Đại biểu đề xuất cho học sinh nghỉ thứ bảy
Chính trị - Ngày đăng : 14:18, 21/08/2018
Ngày 21.8, điều hành Hội nghị góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại TP Hồ Chí Minh, ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) đặt vấn đề "cân nhắc quy định các trường phổ thông không dạy vào thứ bảy".
Dự thảo sẽ được thảo luận ở kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5.2019. Hiện, cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nên ông Bình đề nghị cần nhìn giáo dục một cách toàn diện, nghĩ khác so với truyền thống.
Bà Ngô Thị Minh (Phó chủ nhiệm Ủy ban) cũng cho rằng cần xem xét các trường phổ thông nên hay không dạy học ngày cuối tuần, mục tiêu là giảm áp lực cho học sinh. Về chính sách với giáo viên, nhà nước cần nghiên cứu về định mức, số lượng giáo viên căn cứ trên tỷ lệ giáo viên trên học sinh và trên lớp, để có những đề xuất, sửa đổi phù hợp.
Bà Phan Thị Thu Hà đề xuất cho học sinh THCS, THPT được nghỉ thứ bảy |
Đồng tình với các ý kiến, bà Phan Thị Thu Hà (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp) đề nghị nên quy định học sinh không học thứ bảy. Thời gian học phổ thông hiện được tính theo tổng số tiết học hoặc theo tuần, tùy theo điều kiện của địa phương. Do đó, các tỉnh thành có thể sắp xếp sao cho đủ số giờ quy định mà học sinh được nghỉ thứ bảy.
Cũng theo bà Hà, để các trường nghỉ hẳn cuối tuần sẽ đồng bộ với công tác của Sở Giáo dục và phòng giáo dục cấp huyện. "Nhiều khi trường học có sự việc xảy ra trúng ngay thứ bảy, cần báo cáo cấp trên thì họ lại nghỉ. Ngày thứ bảy nghỉ cũng tạo cho giáo viên có nhiều thời gian làm công tác đoàn thể, soạn bài", bà Hà nói.
Quy định bậc THCS là bắt buộc
Dự thảo luật lần này đã mở rộng phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học và THCS. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là điểm tiến bộ đáng khích lệ, song cần nhấn mạnh sự bắt buộc trong quy định.
PGS Lê Quang Minh (nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần có tính cưỡng bách trách nhiệm trong việc phổ cập giáo dục, không đơn thuần sử dụng khái niệm "phổ cập" như dự thảo. Sự bắt buộc này sẽ tạo trách nhiệm không chỉ với người dân trong việc học, mà hơn hết là trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để mọi người đạt được trình độ tối thiểu theo quy định.
Ông Phan Thanh Bình cũng khẳng định, dự thảo luật cần làm rõ khái niệm phổ cập và bắt buộc phổ cập. Nên quy định giáo dục THCS là bắt buộc, giống như bậc tiểu học có tính chất này đã được nêu trong Hiến pháp.
"Bắt buộc thì Nhà nước phải lo, không đơn thuần là miễn học phí mà còn là việc tạo hệ thống đồng bộ đủ để thực hiện toàn diện cho mọi người", ông Bình nêu quan điểm.
Trong khi đó, bà Lê Thị Minh Châu (chuyên gia giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc) nói rằng, cần thiết bắt buộc phổ cập THCS bởi điều này tiệm cận với các quy định chung ở các nước tiên tiến. Chính phủ đã đồng ý miễn học phí THCS nên việc bắt buộc ở cấp học này có điều kiện thuận lợi để thực hiện. Chính sách này còn thể hiện cam kết của Nhà nước với người dân.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị |
Nói về những tiêu cực kỳ thi THPT quốc gia vừa qua tại một số tỉnh, nhiều đại biểu khẳng định "là nỗi đau" của người trong ngành, nhưng không vì thế mà tính đến phương án bỏ. Kỳ thi cần được duy trì, ai sai phạm thì xử lý nghiêm khắc, đồng thời cải tiến cho tốt và nghiêm túc hơn.
PGS Bùi Xuân Hải (Hiệu phó Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) đặt giả thiết bỏ kỳ thi THPT quốc gia, trả việc tổ chức thi tuyển sinh cho đại học, chưa chắc tình hình khá hơn. "Mấy trăm đại học, trường nào cũng ra đề, tổ chức theo cách riêng có khi tiêu cực còn khủng khiếp hơn", ông Hải nói.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu khác thảo luận quy định quản lý trường công - tư, việc phân luồng học sinh, chế độ cho giáo viên được điều chuyển lên làm quản lý, biên soạn sách giáo khoa.
Theo VnExpress