Bảo tồn nhãn cổ Phố Hiến
Kinh tế - Ngày đăng : 09:44, 20/08/2018
Cây nhãn cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Thư, xã Hồng Nam (TP Hưng Yên)
Người trồng nhãn ở tỉnh Hưng Yên không chỉ giỏi lai tạo, chiết ghép ra các loại nhãn mang những đặc tính ưu việt về năng suất, chất lượng mà còn luôn có ý thức bảo tồn các cây nhãn cổ, nhãn gốc có chất lượng. Đây là những cây nhãn đầu dòng có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi mang các gien quý.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thư ở thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) hiện còn 3 cây nhãn cổ có tuổi thọ vài trăm tuổi gồm: 1 cây nhãn đường phèn, 1 cây nhãn đầu nước và 1 cây nhãn cùi. Trải qua thời gian, có cây đã bị mọt rỗng thân nhưng gia đình vẫn đang cố gắng chăm sóc, bảo vệ để giữ gìn cho con cháu đời sau nguồn giống nhãn quý. Những cây nhãn cổ này đã già cỗi nhưng do được chăm sóc tốt nên năm nào cũng ra quả. Ngay từ khi quả còn non khách hàng đã tới đặt mua cả cây với giá cao hơn giá bán trung bình của các cây nhãn khác trong tổng diện tích hơn 1 mẫu nhãn thâm canh của gia đình ông. Chỉ riêng cây nhãn đường phèn, năm 2017 gia đình ông đã bán được 9,5 triệu đồng tiền quả. Năm nay, cây nhãn đường phèn cho khoảng 70 kg quả, cây nhãn cùi cho khoảng 1,3 tạ quả với giá bán từ 40.000 – 50.000 đồng/kg.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lâm cùng ở xã Hồng Nam nổi tiếng bởi cây nhãn muộn cổ thụ. Cây nhãn thân to, tán rộng, quả có cùi dày, vị ngon, ngọt. Gia đình ông Lâm còn có 2 cây nhãn cổ thụ khác cũng đang được bảo tồn tốt trong vườn nhà. Ông Lâm chia sẻ: “Gia đình tôi hiện đang thâm canh khoảng 1 mẫu nhãn hàng hóa với nhiều giống khác nhau, trong đó các giống được chiết, ghép từ các cây nhãn cổ của gia đình chiếm khoảng 30%. Các cây nhãn được chiết, ghép cho chất lượng tương đối ổn định và được khách hàng tin dùng, thường tới đặt mua ngay từ đầu vụ. Tuy nhiên, những cây nhãn cổ do tuổi thọ cao, lại được trồng ở những nơi trũng thấp nên việc bảo tồn, chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Sản lượng nhãn quả cũng vì thế mà không ổn định, có xu hướng ngày càng giảm. Để lưu giữ lại nguồn gien quý của các cây nhãn này, gia đình tôi đang áp dụng các biện pháp chăm sóc đặc biệt cho cây, đồng thời chiết, ghép nhằm tạo ra các cây con mới mang đặc tính tốt từ cây mẹ”.
Ông Nguyễn Văn Lâm, xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) bên cây nhãn được nhân giống từ cây nhãn cổ của gia đình
Thực hiện dự án “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn của tỉnh giai đoạn 2012-2015”, năm 2013, Hưng Yên đã tiến hành bình tuyển và lựa chọn 20 cây nhãn đầu dòng thuộc 3 trà: sớm, trung, muộn. Những cây nhãn này đều có tuổi thọ cao, chất lượng quả tốt đang được các nhà vườn chăm sóc, bảo vệ. Bên cạnh các biện pháp chăm sóc nhằm duy trì năng suất, chất lượng của các cây nhãn đầu dòng, các chủ vườn cũng được khuyến khích thực hiện các biện pháp nhân giống để giữ giống. Ông Đào Ngọc Bách, một trong những gia đình có cây nhãn đầu dòng được bình tuyển, bảo tồn cho biết: “Ý thức được vai trò và tầm quan trọng của cây nhãn đầu dòng nên gia đình tôi luôn cố gắng bảo vệ, chăm sóc để cây nhãn sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời nhân giống các cây con để duy trì nguồn gien quý của cây. Nhưng do cây có tuổi thọ cao nên năng suất không ổn định, nguy cơ chết rất cao. Gia đình tôi mong muốn các nhà khoa học, ngành chức năng có biện pháp bảo tồn phù hợp để các giống nhãn quý, nhãn gốc của Hưng Yên không bị mai một”.
TP Hưng Yên là cội nguồn của loại đặc sản quý “nhãn lồng Hưng Yên” với cây nhãn tổ tại cụm di tích đình-chùa Hiến, phường Hồng Châu (TP Hưng Yên). Các cây nhãn quý còn được trồng tại nhiều di tích lịch sử, công trình công cộng của Phố Hiến xưa. Bên cạnh sự phát triển của các giống nhãn lai tạo, cấy ghép nhằm đem đến sự đa dạng về chủng loại, trà vụ và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả kinh tế thì những cây nhãn cổ, nhãn quý luôn được người dân giữ gìn, bảo vệ. Các cây nhãn cổ thụ với thân gốc xù xì, thậm chí đã bị mục rỗng nhưng vẫn kiên cường vươn tán là biểu tượng cho một miền đất nhãn đã phát triển từ lâu đời và sẽ ngày càng phát triển hơn nữa trong tương lai.
MAI NHUNG