Văn hóa mời rượu
Xã hội - Ngày đăng : 14:28, 02/09/2018
Tôi vừa có chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung. Trước chuyến đi, tôi không khỏi lo lắng vì tửu lượng của tôi vốn rất hạn chế, "trình độ" rượu bia kém cỏi khiến tôi luôn thiếu tự tin trong những cuộc giao lưu, gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp. Nhưng một người bạn đi cùng đã động viên tôi cứ yên tâm bởi văn hóa rượu bia ở miền Trung rất khác với miền Bắc. Họ chỉ mời chứ không ép và uống theo kiểu lai rai chứ không "đánh nốc ao" như ở miền Bắc. Và quả thực như vậy, cách mời ăn, mời uống của các bạn đồng nghiệp ở miền Trung đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Nó cho thấy sự điềm đạm, chân tình trong giao tiếp của các bạn nhưng vẫn rất nhiệt tình chứ không hề tạo cảm giác xa cách giữa đôi bên.
Điều này khác hẳn với văn hóa tiếp khách ở các tỉnh phía Bắc. Ở phía Bắc, mỗi khi cơ quan có các đoàn khách tới tham quan, học tập kinh nghiệm, giao lưu thì trong những bữa cơm thết đãi không thể thiếu màn chào hỏi bằng rượu bia. Những người được cử đi tiếp khách ngoài thuộc thành phần chủ chốt trong cơ quan thì còn phải có tửu lượng tốt và sẵn sàng trở thành "bia đỡ đạn" cho các sếp. Người nào được cử đi tiếp khách mà có vẻ không nhiệt tình mời rượu, mời bia thì rất dễ bị đánh giá này nọ. Không chỉ khi khách đến chơi mà cả khi được cử đi công tác, giao lưu tại các tỉnh bạn cũng vậy, việc uống rượu bia đã là một phần không thể thiếu trong tiếp đãi ngoại giao. Những người được cử đi tiếp khách hoặc đi giao lưu nhiều khi chẳng sung sướng gì.
Ở nhiều nơi, việc mời rượu, mời bia không chỉ dừng ở sự xã giao lịch thiệp mà đã bị biến tướng thành sự ép uổng lẫn nhau làm cho người trong cuộc đôi khi rất khó xử. Một số người cho rằng việc từ chối lời mời của người khác là kém nhiệt tình, là chưa hết mình với nhau nên bằng mọi cách để "quây" cho bằng được. Có nhiều kiểu để ép uống như kiểu uống "Cao Bằng-Bắc Kạn" (nghĩa là rót phải bằng miệng ly, uống phải một hơi cạn); rồi thì "chiếc nón kỳ diệu" (những chiếc bàn ăn có thể xoay được biến thành trò chơi, chén rượu để trên bàn, xoay tới chỗ ai người đó phải cạn)... Đặc biệt là nếu có dịp công tác lên các tỉnh miền núi phía Bắc thì những trận rượu càng đáng sợ. Có nơi không chỉ ép khách uống trong bàn nhậu mà còn bắt khách "mua vé" lên xe... bằng rượu. Nghĩa là lúc chia tay chủ nhà đứng canh ở cửa lên xuống xe, mỗi người phải uống một hoặc vài ly rượu mới được lên xe ra về. Và đã có những bài nhạc chế về mời rượu như: "...tuy rằng là chai hết rượu nhưng vẫn còn là còn trong can...", "tuy rằng là can hết rượu nhưng vẫn còn là còn trong dân...". Có nghĩa là kiểu gì người được mời cũng không có cách nào để chối từ.
Đáng nói là hậu các cuộc nhậu, nhiều người say bí tỉ, nôn thốc nôn tháo, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, hình ảnh cá nhân. Nhiều cuộc vui thành ra mất vui khi một trong những người có mặt trong cuộc nhậu sau đó đã chẳng thể lành lặn trở về vì những vụ tai nạn giao thông. Về lâu dài, rượu bia còn để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe con người, rồi bệnh tật phát sinh...
Chúng ta vẫn thường có các đoàn đi giao lưu học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn. Thiết nghĩ ngoài việc trao đổi, học tập kinh nghiệm về mặt chuyên môn thì cũng cần học tập có chọn lọc văn hóa tiếp khách của các tỉnh, làm sao để bạn bè phương xa luôn thấy ấm áp, chân tình chứ không phải là cảm giác sợ hãi hay ngại ngùng vì những hình ảnh không đẹp khi quá chén.
KIM THANH