Cựu Bí thư chuyển nhượng hàng chục nghìn m2 đất trước khi bị khởi tố?
Pháp luật - Ngày đăng : 06:20, 16/08/2018
Trước khi ông Khanh bị khởi tố 3 tháng, ông này đã chuyển nhượng nhà và hàng ngàn mét vuông đất cho người thân.
Theo đó, ông Nguyễn Hồng Khanh đứng tên 2 thửa đất tại địa chỉ xã An Tây, TX. Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Trong đó, Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Khanh tại thửa đất số 49, tờ bản đồ số 11 với diện tích 1.265m2 (200m2 đất ở, số còn lại là đất trồng cây lâu năm). Tại giấy chứng nhận khác cũng mang tên ông Khanh là thửa đất số 70, tờ bản đồ số 11 với diện tích 16.351m2 đất trồng cây lâu năm.
Tuy nhiên, cả 2 thửa đất trên cùng được UBND TX. Bến Cát cấp sổ mới vào ngày 12/12/2017. Người nhận chuyển nhượng đất của ông Khanh là bà Huỳnh Thị P (có địa chỉ tại TP.HCM). Thời điểm ông Khanh chuyển nhượng hàng ngàn mét vuông đất cho người khác, ông này đang bị điều tra vì có liên quan đến vấn đề đất đai. Đến ngày 12/3/2018 cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án (tức chỉ sau 3 tháng ông Khanh chuyển nhượng xong đất cho người khác đứng tên) và đến ngày 10/8/2018, ông Khanh bị bắt giam.
Trước đó, báo Tiền Phong đã đưa tin, vào năm 2012 bà Hồ Thị Hiệp bổ nhiệm ông Nguyễn Hiệp Hòa làm giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất khẩu thương mại An Tây (Cty An Tây). Lúc bấy giờ, ông Hòa mua sắm thiết bị từ nước ngoài về công ty với trị giá hàng chục ngàn USD. Ông Hòa sau đó cũng được bà Hiệp cho một phần đất trên trong tổng số 20ha đất để thành lập Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại gỗ An Phát Đạt.
Đến năm 2016, khi mọi hoạt động của công ty đang diễn ra bình thương thì cơ quan chức năng và phía ngân hàng đến niêm phong công ty. Nguyên nhân được cho là phía công ty đã thế chấp tài sản để vay vốn nhưng đến hẹn không trả được nợ và bị “siết nợ”.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2005 đến 2008,Công ty An Tây do bà Hồ Thị Hiệp làm giám đốc có vay của Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Tây Sài Gòn 72 tỉ đồng và thế chấp ngân hàng hơn 20 ha đất, bao gồm nhà xường mặt tiền (giá tài sản thế chấp tại thời điểm vay trên 80 tỉ đồng).
Tuy nhiên, đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng trả nợ và bị ngân hàng xử lý tài sản thế chấp. Trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2015, ông Vũ Huy Hùng, Giám đốc chi nhánh ngân hàng cùng thuộc cấp là ông Vũ Quang Lập (phó trưởng phòng quan hệ khách hàng) đã làm thủ tục xử lý tài sản thế chấp. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Hồng Khanh (khi đó làm Chủ tịch UBND TX. Bến Cát) là người mua lại tài sản thế chấp của bà Hiệp từ ngân hàng.
Phía Công ty An Tây nhận thấy có những điểm bất thường nên đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và phát hiện, quá trình thanh lý tài sản giữa bên mua và ngân hàng đã vi phạm pháp luật vì phía ngân hàng không có văn bản thỏa thuận với bên bán; không định giá tài; không đấu giá tài sản và bán tài sản không đúng thẩm quyền. Ông Khanh lúc đó là Chủ tịch UBND TX. Bến Cát đã thỏa thuận với ông Hùng, ông Lập để trích 50% số tiền bán tài sản cho bà Hiệp, phần còn lại đưa cho ngân hàng.
Theo đó, giá trị tài sản trên 80 tỉ đồng nhưng ông Lập và ông Hùng đã thỏa thuận với bà Hiệp và ông Khanh để hạ thấp giá bán để đưa một phần vào ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn. Cụ thể, số tiền thanh lý “chui” tài sản chỉ đưa vào ngân hàng 8,7 tỉ đồng. Ông Khanh lúc đó giữ lại một phần rồi trực tiếp đưa cho bà Điệp 4,1 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty An Tây còn nợ ngân hàng số tiền trên 106 tỷ đồng không thể thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo Tiền phong