"Tôi đã trở về trên núi cao": Một tập sách đáng đọc
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 15:01, 14/09/2018
"Tôi đã trở về trên núi cao" có thể xem như là việc nhìn lại quãng đường chị đi cùng với văn chương, trong đó có những biến động của đời sống cá nhân cũng như sự tác động của nó tới thái độ sống và quan niệm sáng tác của chị.
Đỗ Bích Thuý |
Hành trình "trở về" của Đỗ Bích Thúy có thể là một chuyến đi rất thật nhưng cũng có thể chỉ là những chuyến đi trong tâm hồn chị, tâm hồn của một người đàn bà 40 tuổi với nhiều xung động.
Vì thế, đọc tập tản văn này, độc giả có thể hình dung ra những đoạn đời của tác giả. Nhiều trang viết mang tới cái buồn thật sâu, thật trong. Cái buồn, nhiều khi còn hiện ra ngay từ tên những tản văn trong tập: Nước mắt rơi trên bậu cửa, Cây cỏ vui buồn, Chờ bình yên quay về, Chết là một cuộc rong chơi, Đẹp tới lụi tàn…
Đỗ Bích Thuý nói rằng chị rất trân trọng cuốn sách này. Nó như một dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của chị. Nó cho chị được một lần ngoái lại phía sau, một cách bình thản. Nó cũng thể hiện khát vọng “trở về” với núi rừng, nơi chị sinh ra và lớn lên, một cách mãnh liệt.
"Tôi nghĩ rằng, tôi là một nhà văn hạnh phúc và may mắn khi tôi có một mảng đề tài, một mảnh đất, một vùng văn hoá để nhớ thương, yêu mến, tha thiết với nó" – nhà văn Đỗ Bích Thuý nói.
Đặc biệt, phần cuối của cuốn sách: Bạn bè là những người người thầy, Đỗ Bích Thúy viết về họa sĩ Lê Thiết Cương - người đã vẽ bìa và minh hoạ cuốn sách theo xu hướng tối giản đầy tinh tế và ấn tượng, nhà thơ Thụy Anh, về họa sĩ A Sáng, họa sĩ Phạm Hà Hải…
"Một người đàn bà hơn 40 xuân, rời khỏi nơi sinh ra mình hay là thoát thai khỏi chính mình ra đi, nay quay lại với chính mình ở tập tự sự hơn 240 trang sách. Những câu chuyện như tự truyện, từ hồi ức và kỷ niệm, xung quanh đất và người hiện ra rất rõ một Đỗ Bích Thúy dạt dào cảm xúc, yêu thương đắm đuối kỳ lạ và đằm thắm ở từng đoạn văn giàu chiêm nghiệm.
"Tôi đã trở về trên núi cao" là cách nhìn rõ bản thân mình, nhận diện rõ con người mình sau bao thay đổi. Mỗi một câu chuyện nhỏ đều hiện rõ sự nhận thức lại đời sống, nhiều quan niệm từ sau nhiều chiêm nghiệm để cuối cùng bao giờ cũng nhận thức ra điều nào đó, cảm giác nào đó chốt lại cho rõ cái cõi lòng sâu thẳm của người với người, người với vật, người ta với quê hương, bản quán hay mảnh đất mình đang sống.
Cô Thúy đã trở về trên núi cao - nơi cao nhất và cũng là nơi sâu nhất sau bao thăng trầm thay đổi để như một sự giác ngộ, có thể nhìn vào chính tâm hồn cô trong hơn 200 trang sách. Một tập sách đáng đọc", Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét.
Đọc tập tản văn này, độc giả có thể hình dung ra những đoạn đời của tác giả Đỗ Bích Thuý |
"Có thể như một phim tài liệu kiệm lời, rất kiệm lời, hoặc không lời, chỉ hình ảnh, cụ thể, sinh động, xem đến đâu thì lại thấm và nhớ, cảm thấy nhoi nhói. Có thể nghĩ đến một kết cấu chương hồi, hết câu chuyện này móc vào câu chuyện tiếp, để thấy nhiều hơn theo mạch kể, câu chuyện này có chút bóng dáng câu chuyện kia, để càng đọc càng mở, càng kéo đi.
Có thể coi là một tản văn tự truyện. Cũng có thể, không cần liên tưởng đến tác giả, để thấy đây là câu chuyện của mỗi ai đó được tái tạo, được sáng tạo. Có thể nghĩ thêm từ những trang viết ngắn hợp nên tập sách Tôi đã trở về trên núi cao của Đỗ Bích Thúy… ", nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nói.
Theo Vietnamnet