Nhà màng, nhà lưới phát triển nóng

Kinh tế - Ngày đăng : 12:05, 26/08/2018

Diện tích sản xuất nhà màng, nhà lưới ở tỉnh ta đang tăng chóng mặt. Việc phát triển ồ ạt không tính toán kỹ có thể dẫn tới thua lỗ...

Khó đưa máy móc vào sản xuất là một trong những nhược điểm của mô hình nhà màng, nhà lưới

Chi phí cao

Nếu như trồng rau màu thuận lợi, có đầu ra ổn định và bán với giá cao hơn gấp 3 lần so với trồng thông thường thì cũng phải mất hơn 4 năm nữa anh Nguyễn Tuấn Anh ở xã An Lâm (Nam Sách) mới có thể thu hồi vốn đầu tư xây dựng 3.000 m2 nhà màng. Đó là còn chưa kể đến tiền lãi vay vốn, tiền khấu hao và thuê nhân công. Trường hợp một trong các khâu không suôn sẻ như dự tính thì thời gian hòa vốn còn kéo dài hơn, thậm chí có thể phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Theo anh Tuấn Anh, nhà màng, nhà lưới giúp khắc phục được nhiều yếu tố bất lợi trong sản xuất, nhất là khi biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp. Song nếu chỉ để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết đối với cây trồng mà áp dụng mô hình này thì sẽ rất tốn kém. Anh Tuấn Anh cho biết: “Sau khi dựng xong nhà màng, lứa đầu tiên tôi trồng các loại rau như cải ngọt, mồng tơi, rau muống... Nhờ có nhà màng bảo vệ mà cây trồng phát triển nhanh, cho năng suất, chất lượng cao. Nhưng khi tính toán kỹ thì cách làm này chưa thật sự hiệu quả. Vì vậy, lứa sau tôi phải chuyển sang trồng dưa lưới và tính hướng đi khác”.

Sau khi thử nghiệm làm 500 m2 nhà màng, anh Đào Đình Cây ở TP Hải Dương vẫn còn nhiều băn khoăn chưa thể đưa ra quyết định có nên mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới hay không. So sánh với sản xuất thông thường, gieo trồng trong nhà màng, nhà lưới rất thuận lợi, nhưng nếu như không tìm được đầu ra phù hợp thì lợi nhuận thu về không cao. Anh Cây cho rằng với số tiền 150 triệu đồng bỏ ra làm nhà màng, anh có thể thuê thêm đất, mở rộng sản xuất. Lượng nông sản làm ra nhiều hơn, giá thành thấp đi. Ai cũng mong muốn sản xuất nông sản chất lượng để bán được với giá cao. Nhưng với nhu cầu của thị trường hiện tại thì việc tiêu thụ các mặt hàng này vẫn còn khó khăn. "Vì vậy, nhà màng, nhà lưới mới là điều kiện cần còn điều kiện quyết định để bảo đảm sản xuất theo mô hình này đạt hiệu quả cao phải phụ thuộc vào chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ", anh Cây phân tích.

Không lạm dụng

Diện tích sản xuất trong nhà màng, nhà lưới của tỉnh ngày càng tăng cao

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có hơn 200.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Nhiều mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới cho giá trị kinh tế cao nên người dân có cơ sở để tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng này. Do đó năm 2018, nhu cầu làm nhà màng, nhà lưới của nông dân trong tỉnh tăng gấp 3 lần so với năm 2017 với diện tích 378.574 m2. Đây là tín hiệu khả quan của ngành nông nghiệp khi người dân chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để khuyến khích nông dân hướng tới sản xuất hiện đại, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ với mức 50.000 đồng/m2 nhà lưới và 100.000 đồng/m2 nhà màng.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhà màng, nhà lưới là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Song chỉ nên sử dụng khi cần thiết chứ không nên lạm dụng. Ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại, người dân chỉ dùng nhà màng, nhà lưới để ươm cây giống, gieo trồng các loại cây mẫn cảm với thời tiết hoặc sản xuất trái vụ. Điều kiện sản xuất ở tỉnh ta không quá khắc nghiệt để áp dụng rộng rãi mô hình này. Nếu quá chú trọng đầu tư vào hạ tầng thì mức độ rủi ro, tổn thất sẽ lớn.

Thực tế cho thấy một số mô hình nhà màng, nhà lưới trong tỉnh vẫn đang loay hoay để tìm hướng đi phù hợp, trong khi đó chi phí đầu tư cho việc xây dựng nhà màng, nhà lưới rất lớn. Vì vậy, cần phải có định hướng, kế hoạch phát triển cụ thể để tránh lãng phí, tốn kém. Chính quyền và cơ quan chuyên môn không thể đứng ngoài cuộc để nông dân phát triển nhà màng, nhà lưới một cách tự phát. Phải định hướng, tư vấn cho người dân trên tinh thần khuyến khích phát triển nhưng không thực hiện bằng mọi giá mà phải phù hợp với điều kiện sản xuất. Có như vậy, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới mới thật sự cho hiệu quả bền vững, lâu dài.
Đối với nền nông nghiệp nhiệt đới thì sản xuất trong nhà màng, nhà lưới chưa phải là phương án tối ưu. Nhà màng, nhà lưới giúp cây trồng tránh được tác động của thời tiết nhưng nếu không kiểm soát tốt sẽ trở thành nơi ủ mầm bệnh. Việc đưa máy móc vào sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, vào mùa mưa bão, mô hình này cũng tiềm ẩn mối lo mất an toàn. Do vậy, nông dân cần phải có kỹ thuật thâm canh tốt để nhà màng, nhà lưới không phản tác dụng.

DŨNG CƯỜNG