Nhờ cách mạng, người nông dân thoát cảnh lầm than

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:00, 02/09/2018

Những chính sách hợp lòng dân của chính quyền cách mạng non trẻ đã tạo được niềm tin lớn trong lòng những người nông dân.

Vợ chồng ông Trần Đình Kế (80 tuổi) ở thôn Phùng Xá, xã Vạn Phúc (Ninh Giang) xúc động mỗi khi xem lại những hình ảnh của một thời gian khổ

Những tháng ngày đằng đẵng chịu xiềng xích, áp bức của phong kiến, thực dân, người nông dân luôn phải chịu nỗi khốn khổ đến cùng cực, không được làm chủ ruộng đất... Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giúp họ có quyền làm chủ cuộc đời của mình.

Sống cùng cực

Trải qua hàng nghìn năm sống trong chế độ phong kiến, gần 100 năm chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, người nông dân phải sống trong cảnh đời cơ cực với nền nông nghiệp lạc hậu cùng hình thức bóc lột địa tô, sưu cao thuế nặng. Không được làm chủ ruộng đất, phải đi làm thuê, làm mướn, chịu sự bóc lột "một cổ, hai tròng" khiến họ luôn trong cảnh đói nghèo.

Nhớ về những ngày tháng ấy, ông Nguyễn Khắc Huy (96 tuổi) ở thôn Phùng Xá, xã Vạn Phúc (Ninh Giang) không giấu nổi xúc động. Đầu năm 1945, ông mới 23 tuổi, gia đình có 9 anh em. Nhà chỉ có mấy sào ruộng cấy một vụ nên chưa có bữa nào được ăn no, cuộc sống khốn khổ vô cùng. Ký ức ấy hằn sâu trong ông. Hằng ngày, anh em ông phải đi làm thuê cho địa chủ nhưng không được trả công mà chỉ được nuôi ăn. Lúa cấy được bao nhiêu lại phải lo đóng tô, đóng thuế. Anh em ông phải đi mò cua, bắt ốc kiếm thêm miếng ăn cho gia đình.

Đầu năm 1945, nạn đói diễn ra khắp nơi khiến cuộc sống nơi đây nhuốm một màu chết chóc. Đi đâu cũng thấy cảnh người chết la liệt. Người sống thì quằn quại chỉ còn da bọc xương.Năm nay đã 96 tuổi nhưng ông Tăng Bảo Thiết ở thôn Tú La, xã Kim Giang (Cẩm Giàng) không bao giờ quên ký ức đau thương về những ngày khốn khổ ấy. Không có ruộng, 9 người trong gia đình ông cũng giống như hầu hết các hộ bần nông ở đây đều phải đi làm thuê để có cái ăn sống qua ngày. Trong nạn đói năm 1945, bố và 5 anh chị em của ông cũng không thể qua khỏi bởi đói và rét. Khi ấy, ông hơn 20 tuổi, phải đi ở thuê cho địa chủ. "Nói là làm thuê nhưng làm gì được trả công. Mỗi ngày, họ cho chúng tôi ăn hai bữa mà chẳng đủ no. Việc thì làm quần quật cả ngày. Cuộc sống cùng cực và bế tắc", ông Thiết nhớ lại.

Bừng sáng tương lai

Sau khi đất nước giành được độc lập, Chính phủ đã tịch thu một số diện tích ruộng đất của địa chủ để giao cho nông dân canh tác. Người nông dân được sử dụng ruộng đất với vị thế khác hẳn trước kia. Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để giữ vững nền độc lập dân tộc. Vấn đề ruộng đất được Đảng đề ra thành một hệ thống chính sách và từng bước giải quyết ruộng đất cho nông dân, tịch thu ruộng đất của thực dân, địa chủ để chia cho nông dân canh tác.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu "Tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa, đó là khẩu lệnh của chúng ta ngày nay, đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập", Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã mở cuộc vận động tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu lệnh "Không để một tấc đất bỏ hoang", "Tất đất, tấc vàng"; vận động nhân dân cấy tái giá và trồng rau màu ngắn ngày nhằm khắc phục nạn đói.

Ông Thiết nhớ lại: "Cuộc vận động đã trở thành một phong trào rộng lớn thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó chủ yếu là nông dân. Chúng tôi không sợ khổ, không sợ khó, ra sức vỡ đất, đắp đường phát triển diện tích trồng màu, khai hoang biến những cánh đồng ngập úng thành ruộng cấy".

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương, năm 1946, nhiều diện tích trồng lúa trong tỉnh đã sản xuất được 2 vụ. Vụ lúa chiêm cấy được 160.000 mẫu, thu hoạch 73.000 tấn thóc; đến vụ mùa cấy được 201.000 mẫu, thu hơn 131.000 tấn thóc. Người dân còn trồng được nhiều cây hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày như khoai lang, ngô, lạc, đỗ, vừng... Số lượng gia súc, gia cầm dần phát triển, toàn tỉnh có 54.000 con trâu, 5.600 con bò...

Ông Huy cho biết: "Đi đôi với tăng gia sản xuất, cuộc vận động cứu đói cũng được triển khai rộng khắp. Thời ấy, các nơi đã tổ chức phong trào quyên góp như "Hũ gạo cứu đói", "Ngày đồng tâm" để động viên tinh thần đùm bọc, đoàn kết trong nhân dân. Người dân tự nguyện nhịn bữa, bớt ăn, san sẻ lúa gạo, hoa màu cho nhau".

Những chính sách hợp lòng dân của chính quyền cách mạng non trẻ đã tạo được niềm tin lớn trong lòng những người nông dân. Từ đó họ tin tưởng và hết lòng, hết sức đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước.

     ĐỨC TÂM