Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới bao phủ toàn dân
Tin tức - Ngày đăng : 09:52, 07/09/2018
Hỏi: Quan điểm chỉ đạo về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là gì? Mục tiêu của chính sách này?
Trả lời: Quan điểm chỉ đạo về chính sách BHXH:
- BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
- Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.
- Cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.
- Phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH.
- Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Mục tiêu tổng quát của chính sách BHXH:
- Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
- Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
- Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%.
- Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.
- Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
(Theo Tài liệu hỏi - đáp về các văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Tuyên giáo Trung ương)