Nam Sách khơi dậy sân khấu không chuyên
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:40, 01/09/2018
Vở diễn “Quả báo nhãn tiền” của đội chèo xã Nam Hưng giành giải A tại Hội diễn sân khấu không chuyên huyện Nam Sách năm 2018
Chèo là mũi nhọn
Nghệ thuật chèo là lợi thế của huyện Nam Sách giúp phong trào SKKC ở đây phát triển mạnh mẽ. Có thể thấy rõ điều đó qua Hội diễn SKKC năm nay của huyện. Đó là ngày hội của gần 400 nhạc công, diễn viên đến từ 19 xã, thị trấn với các vở diễn, hoạt cảnh chèo phản ánh thực tế đời sống địa phương, phong trào xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, phòng chống tệ nạn xã hội…
Bà Lê Thị Xuân, một diễn viên của đội văn nghệ xã Hợp Tiến chia sẻ: "Hội diễn năm nay có nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn, có giá trị giáo dục sâu sắc, thu hút đông đảo khán giả tới xem và cổ vũ. Đội chúng tôi mang đến hội diễn vở chèo "Chuyện tình người lính biển" do đội tự biên, tự diễn với sự tham gia của hơn 20 diễn viên, nhạc công".
Theo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện Nam Sách, hiện tất cả 19 xã, thị trấn trong huyện đều có đội văn nghệ, chủ yếu là đội chèo. Trong đó có những đội chèo có bề dày truyền thống, từng đi biểu diễn phục vụ nhiều địa phương trong và ngoài huyện. Ngoài ra rất nhiều thôn, khu dân cư cũng có các đội văn nghệ, đội chèo hoạt động sôi nổi. Các diễn viên, nhạc công của các đội chèo, đội văn nghệ này đến với sân khấu bởi niềm đam mê nghệ thuật. Họ chính là nòng cốt giúp phong trào SKKC ở Nam Sách nở rộ.
Đội chèo xã Nam Hưng được thành lập năm 1965. Ngoài phục vụ nhân dân trong xã, đội còn biểu diễn ở các địa phương lân cận. 53 năm qua, đội đã dàn dựng được trên 40 vở chèo, trong đó nhiều vở được đại diện cho tỉnh tham gia Hội diễn SKKC toàn quốc và giành giải nhất như “Lọ bạc”, “Nửa đêm về sáng”, “Tham thì thâm”... Đội cũng đã hàng chục lần đoạt giải A Hội diễn SKKC cấp huyện, cấp tỉnh. Đội chèo xã Hợp Tiến được thành lập hơn 30 năm nay. Hiện đội có gần 20 diễn viên, nhạc công hoạt động thường xuyên. Các vở diễn do đội dàn dựng nhiều năm qua đều giành các giải cao trong các kỳ hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2017, vở diễn "Giàu giả nghèo thật" do đội dàn dựng đã được chọn đại diện cho huyện Nam Sách tham gia hội diễn cấp tỉnh và giành giải cao.
SKKC Nam Sách còn nổi bật với sự xuất hiện của đội ngũ đạo diễn, tác giả viết kịch bản không chuyên trưởng thành từ sự lớn mạnh của phong trào như Tống Ngọc Ban, Trần Thế Trình, Bá Đề... Đội ngũ này đã tạo ra các tác phẩm bám sát đời sống các địa phương. Kịch bản do các tác giả này sáng tác cũng ngày càng nâng cao về chất lượng. Tại Hội diễn SKKC cấp huyện vừa qua, giải kịch bản hay nhất được trao cho vở diễn “Kỷ vật hình vầng trăng” của tác giả Trần Thế Trình (xã An Bình).
Các vở diễn, hoạt cảnh được các đội dàn dựng đã trở thành món ăn tinh thần bổ ích đối với nhân dân trong các dịp lễ, Tết. Điển hình như vở chèo “Mở đường” tuyên truyền cho phong trào xây dựng nông thôn mới lần lượt biểu diễn ở 19 xã, thị trấn trong huyện, thu hút một lượng lớn khán giả đến xem, cổ vũ. Thông qua vở diễn, người dân hiểu và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần chung sức cho phong trào đạt kết quả cao. Sau Hội diễn SKKC cấp huyện vừa qua, 19 vở diễn, hoạt cảnh chèo của các đội tham dự được biểu diễn tại cơ sở chào mừng 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.
Quan tâm thỏa đáng
SKKC Nam Sách phát triển là nhờ sự quan tâm thỏa đáng của huyện trong việc giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Ông Mạc Quốc Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện Nam Sách cho biết: Hằng năm, trung tâm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cung cấp kiến thức nghệ thuật, xây dựng kịch bản, đề cương để các câu lạc bộ, đội văn nghệ cơ sở hoạt động. Năm 2017, huyện đã bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghệ thuật hát chèo cho hơn 50 diễn viên, nhạc công là nòng cốt của các đội văn nghệ cơ sở. Huyện coi trọng bồi dưỡng, kết nạp những thành viên trẻ tuổi, gây dựng đội ngũ kế cận từ các nhà trường. Trung tâm phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tỉnh, các nhà trường trên địa bàn huyện mở các lớp sân khấu học đường nhằm hình thành trong các em tình yêu với sân khấu truyền thống. Tháng 7 vừa qua, trung tâm đã tổ chức lớp sân khấu học đường bồi dưỡng kiến thức hát chèo và các làn điệu dân ca cho 30 học sinh ở xã An Bình.
Để khích lệ phong trào và tạo sân chơi cho sân khấu không chuyên, 2 năm một lần, huyện tổ chức hội diễn SKKC hoặc liên hoan văn hóa, văn nghệ các làng, khu dân cư văn hóa. Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức thi sáng tác kịch bản sân khấu chèo để tạo nguồn tác phẩm cho các đội chèo, đội văn nghệ ở cơ sở dàn dựng. Mở lớp bồi dưỡng viết kịch bản, kỹ năng đạo diễn cho các tác giả là người địa phương để nâng cao chất lượng vở diễn…
NGỌC HÙNG