Nông dân chủ động ứng phó với ảnh hưởng của bão số 4
Xã hội - Ngày đăng : 14:35, 16/08/2018
* Tập trung bơm tháo gạn tại khu vực trũng thấp
Nông dân xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) dùng khum nilon bảo vệ rau mới trồng
Các địa phương có lượng mưa lớn là Kinh Môn (42,3 mm), Nam Sách (37,5 mm), Cẩm Giàng (37 mm)...
Nông dân xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) buộc cố định thân cây leo vào giàn, đề phòng cây đổ khi gió mạnh
Từ đêm 16.8, trên địa bàn Hải Dương sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa cả đợt phổ biến từ 150-200 mm, có nơi trên 250 mm. Gió mạnh dần lên cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7.
Nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) san tỉa rau mới trồng, giữ lại cây thừa để trồng bổ sung nếu mưa lớn làm chết cây
Từ ngày 18-20.8, hạ lưu sông Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-1,5 m. Mực nước đỉnh lũ tại Phả Lại ở mức dưới báo động I. Mực nước sông Luộc tại Bến Trại và các sông khu vực hạ lưu của tỉnh đạt trên báo động I.
Nông dân xã Toàn Thắng (Gia Lộc) cắt tỉa cành thừa cho măng tây, hạn chế gẫy, đổ
Hiện nay, các trà lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái, làm đòng. Lúa đã cao, cứng cây nên khả năng bị ngập úng không nhiều. Nông dân trong tỉnh đang thực hiện các biện pháp bảo vệ diện tích rau màu và thủy sản, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 4 gây ra.
Hộ nuôi cá lồng ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) kiểm tra mối nối, lưới chắn lồng cá
* Để chủ động ứng phó với nguy cơ ngập úng do ảnh hưởng của bão số 4 gây ra, ngày 16.8, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đã vận hành 31 trạm bơm để tháo gạn, hạ thấp mực nước đệm ở 8 huyện, thị xã. Trong đó, tập trung tháo gạn tại các địa phương có nhiều diện tích gieo cấy lúa ở khu vực trũng thấp là Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện. Công ty yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi các huyện, thị xã bám sát tình hình thời tiết, theo dõi mực nước kênh trục để đề xuất vận hành bơm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Toàn tỉnh có 13.000 ha lúa mùa ở khu vực trũng thấp, chủ yếu là trà mùa muộn nên nguy cơ xảy ra ngập úng rất cao.
* Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã Chí Linh, đến ngày 16.8, mực nước 7 trong tổng số 8 hồ đập do xí nghiệp quản lý vẫn ở ngưỡng an toàn. Riêng hồ Phú Lợi vẫn đang phải xả tràn vì mực nước cao hơn cao trình thiết kế 0,3 m. Những ngày tới, nếu lượng mưa ở khu vực này đạt từ 150-200 mm, khả năng toàn bộ các hồ sẽ phải xả tràn.
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ đập, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã phân công 16 lao động trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra công trình, chú ý những điểm xung yếu đã được xác định, kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu.
* Hiện các trạm bơm tiêu trên địa bàn huyện Nam Sách đã tổ chức thường trực 100% quân số tại đơn vị sẵn sàng vận hành các máy bơm khi có mưa lớn. Một số xã vùng trũng có nguy cơ ngập úng như Minh Tân, Thái Tân, An Sơn, Cộng Hòa, Phú Điền đang theo dõi chặt chẽ mực nước trên ruộng. Khi có mưa, lưu lượng nước dồn về các trạm bơm sẽ được theo dõi chặt chẽ để vận hành các máy bơm bảo đảm tiêu úng kịp thời theo phương châm "vùng trũng tiêu trước, vùng cao tiêu sau". Điện lực huyện Nam Sách có phương án cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Nam Sách kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các lồng cá trên sông
Huyện Nam Sách đã yêu cầu các xã ven đê triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn cho các lồng cá trên sông và người lao động trên các lồng nuôi cá. Yêu cầu các chủ lồng cá gia cố lồng bè bằng chão loại to, thả thêm quả rằn, tăng cường cáp néo bảo đảm an toàn cho lồng bè...
NGUYỄN MƠ - DƯƠNG HÒA