Kê biên loạt biệt thự trị giá gần 300 tỷ của dì ruột Phan Sào Nam
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 16:00, 11/09/2018
Cơ quan chức năng thu giữ số tiền lớn của Phan Sào Nam. Ảnh: Dân trí
Dì ruột "rửa tiền" giúp Phan Sào Nam
Như đã đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Phú Thọ vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 92 bị can trong đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng lên tới gần 10.000 tỷ đồng, xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành khác.
Theo đó, hai ông trùm cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1975 – Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) và Phan Sào Nam (sinh năm 1979 – Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online). Hai tướng công an liên quan vụ án là ông Phan Văn Vĩnh – cựu Tổng cục trưởng Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa – cựu Cục trưởng C50 Bộ Công an.
Theo cáo trạng, trong quá trình thiết kế, vận hành đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng tới khi bị bắt, Phan Sào Nam thu lợi bất chính hơn 1.475 tỷ đồng từ hoạt động cờ bạc.
Từ nguồn thu bất chính này, ông trùm đã nhờ dì ruột của mình là Phan Thu Hương (sinh năm 1961) mua nhiều bất động sản để “rửa tiền”, hợp thức hóa một phần thu nhập từ hoạt động tổ chức đánh bạc.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Phú Thọ nêu, Phan Sào Nam chỉ đạo nhân viên và đối tác chuyển vào tài khoản của Phan Thu Hương tổng số hơn 236 tỷ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời.
Cận cảnh kho tiền của hai trùm cờ bạc bị cơ quan điều tra thu giữ
Sau khi nhận được số tiền trên, Phan Thu Hương gửi tiết kiệm ngắn hạn, sau đó rút ra mua vàng, đô la rồi bán kiếm lời. Đến tháng 11.2016, Phan Thu Hương sử dụng một phần nguồn tiền này và tiền vốn tích cóp được mua 5 căn hộ tại TP Hồ Chí Minh với giá hơn 28,4 tỷ đồng nhưng nhờ bạn của Nam là Phí Quang Hưng đứng tên giấy tờ.
Đầu năm 2017, Phan Thu Hương tiếp tục sử dụng số tiền Nam chuyển mua căn nhà số 45 Lê Quý Đôn, phường 7 (quận 3, TP Hồ Chí Minh) với giá 270 tỷ đồng.
Khi đường dây tổ chức đánh bạc của Phan Sào Nam bị phát hiện, bị cơ quan điều tra triệu về nội dung trên, Phan Thu Hương không thừa nhận đang giữ số tiền mà Phan Sào Nam phạm tội mà có. Hương cho rằng số tiền đó là Nam trả nợ tiền vay trước đó nhưng không có căn cứ chứng minh.
Ngày 25.1.2018, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Phú Thọ quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với Phan Thu Hương về tội “Rửa tiền”. Tại cơ quan điều tra, Hương khai bản thân đã có hành vi che giấu cho bị can Phan Sào Nam vì tình cảm dì cháu và đã nuôi Nam từ nhỏ nên không muốn Nam vướng vào vòng lao lý.
Phan Thu Hương tự nguyện nộp 22 tỷ đồng và xin bán nhà để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Ngoài tài liệu, đồ vật tạm giữ khi khám nhà, cơ quan điều tra còn phong tỏa 5 căn nhà (A8, 9, A10, A11 và A16) tại khu dân cư Villa Park mua của Công ty TNHH MTV Sàn giao dịch bất động sản Sài Gòn Anpha. Tài sản này đứng tên Phí Quang Hưng nhưng do Phan Thu Hương chuyển tiền thanh toán.
Cơ quan tố tụng cũng kê biên căn nhà số 45 Lê Quý Đôn, phường 7 (Quận 3, TP Hồ Chí Minh), trị giá tài sản mua bán theo hợp đồng là 270 tỷ đồng. Phan Thu Hương đề nghị được bán nhà để nộp tiền khắc phục hậu quả.
Chân dung ông trùm Phan Sào Nam
Phong tỏa 13 biệt thự, căn hộ của Phan Sào Nam
Hồ sơ vụ án cũng thể hiện, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cũng tạm giữ 5 ô tô của ông trùm Phan Sào Nam gồm: Ford Mustang, Kia Rondo, Kia Sedona, Audi Q5 và chiếc Land Rover; 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gần 800 tỷ đồng do Phan Sào Nam tự nguyện giao nộp.
Cơ quan điều tra còn phong tỏa 5 tài khoản tổng số tiền hơn 76 tỷ đồng; phong tỏa nhà P2, P3 do Phan Sào Nam mua của Công ty TNHH MTV Sàn giao dịch bất động sản Sài Gòn Anpha và để Hoàng Thành Trung đứng tên; phong tỏa 11 căn nhà tại khu dân cư Villa Park.
Phan Sào Nam còn bị kê biên nhà ngôi nhà M9, M10 đường 1A khu phố 2, phường Phú Hữu (quận 9, TP Hồ Chí Minh).
Quá trình điều tra, Phan Sào Nam tích cực khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra phát hiện, điều tra tội phạm.
Theo Tiền phong