cầu mức lương cao hơn", anh nói. 

Ưu tiên việc tiết kiệm thay vì trả nợ 

Jean Chatzky nói về sai lầm: "Tôi có một khoản tiết kiệm và không muốn lấy ra trả nợ, dù lãi suất nợ 18% mỗi năm, trong khi lãi suất tiền gửi chỉ bằng 1/3. Đơn giản, tôi cảm giác việc có sổ tiết kiệm giúp an tâm hơn. May mắn thay, một người bạn đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ và trả nợ kịp thời". 

Không công khai, rạch ròi tài chính với bạn đời

"Khi đính hôn với chồng cũ tôi không dám hỏi thu nhập của anh ấy vì ngại anh nghĩ mình là kẻ đào mỏ". Rebell chia sẻ. Sau đó, cô nhận ra đây là một sai lầm vì "nếu bạn không thoải mái khi công khai tài chính với bạn đời, hôn nhân khó kéo dài". Giờ đây, cô đang hạnh phúc với người chồng mới khi cả hai sẵn sàng chia sẻ vấn đề tiền bạc với nhau.

Theo VnExpress