Cơ hội nào cho cán bộ trẻ? Bài cuối: Cơ cấu phải đi đôi với nỗ lực phấn đấu

Tin tức - Ngày đăng : 18:46, 12/09/2018

Từ nguyên nhân dẫn đến cán bộ trẻ không trúng cử cấp ủy có thể thấy để bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ cần giải pháp đồng bộ.


Các cấp ủy đảng cần mạnh dạn giao việc để cán bộ trẻ có cơ hội rèn luyện và thể hiện năng lực

Trong đó, ngoài việc được bố trí vào vị trí có cơ cấu, tự thân cán bộ trẻ cũng phải nỗ lực thể hiện mình.

Ngày càng khó

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ trẻ trong cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh từ 15-20%. Tại Hải Dương, ngoài mục tiêu đến năm 2030 có từ 15-20% số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh có độ tuổi dưới 40, còn đặt mục tiêu tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy các cấp không dưới 15%. Tuy nhiên, với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh gọn biên chế, đầu mối các cơ quan giảm, rất có thể số lượng cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030 tiếp tục giảm. Như vậy, mục tiêu có không dưới 15% số cấp ủy viên là cán bộ trẻ vẫn rất khó thực hiện.

Hiện nay, tỷ lệ đảng viên trẻ (trong độ tuổi Đoàn Thanh niên) của toàn Đảng bộ tỉnh chỉ xấp xỉ 15%. Độ tuổi trung bình của đảng viên toàn tỉnh là 48,98.  Đối với đảng bộ cơ sở khối xã, phường, thị trấn, việc kết nạp đảng viên trẻ gặp khó khăn do lực lượng thanh niên đi làm ăn xa, thanh niên nhạt phai lý tưởng, không muốn phấn đấu vào Đảng đang là vấn đề đáng quan tâm. Vì vậy, tìm được đảng viên trẻ (dưới 30 tuổi) tiêu biểu để đưa vào nguồn cấp ủy đã rất khó, chưa nói đến đảng viên trẻ có cơ hội trúng cử khi đưa ra đại hội.

Đối với khối cơ quan, trong vòng 5 năm tới, nhiều cơ quan có thể tạm ngừng việc tuyển mới viên chức, công chức do đã đủ định biên nên lực lượng trẻ được bổ sung không nhiều. Hơn nữa, để vào làm trong cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, người trẻ nhất cũng đã 21-22 tuổi. Trải qua thời gian thử việc cho đến khi được ký hợp đồng và tuyển dụng chính thức cũng mất ít nhất 1-3 năm, thậm chí lâu hơn tùy từng cơ quan. Trong thời gian ấy, cho dù có được kết nạp vào Đảng, nếu không thực sự xuất sắc và có kết quả làm việc nổi bật, người trẻ rất khó được quy hoạch cán bộ quản lý cấp phòng chứ chưa nói đến việc đưa vào cấp ủy. Vì vậy, nhiều đảng bộ cơ sở khối cơ quan không dám đặt mục tiêu có cán bộ trẻ dưới 30 tuổi tham gia cấp ủy vì không có nguồn.

Với đảng bộ cấp trên cơ sở, nhất là các huyện, thị xã, thành phố, mục tiêu này lại càng khó. Thứ nhất, do khó khăn chung từ nguồn cán bộ trẻ cấp cơ sở, nguồn tuyển dụng công chức, viên chức cấp huyện bị thu hẹp do tinh giản biên chế. Thứ hai, để trúng cử cấp ủy huyện cán bộ trẻ phải nhận được tín nhiệm của đại biểu đại diện cho đảng bộ của các xã, phường, thị trấn. Sự tín nhiệm này đòi hỏi cán bộ ngoài năng lực chuyên môn để làm tốt công việc được giao ở vị trí việc làm cụ thể, cần có kiến thức tổng hợp về nhiều mặt, có khả năng thuyết phục, vận động quần chúng khi xuống làm việc với cơ sở. Đây là cả quá trình phấn đấu bền bỉ không phải cán bộ dưới 35 tuổi nào cũng làm được.

Với cấp tỉnh, cơ hội cho cán bộ trẻ cũng không nhiều hơn nếu những hạn chế, bất cập đã chỉ ra không được giải quyết, khắc phục.

Tự cán bộ phải cố gắng

Từ những phân tích đã nêu có thể thấy, để đạt mục tiêu về tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy, trước hết cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngay từ khâu xây dựng nguồn quy hoạch. Trước hết là nâng cao chất lượng từ khâu tuyển dụng. Mạnh dạn giao việc, hướng dẫn, truyền kinh nghiệm, đưa vào quy hoạch những cán bộ trẻ nổi trội để họ có cơ hội thể hiện khả năng và hoàn thiện bản thân, tạo dựng uy tín. Trong khi làm quy hoạch cán bộ, cần tránh tình trạng qua loa, hình thức, không nghiên cứu kỹ thành phần, cơ cấu, không lắng nghe ý kiến phản biện của cấp ủy, đảng viên. Đặc biệt, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, dân chủ, không đưa vào quy hoạch cán bộ yếu về năng lực, hạn chế về tinh thần trách nhiệm chỉ vì nể nang hay vì lợi ích nhóm. Tạo điều kiện để cán bộ trẻ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng với đó, nên bố trí cán bộ trẻ trong nguồn quy hoạch cấp ủy vào vị trí công tác có cơ cấu cấp ủy, có khả năng đắc cử cao.

Tuy nhiên, chỉ cơ cấu hợp lý thôi chưa đủ, tự bản thân mỗi cán bộ trẻ đều phải cố gắng rèn luyện, nâng cao chất lượng công việc của mình. Theo kinh nghiệm của một cán bộ ở TP Hải Dương trúng cử cấp ủy thành phố lần đầu khi mới 32 tuổi và ở vị trí là cán bộ cấp phó phòng, được giới thiệu ứng cử cùng đồng chí trưởng phòng, để đạt sự tín nhiệm của hơn 200 đại biểu dự đại hội, anh đã có cả một quá trình làm việc đầy nhiệt tình và trách nhiệm trước đó. Đó là, thường xuyên lăn lộn với cơ sở, sẵn sàng lắng nghe, tự tìm hiểu các kiến thức ngoài lĩnh vực mình phụ trách để kịp thời giải đáp những vướng mắc, hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở khắc phục khó khăn... Chính những cố gắng này của anh đã được ghi nhận, dù trước đại hội anh không nghĩ mình sẽ trúng cử.

Bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy là việc làm khó, song không phải không thực hiện được. Cơ hội cho người trẻ không thiếu, vấn đề là cán bộ trẻ phải biết biến cơ hội thành hiện thực bằng sự phấn đấu của mình.

HOÀI ANH