Thống Nhất dồn sức xây dựng nông thôn mới

Kinh tế - Ngày đăng : 19:33, 16/08/2018

Xã Thống Nhất (Gia Lộc) đã huy động tốt nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên nên đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trẻ mầm non ở thôn Trung, xã Thống Nhất được học tại ngôi trường mới khang trang

Năm 2011 khi khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Thống Nhất chỉ đạt 7 tiêu chí. Nhưng đến nay xã đã hoàn thành cả 19 tiêu chí, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Làm đến đâu, xong đến đó

Đảng bộ và chính quyền xã Thống Nhất đã xác định, muốn xây dựng NTM thành công phải kế thừa điều kiện sẵn có, lồng ghép các chương trình, dự án và các cuộc vận động, phong trào đang được triển khai ở địa phương, dựa vào nội lực của nhân dân và sự hỗ trợ một phần của ngân sách nhà nước. Khi bắt đầu xây dựng NTM, Đảng ủy và chính quyền xã tập trung tuyên truyền để người dân hiểu đúng về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình, rồi tự nguyện tham gia. Qua đó đã kêu gọi được sự ủng hộ, đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân.  

Đồng chí Nguyễn Văn Dinh, Chủ tịch UBND xã cho biết dù không phải tiêu chí “cứng” trong xây dựng NTM, nhưng dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng (DĐĐT-CTĐR) thành công sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân trong canh tác, hoàn thành các tiêu chí giao thông, thủy lợi… Vì vậy, năm 2013 xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện DĐĐT-CTĐR, kiện toàn các Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, Ban phát triển thôn…  

Tất cả 6 chi bộ đều xây dựng nghị quyết để chỉ đạo thực hiện kế hoạch của UBND xã. Vụ đông 2013-2014, xã đã tiến hành DĐĐT-CTĐR ở thôn Ty và thôn Cẩm Cầu. Đồng chí Nguyễn Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Khi đó rất nhiều người không đồng ý DĐĐT-CTĐR vì cho rằng sẽ bị thiệt thòi, mất khoảnh ruộng “bờ xôi ruộng mật” đang canh tác, lại phải hiến đất để CTĐR. Nhưng khi được vận động, thuyết phục nhiều lần, hiểu ra lợi ích lâu dài của việc DĐĐT-CTĐR, người dân đã nhất trí với các phương án dồn đổi, chỉnh trang”. Đến vụ đông 2014-2015, 4 thôn còn lại của xã tiếp tục DĐĐT-CTĐR xong. Sau khi hoàn thành DĐĐT-CTĐR, mỗi hộ chỉ còn trung bình 1,9 thửa, mỗi thửa rộng trung bình 925 m2. Xã mở rộng 54 tuyến giao thông nội đồng... Trong đó, nhân dân hiến gần 152.000 m2 để làm đường giao thông nội đồng, kênh mương. Tổng kinh phí thực hiện 3,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 3 tỷ đồng. 

Từ thành công của việc DĐĐT-CTĐR, nhận thấy rõ lợi ích của phong trào xây dựng NTM, nhân dân xã Thống Nhất tiếp tục tập trung bê tông hóa đường giao thông nông thôn và hoàn thành tiêu chí này trong năm 2016. Đến cuối năm 2016, xã chỉ còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành là thu nhập, hộ nghèo và cơ sở vật chất trường học. 

Nỗ lực thực hiện tiêu chí khó

Trong các tiêu chí xây dựng NTM ở xã Thống Nhất, tiêu chí khó thực hiện nhất là cơ sở vật chất trường học. Trước năm 2011, xã Thống Nhất có 8 điểm trường mầm non, có thôn có tới 3 điểm trường. Các điểm trường chủ yếu được tận dụng lại từ nhà kho của HTX cũ, xây dựng cách đây gần 50 năm. Dù được tu sửa thường xuyên nhưng các cơ sở này vẫn xuống cấp, không bảo đảm môi trường nuôi dạy tốt cho trẻ. Năm 2017, xã đã quy hoạch trường mầm non ra vị trí mới, vận động nhân dân hiến đất và khởi công xây dựng điểm trường mầm non trung tâm trên diện tích 4.200 m2 tại thôn Trung, mở rộng diện tích các phòng học, hiên hè, xây nhà vệ sinh mới ở 2 điểm trường mầm non thôn Vô Lượng và Cẩm Đới. Đến nay, Trường Mầm non xã Thống Nhất đã đạt chuẩn quốc gia mức độI, chỉ còn 3 điểm trường đặt tại trung tâm của 3 thôn, thuận lợi cho trẻ đến trường. Xã đấu giá quyền sử dụng đất, huy động từ doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cấp trên… để có vốn xây dựng trường mầm non cũng như các công trình phúc lợi.

Để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã Thống Nhất đã xây dựng 3 vùng sản xuất lúa chất lượng với diện tích 60 ha tại các thôn Cẩm Đới, Vô Lượng; quy hoạch 40 ha nuôi thuỷ sản trên nền đất 03 trũng, chua, trồng cấy không hiệu quả tại các thôn Ty, Khay, Trung, Cẩm Cầu. Hằng năm, xã đều mở các lớp dạy nghề về bảo vệ thực vật, trồng trọt, vi tính, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục xuất khẩu lao động, du học theo diện vừa học vừa làm… Vì vậy, điều kiện kinh tế - xã hội của xã phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 204 tỷ 588 triệu đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các giá trị sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, dịch vụ tăng từ 2,5-14,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Sau 7 năm thực hiện, xã Thống Nhất đã huy động được 94  tỷ 736 triệu đồng xây dựng NTM, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 27 tỷ đồng, ngân sách huyện 325 triệu đồng, ngân sách xã 17,3 tỷ đồng, nguồn vốn do nhân dân đóng góp và giá trị hiến đất hơn 49 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn khác. Xã đã bê tông hóa 100% đường thôn xóm với tổng chiều dài gần 19 km. Cả 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. Tỷ lệ nhà ở dân cư được kiên cố hóa đạt 83,1%. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã là 40,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 96,8%, 6 thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hóa...

Chị Lê Thị Duyên, người dân thôn Cẩm Đới cho biết: “Sau khi xây dựng NTM, tôi thấy trẻ mầm non được đi học ở trường học khang trang, học sinh tiểu học, THCS được học bơi ngay tại bể bơi của trường tiểu học, nông dân giảm bớt công sức vì giao thông nông thôn thuận tiện, máy móc được đưa vào sản xuất… Nhờ NTM, cuộc sống người dân đã có nhiều khởi sắc”. 

VIỆT QUỲNH