'Lời thề thứ 9' - vở kịch gửi gắm thông điệp về tình quân dân
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 18:27, 02/09/2018
Tối 1.9, Nhà hát Tuổi trẻ tái diễn vở kịch Lời thề thứ 9 của tác giả Lưu Quang Vũ. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày cố tác giả qua đời. Từ đầu giờ chiều, vé xem kịch hết sạch. Nhiều khán giả tiếc nuối do không đặt chỗ từ trước. Buổi tối, gần 500 chỗ ngồi chật kín. Đa số người xem thuộc lứa tuổi trung niên. Một vài người chia sẻ họ từng xem vở kịch từ năm 2014 nhưng có nhu cầu thưởng thức lại.
Lời thề thứ 9 mở đầu với một hoạt cảnh dở khóc dở cười. Trong lúc đi làm nhiệm vụ, hai anh lính trẻ Đôn, Xuyên tình cờ bắt gặp một ông trung niên béo béo, trắng trắng mà họ nghi là buôn lậu. Hai người hò nhau cướp vali của ông ta. Về đến đơn vị, họ phát hiện ra vị trung niên kia chính là bố của Hiến - thành viên còn lại trong bộ ba người bạn. Bố của Hiến là chủ tịch tỉnh đương nhiệm, cựu sư đoàn trưởng đơn vị của họ. Ông đang trên đường đến thăm con trai. Đôn, Xuyên bị lãnh đạo quyết định kỷ luật. Không muốn bỏ rơi hai bạn, Hiến rủ hai người còn lại bỏ trốn.
NSƯT Đức Khuê (trái) vào vai chủ tịch tỉnh Hà |
Trong lúc đó, ở quê nhà, bố Xuyên bị chủ tịch xã Quách Văn Tuần ức hiếp, vu khống và bắt giam. Bộ ba chiến sĩ quyết định tự thực thi công lý, bắt Quách Văn Tuần, ép ông ta thả bố Xuyên. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi sư đoàn phái người về bắt giữ ba chiến sĩ vì vi phạm kỷ luật. Lúc này, bố Hiến - ông Hà - ân hận vì đã thờ ơ khi con trai cầu cứu ông giúp đỡ bố Xuyên. Ông hối lỗi vì trong thời gian làm chủ tịch xã đã lơ là, quan liêu, để cấp dưới lộng hành, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Vở kịch có nhiều lớp lang, tái hiện sinh động từ cuộc sống quân ngũ đến bối cảnh nông thôn Việt Nam thời kỳ những năm 1980. Tác phẩm đặt ra vấn đề về mối quan hệ quân dân. Khi ông Hà chê trách "dân hỏng" khiến "lính hỏng", bà Hoài - mẹ Xuyên ngậm ngùi phân trần: "Dân không hỏng, chỉ khổ thôi".
Qua hình ảnh bộ ba anh lính trẻ Đôn, Xuyên, Hiến, Lưu Quang Vũ cũng đặt ra câu hỏi về sự kết nối giữa lý tưởng của người lính và thực trạng đất nước. Đôn, Xuyên, Hiến chiến đấu quên mình trên chiến trường. Thế nhưng, những tiêu cực ở địa phương đã khiến họ nhụt chí, băn khoăn rằng những điều mình đang bảo vệ có thực sự xứng đáng. Tác phẩm cũng đả kích thói bảo thủ, nguyên tắc của một số lãnh đạo. Họ áp dụng kỷ luật trong mọi việc, chấn chỉnh từng lời ăn tiếng nói của cấp dưới nhưng lại không có sự thấu hiểu, tinh tế.
Nhân vật ông Hà do NSƯT Đức Khuê thể hiện mang tính phản biện xã hội sâu sắc. Ông ta không phải người xấu, thế nhưng, vì quá bận bịu, ông không bao quát, chăm lo đời sống nhân dân, từ đó nảy sinh quan liêu. Cuối vở, ông Hà thốt lên: "Không biết là tôi đã quá tự tin hay là bởi trái tim tôi đã nguội". Câu nói ấy gói gọn thông điệp của nhân vật. Ông Hà tự tin bởi từng là sư đoàn trưởng. Ông cho rằng việc lãnh đạo người dân cũng tương tự như chỉ huy một đội quân. Sự tự tin thái quá khiến ông xa rời người dân, thờ ơ, vô cảm với những vấn đề của họ. Ông tự thấy trái tim đã chai sạn, hờ hững với cả những điều thiêng liêng mà ông từng quyết đổ máu để bảo vệ.
NSND Lê Khanh đóng bà Hoài trong "Lời thề thứ 9" |
Điểm sáng của vở kịch là diễn xuất của NSND Lê Khanh, trong vai bà Hoài - mẹ của Xuyên. Dù tuổi cao sức yếu, bà ngày ngày lặn lội lên tỉnh xuống huyện kêu oan cho chồng. Nhân vật gây xúc động bởi giọng nói đanh thép, nhiều câu thoại chí lý. Khi Chu Thị Mỡi thách thức bà Hoài lên giời để kiện, bà phản kháng: "Nếu như lên được. Khốn nỗi không có giời. Ngày xưa còn đổ cho giời được, bây giờ biết là chỉ còn có người thôi. Chứ nếu có giời, thì tôi cũng lên. Hoặc nhờ bác Phạm Tuân bác ấy cầm đơn lên gửi giời hộ". Khi chứng kiến hoạt cảnh này, tất cả khán giả trong khán phòng lặng đi vì xúc động.
Là vở kịch chính luận có tính phản biện xã hội sâu sắc, Lời thề thứ 9 khiến khán giả dễ tiếp nhận qua nhiều phân đoạn gây cười ý nhị. Hình ảnh chánh văn phòng tỉnh Chu Thị Mỡi cong cớn, hạch sách người dân hay chủ tịch xã Quách Văn Tuần hèn nhát, tham sống sợ chết hiện lên lố bịch, thuyết phục được khán giả.
Tác phẩm sử dụng bản nhạc Thuyền và biển do Phan Huỳnh Điểu phổ từ thơ Xuân Quỳnh trong phân cảnh Oanh nhớ Hiến khiến người xem thổn thức. Vở kịch cũng lồng ghép nhiều ca khúc nhạc xưa Thành phố buồn, gợi không khí tĩnh lặng của xã hội thời kỳ trước Đổi mới.
Lời thề thứ 9 được Lưu Quang Vũ sáng tác năm 1986. Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu năm 1988, với thế hệ diễn viên như NSƯT Đức Trung, Chí Trung, Anh Tú, dưới sự dàn dựng của đạo diễn Xuân Huyền. Năm 2012, tác phẩm được phục dựng. Tác phẩm nhiều lần được diễn lại trong những dịp đặc biệt.
HÀ THU (VnExpress)