Rước bệnh vì thói quen xấu

Xã hội - Ngày đăng : 15:13, 08/09/2018

Một trong những nguyên nhân làm sức khỏe giảm sút, rước bệnh vào người chính là những thói quen xấu trong chế độ ăn uống hằng ngày.


Ông Phí Thành H. không thay đổi thói quen xấu trong ăn uống nên tình trạng bệnh ngày càng nặng 

Bệnh vào từ miệng

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, anh Nguyễn Văn T. (45 tuổi, ở xã Tân Trường, Cẩm Giàng) bắt đầu có thói quen uống rượu. Lượng rượu anh uống ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày anh uống khoảng nửa lít rượu. Vài tháng gần đây, anh T. thường có cảm giác bất an, lo lắng, thỉnh thoảng lại xuất hiện ảo giác, nhiều khi như nghe thấy có tiếng nói vang lên trong đầu, chân tay run khó kiểm soát, liên tục nói nhảm, hay cáu gắt, bức xúc vô cớ. Gia đình lo lắng đưa anh đến Bệnh viện Tâm thần Hải Dương khám. Bác sĩ kết luận anh T. bị loạn thần do uống nhiều rượu.

Theo bác sĩ Ngô Lê Phong, Trưởng Khoa 2 (Bệnh viện Tâm thần Hải Dương), trung bình mỗi ngày khoa điều trị cho khoảng 70-80 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh do lạm dụng rượu bia. Theo thống kê của bệnh viện, năm 2017 số bệnh nhân bị rối loạn tâm lý, loạn thần do rượu bia chiếm khoảng 18% trong tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại đây. Việc lạm dụng rượu bia gây ra rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe như ảnh hưởng đến hệ thần kinh, rối loạn tâm thần, tiêu hóa… Điều đáng nói là bệnh nhân thường chỉ tìm đến bệnh viện khi cơ thể có những dấu hiệu bệnh chuyển nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Ông Phí Thành H. (66 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Hải Dương) có thói quen ăn khá mặn, nhiều tinh bột, nhiều thịt đỏ và rất ít rau xanh. Chế độ ăn này kéo dài khiến ông bị bệnh cao huyết áp và đái tháo đường. Dù đang điều trị tại Khoa Nội Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) nhưng chế độ ăn của ông cũng chẳng khác là mấy so với trước. Ông H. cho biết: “Ban đầu, khi được bác sĩ tư vấn về chế độ dinh dưỡng kết hợp với việc dùng thuốc điều trị tôi cũng thử thay đổi thói quen. Thế nhưng việc này không hề dễ dàng. Tôi cảm thấy bữa ăn không còn hợp khẩu vị, không ngon miệng nữa nên lại trở về chế độ ăn như trước". Hậu quả là tình trạng bệnh của ông H. ngày càng nặng hơn. Hiện nay, ông đã phải tiêm insulin.


Sống lành mạnh để giảm bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Khoa Nội Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh), hiện nay mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi so với trước. Ngày càng có nhiều người mắc các bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... Những căn bệnh này một phần xuất phát từ những thói quen xấu trong chế độ ăn uống, sinh hoạt. Nhiều người thường có thói quen ăn mặn, gây ra các bệnh huyết áp và tim mạch. Chế độ ăn thường nhiều đạm, đặc biệt nhiều thịt đỏ trong khi lại thiếu rau xanh. Năng lượng nạp vào cơ thể nhiều nhưng lại không được tiêu hao bằng cách vận động, luyện tập thể dục thể thao. Cùng với đó, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn ngày càng phổ biến cũng góp phần làm gia tăng tình trạng béo phì, thừa cân.

Nhiều người dù biết một số món ăn có thể mang lại những hệ lụy xấu cho sức khỏe nhưng vì là món khoái khẩu nên không thể từ bỏ. Việc thay đổi thói quen, nhất là bỏ thói quen xấu không hề dễ dàng. Sau khi được tư vấn thay đổi chế độ dinh dưỡng để góp phần tích cực cho việc điều trị bệnh thì chỉ có khoảng 20% số bệnh nhân đang điều trị các bệnh huyết áp, đái tháo đường thay đổi thói quen. Theo bác sĩ Phong, 80% số bệnh nhân bị rối loạn tâm lý, loạn thần không thể từ bỏ rượu bia khi trở về cộng đồng. Họ không thể vượt qua chính bản thân mình, tiếp tục lệ thuộc và trở thành nạn nhân của "ma men".

Chế độ ăn uống bảo đảm khoa học, cân đối dinh dưỡng, tăng cường vận động tập luyện thể dục thể thao, hạn chế uống rượu bia; tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ trong chế độ ăn uống, sinh hoạt chính là giải pháp tốt nhất góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh lý.     

HUYỀN TRANG