Tạo điểm tựa cho kinh tế tư nhân
Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 03/09/2018
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sát sao hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển thăm gian hàng tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương năm 2018. Ảnh: Thành Chung
Chưa bao giờ kinh tế tư nhân (KTTN) lại khẳng định được vị thế quan trọng như thời điểm hiện tại. Sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) “Về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã khẳng định thêm vai trò của khu vực kinh tế này.
Xóa rào cản
Chỉ trong một buổi sáng của ngày thứ bảy gần đây, Cục Thuế tỉnh đã tiếp gần 100 doanh nghiệp (DN) đến làm việc. Các cán bộ của Cục Thuế tỉnh đã trực tiếp giải quyết những vướng mắc của DN. Làm việc ngày thứ bảy là một trong những hành động thiết thực của ngành thuế nhằm hỗ trợ DN, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Theo nhận xét của ông Phạm Tiến Đạt, đại diện Công ty TNHH Tiến Đạt (TP Hải Dương), cách làm này của Cục Thuế tỉnh giúp DN giải quyết kịp thời vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách thuế.
Khẳng định "chìa khóa" tăng trưởng kinh tế của tỉnh nằm nhiều ở khu vực KTTN nên thời gian qua chính quyền các cấp cũng như các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong chỉ đạo, điều hành, từng bước khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện tốt nhất cho DN tư nhân (DNTN) phát triển. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết làm khó các DN được loại bỏ. Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính xuống còn từ 3-10 ngày đối với các lĩnh vực điện, kinh doanh khí, an toàn thực phẩm; bỏ nhiều thủ tục liên quan đến lĩnh vực khuyến mãi và hội chợ. Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Các DNTN, nhất là các DN mới thành lập còn khá bỡ ngỡ khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực mình sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc gỡ bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết sẽ giúp DN bớt một phần khó khăn, phát triển thuận lợi hơn”.
“Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng” là quan điểm chỉ đạo được nêu tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực đổi mới để thực hiện mục tiêu trên. Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định: “DN cần cơ quan công quyền chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang đồng hành, hỗ trợ DN”. Theo ông Đoan, việc mà các cấp chính quyền trong tỉnh cần làm sớm là xây dựng trung tâm hành chính công như mô hình một số tỉnh đã làm khá hiệu quả. Đồng thời thực hiện các chính sách giúp DN tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn vay, đất đai, mở rộng thị trường…
Chặt kỷ cương
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Sự khác biệt ở Nghị quyết 19 là tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy công quyền để hỗ trợ DN phát triển. Nếu như trước đây, nhiều sở, ban, ngành và địa phương còn thụ động trong cải thiện môi trường đầu tư thì nay sẽ phải chủ động hơn, luôn sẵn sàng đổi mới để giúp DN phát triển. Bởi nhiệm vụ trợ giúp DN đã được giao cụ thể cho người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị.
Ông Nguyễn Thế Du, đại diện một DN chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang) nói: “Làm hồ sơ thành lập DN mà cứ vài hôm lại bị cơ quan chức năng gọi lên chỉ để sửa vài từ, bỏ đi vài dấu chấm, dấu phẩy thì thật không nên. Đây chỉ là cái cớ để một số cán bộ vòi vĩnh, làm khó DN. Nếu siết chặt kỷ luật, thì cái mà nhiều người gọi là tham nhũng gầm bàn ở cơ quan công quyền sẽ được hạn chế”.
Theo đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm vụ đến năm 2020 Hải Dương phải có từ 20.000 - 22.000 DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không khó để thực hiện nếu chính quyền biết khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện cho DN phát triển. Các cấp chính quyền phải hành động để chính sách không chỉ nằm trên giấy, để những quyết tâm không chỉ là những hô hào tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo... Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định để làm được điều này trước hết phải gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị với nhiệm vụ phát triển DN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Người đứng đầu phải thực sự hành động, gương mẫu và có trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ DN.
5 giải pháp trọng tâm để phát triển DNTN, cải thiện môi trường đầu tư đã được nêu rõ trong kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua. Theo đó, để tăng nhanh số lượng DNTN trước hết cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN. Bởi đây mới là gốc của DNTN. Cùng với việc phát triển số lượng, hiệu quả hoạt động của DNTN cũng cần được quan tâm. Ngoài tạo điều kiện về sản xuất, Hải Dương nên sớm có trung tâm xúc tiến đầu tư hỗ trợ DN, giúp DNTN vươn tầm quốc tế. Trong chính sách thu hút đầu tư nên đối xử công bằng giữa DNTN và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính quyền phải thực sự là điểm tựa vững chắc và là "bà đỡ" mát tay để cộng đồng DNTN của Hải Dương không ngừng lớn mạnh.
LAN ANH - THÀNH LONG
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 DNTN. Song theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì DNTN Hải Dương chưa mạnh. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cũng như các địa phương để DNTN của tỉnh tăng nhanh về số lượng và bảo đảm chất lượng. |