Sự kiện nổi bật ngày 14.8
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 21:00, 14/08/2018
TRONG NƯỚC
Ngày 14.8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo, khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII (lớp thứ I, năm 2018). Cùng dự Lễ khai giảng có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; 94 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII tham gia Trung ương khóa đầu. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo, khai giảng Lớp bồi dưỡng. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Ngày 14.8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến thăm, làm việc về công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ – đơn vị có hệ thống gồn 14 bệnh viện với 13 bệnh viện đa khoa và 1 bệnh viện thẩm mỹ trên toàn quốc. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát triển thêm các kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân. Mặt khác, bệnh viện cũng cần lồng ghép việc khám chữa bệnh với chăm sóc sức khỏe ban đầu như mô hình phòng khám bác sỹ gia đình mà Bộ Y tế đang triển khai rộng khắp cả nước. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân đang chờ khám bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Chiều 14.8, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 4.Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 1 giờ ngày 14.8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ vĩ bắc; 113,4 độ kinh đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90 km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển chậm theo hướng Đông sau có khả năng đổi hướng dịch chuyển về phía tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 15.8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 112,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố chủ trì hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa quyết định đầu tư 325 tỷ đồng thực hiện Đề án "Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". Việc phát triển dịch vụ đô thị thông minh ở địa phương dựa trên nền tảng chính quyền điện tử, trong đó có trung tâm hành chính công cấp tỉnh kết nối với 9 huyện, thị xã và thành phố Huế cung cấp toàn diện mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành. Trong ảnh: Trung tâm hành chính công tỉnh kết nối với các huyện, thị xã và TP Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đã bắt giữ một vụ vận chuyển 22 bánh hêroin từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ. Theo đó, vào khoảng 2 giờ sáng 14.8, các cán bộ, chiến sỹ Phòng PC47 phối hợp cùng lực lượng Trạm Cảnh sát giao thông Krông Búk-Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện xe khách mang biển kiểm soát 37B-022.03 của nhà xe Vinh Chung chạy tuyến Nghệ An- thành phố Hồ Chí Minh có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện đối tượng Phan Thị Đào, 38 tuổi, trú tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn có cất giấu 22 bánh herôin trong hàng hóa mang theo. Trong ảnh: Đối tượng Phan Thị Đào vận tại cơ quan điều tra. Ảnh: TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 14.8, đồng chí Nguyễn Anh Cương, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 và tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 4, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. Thực hiện tốt việc tháo gạn nước đệm, ưu tiên những khu vực dễ xảy ra ngập úng. Khi có mưa lớn, phải vận hành tối đa các trạm bơm tiêu, tuyệt đối không để tình trạng ngập úng kéo dài. Kiểm soát chặt chẽ quy trình vận hành các hồ chứa. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống hồ đập để xây dựng kịch bản điều tiết theo diễn biến của mưa bão nhằm khắc phục nhanh chóng các sự cố có thể xảy ra. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương kiểm tra quy trình vận hành trạm bơm Đò Phan tại xã Thanh Lang (Thanh Hà). Ảnh: Dũng Cường
Chiều 14.8, các Văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tổ chức hội thảo xây dựng quy chế phối hợp hoạt động. Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận tập trung hoàn thiện kết cấu, thể thức văn bản quy chế phối hợp; cách thức phối hợp nội dung công tác; phối hợp chuẩn bị các hội nghị, kỳ họp; phối hợp xây dựng đề án kết nối mạng công nghệ thông tin và quy chế cung cấp, sử dụng, xử lý thông tin trên mạng... Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Viết Hải, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hà Nga
Sáng 14.8, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu định hướng năm học 2018 - 2019, ngành cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh. Duy trì, phát triển chất lượng giáo dục toàn diện ở mức độ cao, bảo đảm tính thực chất, nâng cao thành tích học sinh giỏi ở giải quốc gia, quốc tế. Thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ từ chỉ đạo dạy học đến quản lý thi cử, nhất là thi THPT quốc gia, thi tuyển vào THPT... Trong ảnh: Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua cho lãnh đạo Trường THPT Đoàn Thượng. Ảnh: Danh Trung
Ngày 14.8, UBND TP Hải Dương triển khai quy chế quản lý đô thị; chương trình phát triển đô thị TP Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và một số quy định về xử lý vi phạm trật tự đô thị. Quy chế về quản lý đô thị TP Hải Dương bao gồm các quy định về quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, hạ tầng kỹ thuật... Về lộ trình cụ thể phát triển đô thị giai đoạn 2018 - 2019, thành phố lập đề án điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập 8 xã và thành lập 2 phường mới. Giai đoạn 2019 - 2020, tập trung phát triển đô thị. Giai đoạn 2020 - 2025, lập và phê duyệt phân khu các phường, nâng cao chỉ tiêu đô thị loại I. Giai đoạn 2025 - 2030, phát triển đô thị với 5 mục tiêu. Trong ảnh: Nhiều quy chế quản lý đô thị được triển khai tại hội nghị. Ảnh: Lan Anh.
QUỐC TẾ
Ngày 13.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019. Đây là dự luật được Thượng nghị sĩ John S. McCain đệ trình và sẽ cung cấp mức chi tiêu quốc phòng 716 tỷ USD trong tài khóa 2019. Phát biểu tại một buổi lễ diễn ra ở căn cứ Fort Drum ở New York, Tổng thống Trump đánh giá NDAA là "thương vụ đầu tư quan trọng nhất" đối với quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại. Ông cũng đề cập tới việc thành lập "Lực lượng Vũ trụ" nhằm giành ưu thế trước các đối thủ. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 tại căn cứ Fort Drum ở New York ngày 13.8. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 13.8 đã cáo buộc "các phần tử khủng bố kinh tế" âm mưu hãm hại nước này bằng cách lan truyền các thông tin sai lệch, đồng thời khẳng định các đối tượng này sẽ bị pháp luật trừng trị. Tổng thống Erdogan còn chỉ trích Mỹ đang tìm cách “đâm sau lưng” Ankara thông qua các biện pháp trừng phạt. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu một “cuộc vây hãm” về kinh tế và các cuộc tấn công nhằm vào nền kinh tế sẽ tiếp tục kéo dài trong một thời gian nữa, song Ankara sẽ có những biện pháp đáp trả và sẽ sớm vượt qua cuộc tấn công này. Trong ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu với các đại sứ nước này tại Ankara ngày 13/8. Ảnh: THX/TTXVN
Hãng thông tấn Yonhap ngày 13.8 cho biết, từ ngày 13-20.8, Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ tiến hành mở rộng khảo sát để tiến tới hiện đại hóa tuyến đường bộ Gyeongui nối liền thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên tới khu công nghiệp chung Kaesong. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng ngày cho biết, nhóm khảo sát đường bộ chung liên Triều đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất tại khu công nghiệp chung Kaesong. Cuộc khảo sát sẽ được tiến hành từ khu công nghiệp chung Kaesong tới thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Phía Hàn Quốc tham dự cuộc họp gồm 5 người trong khi phái đoàn Triều Tiên có 4 quan chức. Trong ảnh (tư liệu): Thứ trưởng Bộ Giao thông Hàn Quốc Kim Jeong-ryeol (trái) và người đồng cấp Triều Tiên Pak Ho-yong (phải) tại cuộc họp về kết nối đường bộ xuyên biên giới giữa hai miền Triều Tiên, tại làng Panmunjom ngày 26.6. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 13.8, hàng triệu người dân Cuba đã được triệu tập tham gia quy trình tham vấn đối với bản Dự thảo Hiến pháp mới, dự kiến kéo dài tới ngày 15.11. Hơn 15.000 người được ghép thành bộ đôi sẽ có nhiệm vụ điều hành các cuộc tham vấn ý kiến nhân dân tại 35.000 địa điểm làm việc cũng như tại các cuộc họp cộng đồng trong suốt thời gian diễn ra quy trình nói trên. Trong ảnh: Toàn cảnh một buổi tham vấn quần chúng về bản Dự thảo Hiến pháp tại thủ đô La Habana, Cuba ngày 13.8. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu cứu hộ Aquarius của Pháp ngày 13.8 đề nghị châu Âu tìm một nơi an toàn để 141 người di cư được tàu này cứu trên Địa Trung Hải có thể lên bờ do Italy và Malta lại không cho phép tàu này cập cảng. Bà Sophie Beau, người đứng đầu hoạt động cứu hộ của tàu Aquarius, cho biết hiện tàu này đang phải neo đậu giữa Malta và đảo Lampedusa của Italy sau khi cả 2 nước trên từ chối cho phép tàu cập cảng. Giới chức quản lý tàu đã đề nghị các nước châu Âu tìm kiếm một cảng an toàn để tàu có thể cập bến trên Địa Trung Hải. Trong ảnh: Tàu cứu hộ Aquarius của Pháp rời khỏi cảng Marseille, miền đông nam nước này ngày 1.8. Ảnh: AFP/TTXVN