Mệt mỏi phụ nữ ở nhà chăm con
Xã hội - Ngày đăng : 16:18, 12/08/2018
Các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông về giới giúp xã hội có cái nhìn bình đẳng hơn với phụ nữ
Căng thẳng, bí bách
Sau khi sinh con trai đầu lòng, chị N.T.T. (33 tuổi) ở phố Nguyễn Hữu Cầu (TP Hải Dương) quyết định nghỉ việc ở một doanh nghiệp tư nhân để về nhà chăm con vì không có ông bà hai bên hỗ trợ, thu nhập của chị cũng không cao. Một ngày của bà mẹ bỉm sữa này bắt đầu từ 6 giờ 30 và kết thúc lúc 22 giờ. Có đêm con quấy khóc, sợ ảnh hưởng giấc ngủ của chồng, chị T. lại dậy bế con cả đêm. Hằng ngày, chị quanh quẩn với hàng tá những việc không tên như chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà, rửa bát, lau nhà, phơi quần áo, làm đồ ăn cho con, dỗ dành con ăn bột... Nhiều lúc chị T. phải một tay bế con, một tay làm việc. Riêng việc chăm con cũng bận đủ đường, nào là phải cho con ăn đúng giờ trong ngày với 3 bữa chính và 2 bữa phụ, chưa kể thêm bữa sữa đêm. Rồi thường xuyên lo đổi thực đơn cho con hằng ngày, con bỏ một bữa là chị lại mất ăn mất ngủ. Cũng may bé nhà chị T. vẫn tăng cân đều và khỏe mạnh.
Dù chăm con kỹ, nhưng mỗi lần mẹ chồng chị ở quê ra thăm con là chị T. lại một phen căng thẳng. Trong suy nghĩ của mẹ chồng, từ khi chị T. nghỉ việc, mọi chi phí trong nhà đều đổ dồn lên vai con trai bà, còn con dâu chỉ ở nhà "ăn trắng mặc trơn", không phải lo nghĩ gì. Vì thế, bà luôn tỏ vẻ không thích và luôn soi mói con dâu. Chị T. làm gì bà cũng không hài lòng. Chị chăm con chăm chồng đều béo tốt ra không những chẳng được lời khen mà con bị mẹ chồng nói "có mỗi việc đó làm không tốt nữa thì chị còn làm được gì".
"Sướng thế còn gì? Chỉ việc ở nhà chăm con, không phải lo lắng, bươn chải để lo kinh tế, ở nhà đã có chồng nuôi..." là những câu nói mà chị B.T.H. ở xã Đại Đức (Kim Thành) bị không ít người nói ra, nói vào. Ai nhìn vào chị H. cũng chắc mẩm cuộc sống của chị không phải lo lắng, thiếu thốn gì, vì kinh tế gia đình đều có chồng lo hết. Từ khi đẻ bé thứ hai, do hai con nhỏ không nhờ được ai chăm nên chị H. đành nghỉ việc ở nhà chăm con. Từng là trình dược viên có thu nhập khá nhưng vì con, chị H. phải từ bỏ công việc mình yêu thích. Ở nhà chăm con, chị H. cũng thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều lúc chị nghĩ rằng có lẽ đi làm cũng không mệt bằng việc ở nhà chăm hai con và lo việc gia đình. Dù được chồng hết mực cưng chiều, lúc rảnh rỗi lại phụ vợ việc nhà, nhưng chị H. luôn cảm thấy buồn chán vì chỉ suốt ngày quanh quẩn trong nhà với vô số việc lặt vặt, không tên. "Nhiều lúc thấy chồng tất tả ngược xuôi lo kiếm tiền, trong khi mình lại ở nhà chăm con, thấy mình vô dụng, ăn bám chồng mà chẳng giúp được gì...", chị H. chia sẻ.
Gia đình cần sẻ chia
Việc chăm sóc con nhỏ không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Xung quanh một đứa trẻ có rất nhiều việc phải lo, từ bữa ăn, giấc ngủ đến mọi sinh hoạt bình thường của trẻ đều phải có người chăm sóc. Không chỉ chăm sóc con, nhiều chị em phải làm tất cả việc nhà để chồng yên tâm công tác. Nhưng không phải ai cũng nhận ra những vất vả của người phụ nữ khi dành toàn bộ thời gian cho việc chăm sóc gia đình, con cái. Nếu như đi làm họ sẽ có nhiều thời gian dành cho riêng mình, nhưng bù lại con cái sẽ không được sự chăm sóc toàn phần của mẹ.
Chị V.T.H. ở phố Ngô Bệ (TP Hải Dương) từng nghỉ việc ở nhà chăm con hơn 2 năm. Chị H. cho biết: "Thời gian ở nhà chăm con thật sự rất mệt mỏi, làm những công việc không tên, ngày này qua ngày nọ cũng chỉ xoay vần với từng đó công việc. Những lúc con ốm tôi cũng căng thẳng và mệt mỏi theo con. Khi con đã cứng cáp tôi cho con đi nhà trẻ và đi làm lại. Tôi nghĩ nếu khoảng thời gian đó cứ kéo dài không khéo tôi sẽ bị trầm cảm vì bản thân luôn bị bó hẹp trong môi trường không thoải mái. Cảm giác như mình cứ phải chịu đựng những thứ mình không mong muốn. Giờ nghĩ lại quãng thời gian đó tôi thấy thật đáng sợ".
Theo chị Lê Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội Phụ nữ tỉnh), lựa chọn phương án ở nhà chăm con với nhiều chị em không phải là quyết định dễ dàng, nhất là những người đã từng đi làm phải bỏ dở công việc. Ở nhà phụ nữ không chỉ có mỗi việc chăm con mà còn phải làm rất nhiều việc nhà không tên khác. Vì thế, công việc của họ không hề đơn giản và nhẹ nhàng như nhiều người vẫn nghĩ. Sức lao động bỏ ra nhiều nhưng rất ít người ở nhà chăm con được gia đình ghi nhận, thậm chí bị coi là ăn bám vì không làm ra tiền. Nên dù có xót con, yêu thương con đến mấy thì khi con đã cứng cáp, các bà mẹ có thể cho con đi gửi trẻ, còn mình quay lại với công việc, có thu nhập. Hơn nữa, khi đi làm chị em sẽ được giao lưu, gặp gỡ mọi người, tránh được những u uất, trầm cảm về tâm lý.
Bên cạnh đó, các ông chồng cũng cần quan tâm, chia sẻ giúp vợ những công việc nhà. Phụ nữ chọn ở nhà phục vụ chồng con cũng là họ đã hy sinh những sở thích riêng để toàn tâm toàn ý lo cho chồng con. Được sự ghi nhận, động viên khích lệ của chồng sẽ giúp chị em có cảm giác an toàn, được chia sẻ, trân trọng hơn...
TÂM PHÚC