Liệu có xảy ra xung đột Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria?
Bình luận - Ngày đăng : 08:13, 13/09/2018
Một “lằn ranh đỏ” đã được vạch sẵn giữa Ankara và Damascus cùng đồng minh. Các chuyên gia cảnh báo một cuộc đối đầu tiềm tàng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bùng lên.
Đầu tháng 8 vừa qua, trên bầu trời Idlib, máy bay quân sự Syria đã thả tờ rơi kêu gọi người dân khu vực này đầu hàng, đồng thời đe dọa sẽ triển khai hành động quân sự. Đó là động thái mới nhất về cách mà chính quyền Bashar al-Assad từ chối những thỏa thuận xoa dịu tình hình để tiếp tục triển khai các bước tấn công toàn diện nhằm vào lực lượng chống đối. Idlib, lãnh thổ duy nhất còn lại của phe đối lập và cũng là khu vực giảm căng thẳng quân sự cuối cùng tại Syria, mục tiêu tiếp theo của chính quyền Damascus.
Giới hạn
Nguy cơ về xung đột Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày một hiện rõ, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai cuộc chiến Syria. Kể từ cuối năm 2015, Moskva và Ankara đã theo đuổi những chiến lược quân sự riêng với một sự hiểu biết lẫn nhau nhất định. Bất chấp những “lùm xùm” xoay quanh sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom SU-24 cho đến vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ Moskva-Ankara vẫn diễn ra “êm đẹp”, gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát. Ngoài ra, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều cùng thiết lập những ảnh hưởng tương ứng nhằm bảo đảm cho những lợi ích cốt lõi tại Syria. Tuy nhiên, có lẽ với một khoảng thời gian đủ dài, mối quan hệ giữa những đối tác lâu bền nhất cũng sẽ lộ ra giới hạn.
Moskva-Ankara và nguy cơ xung đột. Ảnh: Sputnik
Với Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình an ninh tại Idlib là nước cờ không thể thương lượng. Quân đội Ankara đã được triển khai tại khu vực này kể từ năm 2017. Idlib vẫn được coi là khu vực mang tầm ảnh hưởng chính trị cốt lõi của chính quyền Tổng thống Erdogan. Nếu không thể bảo đảm cho Idlib, Ankara hoặc sẽ phải tiếp tục gia tăng sự can thiệp quân sự hoặc sẽ “tay trắng ra về” trong thế cờ định hình hồi kết Syria. Điều này đặt ra cho Nga hai sự lựa chọn, hoặc tôn trọng lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, hoặc “từ bỏ” mối quan hệ đối tác Nga-Thổ trong các vòng đàm phán Astana (Kazakhstan).
Thực tế, mối quan hệ Nga-Thổ mang lại những lợi ích nhất định cho hai bên. Với uy tín của mình, Tổng thống Vladimir Putin đã thành công trong việc thúc đẩy các mối quan tâm an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, mang lại lợi ích cho Damascus. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ nhận được sự hỗ trợ nhằm chống lại lực lượng người Kurd ở phía Tây Bắc Syria. Nga-Thổ đã tự vạch ra những giới hạn chung và cùng đạt được những tiến triển nhất định trong nhiều lĩnh vực, đáng kể nhất là thông qua tiến trình hòa bình Syria tại Astana.
Kể từ tháng 5.2017, các vòng đàm phán Astana, vốn do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chi phối, đã chính thức thiết lập 4 khu vực chống leo thang chiến sự tại Syria, bao gồm tỉnh Idlib, một số vùng liền kề tới phía Bắc tỉnh Homs, Đông Ghouta và một loạt các tỉnh ở miền Nam Syria (Daraa và al-Quneitra). Đây là những vùng lãnh thổ quan trọng còn lại tại Syria dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập có vũ trang Hồi giáo dòng Sunni và các lực lượng nổi dậy.
Nghịch lý thay, kết quả của tiến trình này đã giúp Damascus tiếp quản hoàn toàn 3 trong số các khu vực trên. Sau cuộc tấn công kết thúc hồi tháng 4 vừa qua, các lực lượng nổi dậy tại Đông Ghouta một phần đã đầu hàng quân đội chính phủ Syria, phần còn lại di chuyển về Idlib. Tương tự, các lực lượng nổi dậy tại Homs đầu hàng chính phủ vào hồi tháng 5. Cuối cùng, cuộc tấn công của quân đội Tổng thống Bashar al-Assad nhằm vào các lực lượng đối lập miền Nam Syria vừa kết thúc.
Idlib hiện là thành trì cuối cùng của phe đối lập Syria còn tồn tại. Không giống như Daraa, Homs hay Đông Ghouta, vốn đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Damascus, Idlib là vùng địa chính trị đan xen lợi ích của tất cả các cường quốc liên quan.
Đầu tháng 10.2017, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một sứ mệnh trinh sát tại Idlib, dọc theo khu vực giao tranh quân sự giữa quân đội chính phủ Syria và các lực lượng đối lập. Đây là động thái nằm trong nỗ lực thiết lập khu vực giảm căng thẳng. Theo giới phân tích, bước đi này của Ankara cho dù mang lại lợi ích hay rủi ro, thì điều cốt lõi Tổng thống Tayyip Erdogan mong muốn là duy trì một trật tự an ninh khu vực này. Phần nào đó, nỗ lực quân sự của Ankara tại Idlib bắt nguồn từ lo ngại về nguy cơ nổi dậy của lực lượng thánh chiến Hồi giáo dòng Sunni, vốn đã bị dập tắt. Bất kỳ hành động quân sự nào từ Damascus, nếu không được kiểm soát, có thể sẽ dẫn đến sự nổi dậy kéo dài của người Sunni dọc theo biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là điều Ankara không mong muốn.
Trong bối cảnh nguy cơ chiến sự bùng nổ tại Idlib, dòng người di tản cũng là một vấn đề phức tạp tại vùng đất này. Idlib được mô tả là “một vùng di tản khổng lồ”. Chiến sự tại đây nổ ra sẽ khiến dòng người tị nạn ồ ạt, ảnh hưởng trực tiếp đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Theo số liệu từ Liên hợp quốc (LHQ), đã có khoảng 200.000 người tị nạn trong nước đến tỉnh Idlib kể từ tháng 8.2017 và khoảng 700.000 người chạy loạn khắp Syria kể từ đầu năm 2018.
Trận tử chiến cuối cùng
Dư luận thế giới quan tâm đến câu hỏi rằng những yếu tố trên sẽ tác động như thế nào đến mối quan hệ giữa Moskva và Ankara. Diễn biến những ngày vừa qua cho thấy Damascus đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô nhằm vào Idlib trong thời gian ngắn sắp tới. Trên đà chiến thắng tại các mặt trận Đông Ghouta, khu vực phía Nam, Bashar al-Assad có thể sẽ vượt “lằn ranh đỏ”, mạo hiểm khiêu khích Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt nếu có sự “hậu thuẫn” từ Moskva. Sự hiện diện của chi nhánh al-Qaeda là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), vốn kiểm soát vùng lãnh thổ trọng điểm tại Idlib, sẽ làm phức tạp thêm tình hình nếu chiến sự bùng nổ.
Một số dấu hiệu cho thấy Ankara sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo đảm cho lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Chiến dịch “Lá chắn Eupharates” và chiến dịch “Nhành ôliu” đều chủ yếu tập trung vào việc phản ứng lại sự gia tăng các mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ lực lượng người Kurd khu vực biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có những quan ngại nhất định từ chính quyền Tổng thống Erdogan về cuộc tấn công của quân đội chính phủ Syria tại Idlib, liên quan đến số phận vùng đất này vốn được nhắc đến trong vòng đàm phán Astana hồi tháng 7 vừa qua. Điều này làm dấy lên câu hỏi về mức độ của các hành động đáp trả quân sự từ chính quyền Ankara nếu bị khiêu khích tại Idlib, khu vực địa chiến lược then chốt với an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh hiện tại, dường như Điện Kremlin nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình. Theo các nhà quan sát, Moskva không ủng hộ bất kỳ hành động quân sự quy mô nào tại Idlib. Song, quan hệ Nga-Mỹ nóng lên thời gian qua khi Moskva cáo buộc Washington chuẩn bị can thiệp quân sự chống lại quân đội Syria, nhằm phản đối chính quyền al-Assad tấn công hóa học. Trước tình hình đó, Điện Kremlin đã điều động 13 chiến hạm từ Hạm đội Biển Đen, qua eo biển Bosphorus tiến vào Địa Trung Hải.
Câu hỏi đặt ra là Nga sẽ đóng vai trò gì nếu “trận tử chiến cuối cùng” nổ ra tại Idlib. Các chính sách Moskva áp dụng tại khu vực này trước đây, bao gồm việc ngầm hỗ trợ chiến dịch “Nhành ôliu” mà Ankara triển khai tại Afrin, cho thấy sự nhượng bộ nhất định các lợi ích Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, Moskva ngày càng tăng cường sự ủng hộ đối với chính quyền Bashar al-Assad. Điều này cho thấy nguy cơ xung đột tiềm tàng Nga-Thổ dần lộ rõ.
Trong một vài tuần tới, tình hình chiến sự tại Idlib sẽ định hình cục diện Syria. Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nga-Thổ-Iran vừa qua cho thấy đã có rạn nứt đáng kể trong mối quan hệ Moskva-Ankara. Một cuộc chiến tại Idlib là điều khó tránh khỏi cho đến khi những kẻ khủng bố trong khu vực bị nghiền nát là quan điểm cứng rắn mà Điện Kremlin đưa ra. Mùa đông này, thế giới có thể sẽ phải chứng kiến thảm kịch Syria. Cho dù đó là lợi ích cho bất kỳ cường quốc nào thì hàng ngàn dân thường vô tội nơi đây đang đứng trước nguy cơ về một điều tồi tệ nhất.
HÀ KIÊN(dịch và tổng hợp)