Việt Nam và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Thế giới - Ngày đăng : 08:02, 19/08/2018
Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gì trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? Ảnh: CNN
Chính quyền Donald Trump đến thời điểm hiện tại đã áp mức thuế 25% trực tiếp lên khoản hàng hóa trị giá 34 tỷ USD và dự kiến tiếp tục áp thuế lên 16 tỷ USD nhóm hàng khác nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 23.8 tới. Bắc Kinh cũng đã có những biện pháp trả đũa tương xứng.
Diễn biến thời gian qua cho thấy tất cả những động thái trên chỉ là sự khởi đầu. Nhà Trắng đang cân nhắc tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Không dừng lại tại đó, Donald Trump đe dọa đánh thuế với tất cả 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Washington thời điểm hiện tại cũng đã tạo ra những làn sóng xung đột thương mại mới với khối EU và thậm chí với một vài quốc gia đồng minh truyền thống.
Với chỉ số tăng trưởng bình quân cả 2 quý đầu năm 2018 đạt trên 7%, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức phát triển khả quan. Trong đó, xuất khẩu được coi là đòn bẩy giúp Việt Nam tăng trưởng trong thập kỷ qua. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ cao nhất khối ASEAN. Song, “cơn bão Mỹ-Trung” đang từng ngày kéo tụt nhu cầu tiêu dùng nội địa Mỹ, theo đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá cũng khiến các chi phí trung gian của nền kinh tế tăng lên.
Trong một báo cáo mới đây được Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến Hà Nội thâm hụt GDP ở mức khoảng 1.600 tỷ đồng năm 2018, con số này ở năm 2019 vào khoảng 5.105 tỷ đồng. Đỉnh điểm đến giai đoạn 2020-2021, GDP Việt Nam dự kiến thâm hụt vào khoảng 7.250-7.720 tỷ đồng. Trung tâm này dự đoán mức thâm hụt GDP sẽ chỉ giảm nhiệt vào năm 2022. Như vậy, trung bình giai đoạn 2018-2022, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến Việt Nam thâm hụt khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi năm.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy một thách thức lớn hơn mà Washington đang phải đối mặt nhằm đạt được những lợi ích khác nhau. Đó không chỉ đơn giản là những nước cờ mà Donald Trump bày ra nhằm giảm thâm hụt thương mại Mỹ, khôi phục sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp cường quốc này. Đó còn là mục tiêu mà Nhà Trắng đặt ra nhằm cô lập Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải từ bỏ hoạt động đánh cắp thông tin công nghệ và gian lận thương mại. Đặc biệt, cái bắt tay của Donald Trump và Vladimir Putin vừa qua như lời khẳng định cho chính sách “hòa Nga chống Trung” mà Nhà Trắng đang thực hiện.
Nhưng dù với mục tiêu nào, cuộc chiến thương mại này cũng đã và đang gây ra tác động không nhỏ tới những quốc gia bên lề, trong đó có Việt Nam.
Khu vực Thái Bình Dương có thể sẽ cân bằng quyền lực hơn nếu Washington tạo dựng một vị thế nhất định đối trọng với Bắc Kinh, suy yếu sức mạnh kinh tế độc quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ Việt Nam cần đánh giá đúng bản chất tình hình, một mặt thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả, mặt khác hạn chế tối đa tác động từ cuộc chiến của “hai kẻ khổng lồ” này.
Trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc đã mất dần lợi thế sản xuất khi dòng đầu tư chuyển dịch sang các nước láng giềng bởi vấn đề chi phí sản xuất. Các quốc gia Đông Nam Á với lợi thế nhân công giá rẻ đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất và xuất khẩu nhằm thu hút dòng vốn FDI. Tại Việt Nam, chi phí nhân công khu vực phía Bắc chỉ bằng một nửa so với “trung tâm sản xuất” tại Đông Nam Trung Quốc đã thu hút đáng kể nguồn đầu tư nước ngoài. Số liệu thống kê cho thấy kết quả thu hút vốn FDI nửa đầu năm 2018 của Việt Nam đã tăng gần 8,5% so với cùng kỳ 2017.
Mặt khác, Việt Nam đã ký kết CP-TPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), dự kiến sẽ được tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn trong năm nay. Đồng thời Hà Nội đang tiến tới ký kết hiệp định tự do thương mại quy mô lớn với EU. Theo giới phân tích, điều này có nghĩa là Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn với những công ty, tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường đầy tiềm năng châu Âu cũng như Thái Bình Dương.
Về tổng thể, chi phí cần bổ sung do thâm hụt từ thuế cộng với những biện pháp phòng vệ trước sức ép từ Mỹ và đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ gián tiếp đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang các nước láng giềng. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ làm gì để thu hút một cách có hiệu quả dòng vốn này?
HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)