Chùa Lưu thượng- Di tích thời Trần

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 14:04, 15/08/2018

Chùa Lưu Thượng hay còn gọi là chùa Phúc Duyên tọa lạc tại thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An (Kinh Môn).

Tượng thờ Sư Tổ Non Đông tại nhà tổ (giữa) chùa Lưu Thượng

Theo triết tự chữ Hán, “Duyên/Diên” nghĩa là kéo dài; “Phúc” nghĩa là hạnh phúc. Tên gọi “Duyên Phúc tự” gắn với mong ước của người xưa về một ngôi chùa thờ Phật phúc dài, bền lâu mãi mãi.

Chùa Lưu Thượng là di tích lịch sử Phật giáo - một trong những nơi Sư Tổ Non Đông - một cao tăng của Thiền phái Trúc Lâm yêu nước trụ trì (hiện có tượng thờ tại nhà Tổ). Sư Non Đông họ Vương, hiệu Quản Viên, tự Tuệ Nhẫn quê tại xã Dưỡng Mông (huyện Kim Thành).

Ông mồ côi cha từ nhỏ, mẹ ở vậy nuôi con. Năm lên 10 tuổi, ông đã sớm chuyên cần học tập, rèn luyện. Năm 19 tuổi, ông chán cảnh trần tục, yết kiến với Kiên Tuệ đại sư chùa Bái Ân để đi tu. Sau đã thụ giới cùng hai nhà sư Nghĩa Trụ và Chân Giám, sư Non Đông trở thành một đệ tử tích cực của Thiền phái Trúc Lâm.

Sinh thời, sư Non Đông đi khắp nơi giảng đạo và xây chùa. Tương truyền, chùa Lưu Thượng là một trong những di tích do nhà sư xây dựng và trụ trì. Ở đâu ông cũng được nhân dân kính trọng. Ngày 26 tháng giêng năm Khai Thái thứ 2 (1325), sư viên tịch. Sau này, các đệ tử thiền phái đã cho tạc tượng thờ tại các chùa mà sư đã trụ trì.

Việc nghiên cứu bảo tồn di tích không chỉ góp phần làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử Việt Nam thời Trần trên đất Hải Dương mà còn có tác dụng giáo dục cho nhân dân, đặc biệt là các phật tử trong việc hành đạo nhưng không quên trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như tấm gương của các vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm.

Chùa Lưu Thượng khởi dựng từ khi nào thì đến nay chưa tìm thấy tài liệu để xác định. Song, căn cứ theo sự tích Sư Tổ Non Đông thì muộn nhất vào cuối thời Trần (thế kỷ XIV), chùa đã là nơi hành đạo của các sư tăng và quy mô hẳn là không nhỏ, thu hút nhân dân trong vùng và phật tử xa gần tham gia. Vào thời hậu Lê (thế kỷ XVII, XVIII), di tích chắc chắn được trùng tu, tôn tạo song rất tiếc không còn văn bia nào ghi chép lại.

Thời Nguyễn (thế kỷ XIX), căn cứ vào các tư liệu Hán nôm hiện còn tại di tích cho biết: Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), người của bản xã là Nguyễn Thị Buồng lấy chồng tại xã Lê Xá, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã xuất gia phí cổ tiền 100 quan, ruộng 4 sào tọa lạc tại xứ Đồng, phía đông gần nhà Nguyễn Danh Nhị, phía tây gần nhà Mạc Danh Bình. Đông, tây bốn nhà cùng nhân dân hằng tâm đóng góp tu sửa chùa, được tôn làm hậu Phật, hàng năm đến ngày giỗ hưởng lễ tại chùa.

Năm Tự Đức 16 (1863) có bà Nguyễn Thị Cảnh, người xã Lưu Thượng đã xuất gia tư tiền cổ 160 quan, lại cúng ruộng một thửa tọa lạc tại xứ Sơn Môi cùng nhân dân để tu sửa chùa Phật tạo thành nơi thắng cảnh, nguy nga... Có thể nói, đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của di tích.

Theo các cụ cao niên tại địa phương, chùa Lưu Thượng xưa có quy mô lớn, cảnh quan đẹp, nhiều cây cổ thụ như đa, thị... Khuôn viên di tích chia làm ba khu vực, trong đó khu vực một là chùa chính xây dựng trên một khu đất cao nhất, lưng tựa vào dãy núi Voi, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 7 gian thượng điện xây đao dĩ và 2 gian hậu cung, hiên lát đá xanh nguyên khối, mặt tiền quay hướng tây nam, đây được coi là hướng ổn định nhất vì hợp với sự vận hành của âm dương, khiến cho thần linh không rời bỏ nghĩa vụ vì chúng sinh đau khổ.

Theo quan niệm của nhà Phật, hướng tây còn là hướng “tây phương cực lạc” hướng về nơi khởi nguồn của đạo Phật. Hệ thống khung vì, cột cái, cột quân chất liệu gỗ lim kê trên chân tảng bằng đá tròn cổ bồng, tại các vì kèo và bảy hiên có nhiều bức chạm nghệ thuật. Nội tự chùa chính ngoài bài trí hệ thống tượng sơn son thếp vàng rực rỡ còn có chuông, khánh, câu đối, đại tự... tạo thành một không gian lộng lẫy, uy nghi nhưng vẫn thâm nghiêm cổ kính.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, hầu hết các công trình đã bị phá huỷ. Hòa bình lập lại, nhất là từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX cho đến nay, di tích như được hồi sinh. Nhiều công trình như chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu, cổng... và nhiều hạng mục phụ trợ khác được xây dựng. Lễ hội truyền thống cũng từ đó mà phục hồi, phát triển và là một trong những lễ hội lớn của xã Hiệp An. Trong những năm tới, địa phương đã có phương án tổ chức lễ hội quy mô lớn, khôi phục những nét đẹp truyền thống, nhằm gìn giữ văn hoá phi vật thể đã từng tồn tại trong lịch sử.

ĐẶNG THU THƠM