Chống thâm hụt Quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 18:08, 20/08/2018

Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các cấp, các ngành liên quan đã có nhiều biện pháp quyết liệt để hạn chế đến mức thấp nhất thâm hụt Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Bộ phận giám sát, giám định chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội tỉnh góp phần quan trọng hạn chế việc lãng phí Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Vài năm lại đây, Quỹ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) của tỉnh Hải Dương rơi vào tình trạng thâm hụt ngày càng tăng. Trước thực trạng trên, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh và các cấp, các ngành liên quan đã có nhiều biện pháp quyết liệt để hạn chế đến mức thấp nhất thâm hụt Quỹ KCB BHYT.

"Liều thuốc" mạnh

Đầu năm 2018, BHXH tỉnh cùng Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh giao dự toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở. BHXH tỉnh kiện toàn, đổi mới công tác tổ chức, phân công cán bộ giám định. Đơn vị sắp xếp phòng giám định thành 6 bộ phận. Tháng 2.2018, BHXH tỉnh là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thành lập riêng bộ phận giám sát và giám định chi KCB BHYT với đầy đủ trang thiết bị, nhân lực. Tại BHXH các huyện, thị xã, thành phố, BHXH tỉnh bố trí thường trực từ 2 cán bộ trở lên để phối hợp với các cơ sở KCB BHYT tư vấn, giám sát đầu vào, quản lý bệnh nhân nội trú, giải quyết vướng mắc và thực hiện giám định chi KCB BHYT.

Ngành BHXH tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng Quỹ KCB BHYT nhằm minh bạch hóa thông tin. Qua công tác giám định bằng phần mềm đã giúp cơ quan BHXH loại bỏ hàng nghìn hồ sơ trùng lắp, phát hiện nhanh, đánh giá sớm để xác định các mục tiêu cần giải quyết trong giám định chuyên đề.

Ông Phạm Tuấn Anh, chuyên viên Phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh) cho biết hằng ngày, khi tổng hợp, phân tích, đánh giá dữ liệu chi của các cơ sở y tế KCB BHYT phát hiện thấy bất thường, hay vướng mắc, phòng báo cáo xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc BHXH tỉnh. Cơ sở y tế nào chi bất thường trong tháng, BHXH tỉnh nhắc nhở và yêu cầu điều chỉnh. Nếu các cơ sở liên tiếp có nhiều tháng chi bất thường, BHXH tỉnh sẽ dừng việc thanh toán các khoản này. Hiện nay, toàn bộ 313 cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh được liên thông dữ liệu và số hồ sơ chuyển đúng ngày đạt hơn 90% nên tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, giám định.

BHXH tỉnh đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế làm tốt việc đón tiếp, hướng dẫn người dân đến KCB, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian làm thủ tục. Các cơ sở y tế đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân sử dụng thẻ BHYT hiệu quả, đúng mục đích. Các cơ sở KCB giảm chuyển tuyến nếu không thật sự cấp thiết; chỉ định nội trú, ngoại trú phù hợp với tình trạng bệnh nhân; kiểm soát tốt việc chỉ định thuốc, kỹ thuật cận lâm sàng; đăng ký cán bộ ký giấy chuyển viện với cơ quan BHXH.

Bà Đặng Thị Phương, giám định viên BHYT (BHXH TP Hải Dương) tại Bệnh viên Đa khoa TP Hải Dương (Trung tâm Y tế TP Hải Dương) cho biết: "6 tháng đầu năm, bệnh viện không để xảy ra tình trạng vượt quỹ. Chúng tôi phối hợp với bệnh viện kiểm soát chi phí đầu vào, đầu ra. Tăng cường công tác giám sát việc bệnh nhân điều trị nội trú, hạn chế việc chẩn đoán bệnh, sử dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc thiếu hợp lý".  

Từ những giải pháp quyết liệt trên của BHXH tỉnh và Sở Y tế, việc sử dụng Quỹ KCB BHYT của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước kiềm chế thâm hụt quỹ. Theo số liệu tổng hợp của BHXH tỉnh, 6 tháng đầu năm 2018, tổng số chi KCB BHYT của tỉnh thâm hụt 52 tỷ đồng, giảm 51 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều địa phương không còn xảy ra tình trạng thâm hụt quỹ như TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, các huyện Kinh Môn, Tứ Kỳ... 

Khó kiểm soát chi đa tuyến ngoại tỉnh

Tuy tình hình thâm hụt Quỹ KCB BHYT của tỉnh có chuyển biến tích cực nhưng việc quản lý quỹ còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Đóa, Trưởng Phòng giám định BHYT (BHXH tỉnh) cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là việc quản lý chi đa tuyến ngoại tỉnh. Việc này ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng của tỉnh. Thời gian qua, số tiền chi cho đa tuyến ngoại tỉnh luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí KCB BHYT của tỉnh.

Theo ông Đóa, thời gian qua, nhiều cơ sở y tế thực hiện dự toán chi chưa tốt nên vẫn để xảy ra tình trạng vượt quỹ. Có biểu hiện chưa tiết kiệm nguồn kinh phí KCB BHYT trong việc chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc bổ trợ, thuốc giá cao, quản lý bệnh nhân nội trú chưa chặt chẽ, kéo dài thời gian điều trị nội trú và chưa kiểm soát tốt tốc độ gia tăng chi phí. Mặt khác, bệnh tật diễn biến ngày càng phức tạp dẫn đến tần suất KCB của người dân tăng lên. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ của các cơ sở y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu KCB của người dân nên dẫn đến chi đa tuyến nội tỉnh, nhất là ngoại tỉnh tăng. Giá dịch vụ tăng cao, kỹ thuật KCB cao được đưa vào sử dụng cho nhân dân cũng dẫn đến chi phí lớn...         

DANH TRUNG