Kiếp người

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:23, 12/08/2018

Người làng vẫn thọc mạch, dò hỏi nhau sao con mẹ Khê lại có thể làm được công việc trông nom nghĩa địa và chăm sóc những nấm mồ.



Người làng vẫn thọc mạch, dò hỏi nhau sao con mẹ Khê lại có thể làm được công việc trông nom nghĩa địa và chăm sóc những nấm mồ. Gan nó to bằng trời hay nó luôn say ngà ngà nên không biết sợ là gì. Người ta thấy có hôm nó cặm cụi làm đến 10 giờ đêm mới về nhà, thậm chí có buổi nó ngủ tại cái lán tạm bợ ở đó chẳng thèm về. Mà nhìn con mẹ Khê lúc nào tóc tai cũng rũ rượi, mặt mũi sứt sát lem luốc bẩn bẩn, quần áo thì rách tướp tả tơi, có khi người ta cũng chẳng phân biệt hình dạng của nó với một con ma. 

Các cụ trong làng nhìn Khê lắc đầu, vừa thương vừa giận. Các cụ bảo hồi còn trẻ Khê xinh xắn, trắng trẻo và nhanh nhẹn lắm. Bây giờ nó làm gì vẫn nhanh, nhưng không phải sự nhanh nhẹn của người có đầu óc sáng suốt. Khê và một chàng trai trong làng yêu nhau thắm thiết, chưa kịp lấy nhau thì chàng trai đi bộ đội. Trước hôm chia tay, vì không kìm nén được cảm xúc yêu đương, hai người ăn nằm với nhau. Người yêu ra trận biền biệt không tăm tích. Còn Khê lại mang trong mình giọt máu của anh. Gia đình Khê giày vò, la mắng cô như tát nước vào mặt. Họ tuyên bố sẽ từ mặt cô nếu không bỏ đứa bé. Khê thà chết chứ sao lại bỏ đứa bé được. Nó là kết tinh tình yêu của cuộc đời cô.  

Chuyện tình yêu của cô trong làng ai mà không biết. Cùng cực quá, cô đành vác bụng sang nhà người yêu van lạy xin nhận bố mẹ chồng. Chẳng có lễ vật ăn hỏi, chẳng một ngày được làm cô dâu. Khê về nhà chồng mà không có chồng, lại thêm gánh nặng chăm sóc hai bố mẹ già và cậu em trai bị bệnh thần kinh.

Năm tháng qua đi, bao nhiêu tủi nhục, nhọc nhằn của cuộc đời trĩu vai người mẹ trẻ. Đất nước đã hòa bình, những rặng tre làng đã được trả lại với bầu trời yên ả. Chỉ có đôi mắt Khê vẫn xanh xao đầy biển sóng. Ngày bố chồng mất, cô chạy vạy khắp nơi vay mướn ít tiền để mua quan tài. Không lâu sau mẹ chồng lại ngã bệnh ra đi. Nợ này chưa trả hết lại tiếp tục gánh nợ khác. Không ai chê vào đâu được cái bổn phận làm con dâu, làm chị dâu của Khê. 

*

Ai trong làng thuê mướn gì Khê cũng làm, miễn sao có khoai, sắn, gạo nuôi con gái và em chồng. Thời gian và nỗi nhọc nhằn của cuộc đời nhanh chóng phá hủy nhan sắc ngày nào. Người ta không còn nhận ra cô Khê trắng trẻo, nhỏ nhẹ nữa mà thay vào đó người ta gọi là “con mẹ Khê” cho hợp với bộ dạng xộc xệch bên ngoài. Chẳng ai biết Khê bắt đầu uống rượu từ khi nào, chỉ thấy đứng gần Khê phả ra toàn mùi rượu. Đàn bà gì mà nghiện ngập ghê gớm.
Con mẹ Khê đến nhà ai, thấy xin được cái gì là xin. Mẹ ấy vơ vét từ mảnh sành, vỏ chai, miếng sắt vụn… Nên thoáng thấy bóng dáng mẹ Khê lom khom ở ngõ nhà là người ta đã len lét đề phòng như sợ kẻ cắp đến nhà. Mát tính mà nói, mẹ Khê thu dọn cho nhà người ta sạch sẽ ấy chứ. Hơn nữa, chỉ khi nào được sự đồng ý của chủ nhà mẹ Khê mới dám bưng đi. 

Nhặt nhạnh đồng nát sắt vụn, sớm tối mò cua bắt ốc, đi mót đồng sau mỗi mùa thu hoạch… mà con mẹ Khê nuôi được cả mấy miệng ăn trong nhà. Mỗi lần ngắm nhìn Khiên, con gái mình, mẹ Khê hả hê cười và cảm thấy mát cái ruột. Con bé lớn dần xinh đẹp, trắng trẻo hệt như mẹ Khê hồi trẻ. 

*

Cuộc sống đổi mới, xóm làng tiên tiến, đời sống đi lên. Khu vực mồ mả của làng được quy hoạch, cần có người trông nom, đuổi trâu và dọn cỏ. Nhún nhịn, lạy lục chính quyền mãi mẹ Khê mới nhận được cái chân trông coi nghĩa địa. Không hiểu sao chính quyền chần chừ, làm khó mẹ Khê. Chứ cái chân ấy, công khai tuyển chắc gì có ai. Mà ngoài việc trông nghĩa địa, tuần vài buổi mẹ Khê phải đùn xe đi khắp xóm trong, xóm ngoài thu gom rác chở về nơi tập trung rác thải của làng. Trong cái đống hỗn tạp thối hoắc ấy, mẹ Khê tỉ mẩn lọc được khối thứ ra bán có tiền. Bây giờ chẳng phải mất công mở miệng xin xỏ nhà ai.

Mẹ Khê vui ra mặt khi nhận công việc này. Từ khi có bàn tay của con mẹ Khê, làng này sạch sẽ, đẹp đẽ hẳn lên. Rác đùn ra đến đâu được thu gom, chở đi đến đấy. Ban ngày, Khiên hay ra giúp mẹ phạt cỏ rậm ở nghĩa địa. Mồ mả nào mà lâu quá không có người ra hương khói, hoặc bị bỏ hoang thì mẹ Khê bảo Khiên đi thắp hương. Khiên xinh đẹp như mẹ nhưng chậm chạp, đầu óc có phần đần độn. Mẹ Khê bảo gì nó làm đấy, còn không cứ ngồi thu lu một góc ngắm những nấm mồ và cánh đồng lúa mênh mông. Thôi, xinh xắn, hiền lành là được rồi. Sau này, mẹ Khê kiếm cho nó tấm chồng bình thường và sống yên ổn là xong. 

*

Dạo này chính quyền chia lại ruộng đất, mẹ Khê lại được ruộng, mừng rơi nước mắt. Mẹ Khê say sưa cấy cày. Có hôm phải làm xuyên trưa, nên cái Khiên phải ở nhà cơm nước cho chú nó. Chú nó ất ơ, chân lèo khèo bao năm nay chỉ vào ra ở cái sân nhà. Mặt lúc nào cũng hớn ha hớn hở như nhà đang có tin vui. Được cái không bao giờ quậy phá và rất nghe lời mẹ Khê. Đối với mẹ Khê, chú ấy như đứa trẻ được nuôi trong nhà mà không lớn. Mẹ Khê có phần chiều chuộng chú như máu mủ của mình, chắc có thể vì mỗi lần nhìn vóc dáng ất ơ kia mẹ lại liên tưởng đến bóng hình người yêu năm xưa.

Chân tay lem nhem toàn bùn đất, vạt áo nâu sũng mồ hôi, tóc bờm xờm xơ xác kiểu như vừa đánh nhau ngoài cánh đồng về, mẹ Khê chưa chạm cổng nhà đã ơi ới gọi chú cháu cái Khiên, không thấy đứa nào ra. Hai chân mẹ tất tả đi ra trái nhà cất đồ, quay ra giật mình khi thấy chú cái Khiên ngồi vót vót tỉa tỉa ở góc vườn. Quái lạ, cái thằng này mọi hôm ngồi chết dí một chỗ, chẳng biết động tay làm gì, chỉ thoáng nghe thấy tiếng chị dâu là vui hớn hở. Hôm nay chị về nó chẳng để ý, lại chăm chú làm cái gì không biết. Mẹ Khê lại gần xem xét. "Ơ, cũng biết làm giỏ hoa cơ à?". Nhà này có bao giờ dùng đến cái thứ ấy đâu nhỉ. Chắc cu cậu học mót của ông Vè nhà bên cạnh. Nhà ông chuyên đan lát rổ rá, thúng, làn, giỏ hoa… nói chung là bất kỳ cái gì có thể đan là ông làm. Nhưng chắc chú cái Khiên hứng lên làm chốc lát, chứ đan ra hình dáng được thì mẹ Khê đi đầu xuống đất. Chú cái Khiên ngẩng lên nhìn mẹ Khê cười cười, vẫn nụ cười khờ khạo như đứa trẻ. Rồi chú nó đưa mắt nhìn về phía bếp, tay chỉ chỉ ra hiệu. Cái Khiên đang nấu ăn trong đó. Chẳng hiểu có ý gì, mẹ Khê phủi quần áo đi vào nhà.

Thế mà buổi chiều đi làm đồng về đã thấy một giỏ hoa xinh xắn treo trước cửa sổ. Đẹp đáo để. Mẹ Khê có cảm giác có điều gì khác trong nhà, mẹ Khê chẳng biết khác cái gì vì lâu lâu rồi chỉ mê mải làm đồng và chăm chút cho những nấm mồ ngoài nghĩa địa. Ở nhà tự hai chú cháu thu dọn, rau cháo chăm nhau. 

*

Tối nay trời mát mẻ, mẹ Khiên về sớm hơn mọi lần. Mẹ ngồi ăn cơm ngon lành, miệng thao thao kể về chuyện tương lai. Mẹ kể cho cái Khiên và chú nó nghe mấy thửa ruộng chính quyền cắt cho mẹ rất đẹp, đất tốt, nhất định mùa này sẽ bội thu. Mà tiền công mẹ thu gom rác cho cả làng được trả cao hơn. Chắc đợt tới mẹ sẽ dư tiền, mẹ tính mua cho cái Khiên mấy bộ quần áo mới. Cao lớn tồng ngồng rồi, sạch sẽ đẹp đẽ một tí còn kiếm tấm chồng tử tế. Đời nó không thể sống như đời mẹ được. Chỉ mới nghĩ thôi mà lòng mẹ Khê thấy sung sướng quá, môi tủm tỉm cười. Mẹ cao hứng mở nút chai rượu. Rượu xộc mâm cơm nồng nặc, cái Khiên bịt miệng chạy ra trước vườn, nôn thốc tháo. Mẹ Khiên hoảng sợ chạy theo. Mẹ sờ trán, chân tay nó không thấy nóng. Hỏi nó làm sao, có ăn gì lạ không? Nó lắc đầu quầy quậy. Bữa nào mẹ Khê chẳng uống rượu, hơi rượu có lạ lẫm với nó đâu mà nôn dữ vậy. Mẹ Khê thấy khó hiểu.

Trăng lên cao sáng vằng vặc, mẹ Khê nằm trên chiếc võng đu đưa. Hôm nay, mẹ Khê uống rượu mà không say và nói nhiều như mọi hôm. Lồng ngực mẹ Khê còn chưa thôi phấn chấn vì nghĩ đến tương lai xán lạn hơn. Sân nhà im phăng phắc. Tự nhiên mẹ chột dạ. Mẹ ngắm nhìn cái Khiên đi đi lại lại, mông nó nặng hơn, lẩy bà lẩy bẩy, ngực có phần ưỡn ra. Quái, không khí trong nhà khang khác, chú nó khang khác, giờ đến nó cũng… thế nào ấy. Mẹ Khê sực nhớ ra, ngoài mấy công việc cơm nước, giặt giũ, đốn củi, thu lá, dọn cỏ ở nghĩa địa… mẹ Khê chưa bao giờ dạy con gái điều gì để chuẩn bị đón chào tuổi thiếu nữ của nó. Mà mẹ Khê không dạy thì ai dạy nó đây.

Nó ngồi giữa giếng dội nước tắm. Bảo quây cái lán che chắn chỗ tắm cho con gái mà con mẹ Khê bận quá chưa kịp làm. Dưới ánh trăng, ai cũng có thể nhìn rõ thân thể thiếu nữ lõa lồ của nó, nó thản nhiên giậm nước phình phịch, thích thú. Tiếng sột soạt ở gốc mít gần giếng làm mẹ Khê giật mình. Mẹ Khê phát hiện ra chú cái Khiên đứng gần ấy nhe răng cười, ánh mắt long lanh ngắm cái Khiên không chớp mắt. Hoảng hồn mẹ Khê đứng phắt dậy chạy ra. "Làm cái gì thế, không được đứng ở đây, đi vào nhà mau". Chú nó lại cầm khư khư bộ quần áo của cái Khiên trên tay như kiểu đợi sẵn. Mắt cái Khiên trợn tròn nhìn mẹ. Hình như nó biết chú nó đứng đấy và từ nãy đến giờ cười với chú nó. Ruột gan mẹ Khê nóng bừng bừng, mẹ lôi xoành xoạch thằng khoèo dở hơi vào nhà. Rồi ào chạy ra giếng. Mẹ bảo cái Khiên vào bếp mẹ mặc quần áo cho. Nhìn gần thấy rõ cái bụng nhô ra. Toàn thân con mẹ Khê run bần bật. Đầu óc bà bỗng tĩnh hơn bao giờ hết. Bà không dám nghĩ tiếp cái ý nghĩ len lỏi trong đầu.

Cái Khiên nhút nhát chẳng dám tiếp xúc với ai, chỉ quanh quẩn ở cái nhà này. Nó có ra nghĩa địa thì luôn có mẹ Khê bên cạnh. Mẹ Khê bắt đầu mơ hồ hiểu ra vấn đề. Thảo nào mấy lần mẹ thấy chú nó từ buồng hai mẹ con đi ra. Bao năm ở cùng, chú nó có vào buồng hai mẹ con bao giờ đâu.

Không thể nào. Mẹ Khê thấy nhoi nhói trong lồng ngực, quả tim như bị bóp nghẹt không thở được, đầu óc quay cuồng. Mẹ đứng dậy như người không hồn và cầm chai rượu lảo đảo đi về hướng nghĩa địa, để mặc cái Khiên đứng sững sờ, kinh ngạc, tiếng nôn ồng ộc của nó vẫn đeo bám theo sau.

Lúc này ai đi qua nghĩa địa sẽ thấy một bóng đen tóc xõa rũ rượi. Một bóng ma biết khóc thút thít rồi vỡ òa giữa đêm ở nghĩa địa. Gió sương dồn dập ùa tới lạnh đến se sắt da thịt. Mẹ Khê tự dằn lòng mình không biết kiếp trước ăn ở thế nào mà kiếp này trời đày đọa đến cả cuộc đời. Trong hơi thở nồng nặc mùi rượu, mẹ Khê nhìn thấy tương lai rõ hơn. Ở cái nghĩa địa này, sẽ có những con ma vật vờ cả đời, đó là mẹ Khê, là cái Khiên, là cuộc đời con nó… Sương đêm hay nước mắt, hay rượu làm cổ họng con mẹ Khê nghẹn đắng. Khiên của mẹ ơi!

Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ