Điều trị bằng methadone ngày càng khó khăn
Xã hội - Ngày đăng : 18:26, 17/08/2018
Các cán bộ của cơ sở điều trị methadone ở TP Hải Dương thường xuyên tư vấn cho bệnh nhân giúp họ không bỏ điều trị
Bệnh nhân bỏ điều trị
Năm 2010, tỉnh ta bắt đầu triển khai điều trị bằng methadone cho 58 người nghiện ở TP Hải Dương và thị xã Chí Linh. Số lượng này được duy trì hết năm, không có bệnh nhân nào ra khỏi chương trình điều trị. Năm 2011, việc điều trị methadone được mở rộng ở huyện Kinh Môn và Kim Thành. Khi bước sang năm thứ hai, số lượng bệnh nhân tăng lên nhưng đã bắt đầu có bệnh nhân bỏ điều trị. Tình trạng này ngày càng có xu hướng tăng trong một vài năm gần đây. Nếu số bệnh nhân ra khỏi chương trình điều trị trong năm 2011 là 28 thì chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có 150 bệnh nhân bỏ điều trị trong toàn tỉnh.
Cơ sở điều trị methadone Chí Linh là một trong những cơ sở đầu tiên của tỉnh, hiện nay gặp nhiều khó khăn. Số lượng bệnh nhân đã giảm đáng kể. Lúc đông nhất cơ sở điều trị cho 180 người thì hiện nay chỉ còn 70 người, nhiều người bị bắt vì vi phạm pháp luật. Số bệnh nhân giảm, số tiền thu về ít, đồng nghĩa với việc thu nhập của các cán bộ, nhân viên cũng giảm sút nhiều. Cơ sở điều trị ở Thanh Miện trong những tháng đầu tiên đi vào hoạt động chỉ điều trị vỏn vẹn cho 2 bệnh nhân nhưng vẫn cố gắng duy trì. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm cơ sở chỉ điều trị cho khoảng 50 người. Bác sĩ Trần Hải Hà công tác tại cơ sở methadone Thanh Miện cho biết: “Chúng tôi làm việc rất vất vả trong môi trường có yếu tố độc hại, không được nghỉ cả thứ bảy, chủ nhật, lễ Tết nhưng thu nhập chưa tương xứng. Dù chúng tôi tích cực động viên anh em nhưng vẫn có một số người xin chuyển sang công việc khác”.
Tỉnh ta hiện có 8 cơ sở điều trị methadone gồm 1 cơ sở tại TP Hải Dương và 7 cơ sở đặt tại trung tâm y tế các huyện, thị xã. Theo Quyết định số 2284/QĐ-UBND ngày 16.9.2014, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho từng địa phương từ 10-400 bệnh nhân/năm (tùy theo tình hình địa phương) nhưng không có địa phương nào đạt được chỉ tiêu cao. Một số cơ sở chỉ điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân như Thanh Hà, Thanh Miện và Tứ Kỳ. 4 huyện chưa triển khai cơ sở điều trị methadone gồm: Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang và Ninh Giang.
Đâu là nguyên nhân?
Một trong những nguyên nhân khiến chương trình điều trị methadone gặp khó là do sự vào cuộc của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp huyện chưa quyết liệt. Sự phối hợp giữa cơ sở điều trị methadone với công an địa phương đôi khi chưa thường xuyên và chặt chẽ trong việc theo dõi, đánh giá bệnh nhân điều trị, bệnh nhân bỏ điều trị.
Đặc biệt những năm gần đây, người nghiện ma túy có xu hướng chuyển từ sử dụng heroin sang ma túy tổng hợp hoặc dùng ma túy tổng hợp trong khi đang uống methadone tạo trở ngại lớn trong quá trình điều trị bằng methadone. Hiện nay, methadone chỉ có tác dụng với những người nghiện chất dạng thuốc phiện, không có tác dụng với người nghiện các loại ma túy tổng hợp. Do thời gian điều trị liên tục, kéo dài (có thể suốt đời) dẫn đến tình trạng một số bệnh nhân bỏ điều trị, không tuân thủ điều trị methadone. Năm 2013, số người sử dụng ma túy tổng hợp là 250 trong tổng số 3.112 người nghiện được quản lý (chiếm 8%). Đến tháng 5.2018, số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp đã tăng lên 1.573 người trong tổng số 3.415 người nghiện ma túy được quản lý (chiếm 46,1%). Theo đánh giá của cơ quan công an, hiện tại tỉnh ta có hơn 1.840 người nghiện chất dạng thuốc phiện được quản lý, vì vậy trừ người đi tù, đi cai nghiện tập trung thì số người tham gia điều trị methadone trên địa bàn tỉnh khoảng 1.100 người.
Nhân sự làm việc tại các cơ sở điều trị bằng methadone là kiêm nhiệm đối với cán bộ là bác sĩ, trưởng cơ sở, phụ trách dược, còn lại là hợp đồng. Giai đoạn 2010-2014, cơ sở điều trị bằng methadone được các dự án hỗ trợ, cán bộ làm việc tại cơ sở methadone được dự án chi trả lương, phụ cấp. Từ tháng 4.2014 đến nay, không được dự án hỗ trợ, UBND tỉnh cho phép thu phí từ bệnh nhân với mức 300.000 đồng/người/tháng để duy trì hoạt động thường xuyên. Đối với cơ sở có ít bệnh nhân và ngày càng có xu hướng giảm dần thì nguồn kinh phí chi trả cho cán bộ, nhân viên làm việc càng khó khăn, nên một số người đã bỏ việc. Nhiều người vẫn làm việc nhưng không thực sự yên tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, để việc triển khai điều trị methadone giai đoạn 2018-2020 có hiệu quả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành. Lực lượng công an cần phối hợp tư vấn, tuyên truyền để người sử dụng ma túy tự nguyện điều trị bằng methadone hay đi cai nghiện tập trung. Thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể để phân loại người nghiện, số người có mặt trên địa bàn, số người trong trung tâm cai nghiện, trong trại giam, để từ đó giao chỉ tiêu điều trị bằng methadone cho các địa phương thực hiện sát với thực tế. Xây dựng định mức, bố trí kinh phí hỗ trợ để bảo đảm thu nhập cho cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị bằng methadone ít bệnh nhân, thu không đủ chi.
HUYỀN TRANG