Lan tỏa giá trị hát văn
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:16, 15/09/2018
Một buổi tập của các thành viên Câu lạc bộ Hát văn huyện Kinh Môn
Được thành lập đầu tiên trong tỉnh, Câu lạc bộ (CLB) Hát văn - thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ người Việt huyện Kinh Môn (gọi tắt là CLB Hát văn huyện Kinh Môn) hoạt động khá nền nếp.
Sau 1 năm hoạt động, đến nay, CLB thu hút 70 hội viên. CLB đã tổ chức cho hội viên tham gia 10 cuộc liên hoan, giao lưu nghệ thuật hát văn tín ngưỡng thờ Mẫu toàn quốc, liên hoan văn hóa ở các nước; 4 đợt biểu diễn tại các sự kiện lớn của tỉnh và huyện. Qua đó, góp phần quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về mảnh đất và con người Hải Dương văn hiến, giàu truyền thống văn hóa.
CLB Hát văn huyện Kinh Môn còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về lĩnh vực văn hóa tâm linh, kêu gọi các thành viên và gia đình bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Từ ý nghĩa tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu là gắn kết, yêu thương cộng đồng, CLB Hát văn huyện Kinh Môn đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện tại địa phương như thăm, tặng quà các gia đình nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ vừa qua, CLB tổ chức thăm, tặng 41 suất quà tổng trị giá trên 20 triệu đồng cho các gia đình chính sách, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn huyện.
Dù hoạt động khá tích cực, song các hội viên CLB Hát văn Kinh Môn vẫn luôn trăn trở làm thế nào để giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật độc đáo này được kế thừa và phát triển trong đời sống cộng đồng đương đại. Nghệ nhân Vũ Thị Chuyên - Chủ nhiệm CLB Hát văn Kinh Môn cho biết: Những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường làm cho nghệ thuật hát văn diễn xướng hầu thánh trong nghi thức thờ Mẫu của người Việt đang có xu hướng bị mai một hoặc pha tạp với các hình thức mê tín dị đoan, làm mất đi nét đẹp truyền thống vốn có của hát văn và tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc truyền dạy nghệ thuật hát văn cho thế hệ sau cũng gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn giới trẻ hiện không mặn mà với các môn nghệ thuật dân gian truyền thống.
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát văn cùng tín ngưỡng thờ Mẫu của cha ông để lại, cần có sự quan tâm, ưu đãi riêng của các cấp, các ngành, tạo ra những sâu khấu riêng; đồng thời giáo dục, truyền dạy cho thế hệ trẻ giá trị của nghệ thuật hát văn và ý nghĩa của đạo Mẫu trong đời sống văn hóa người Việt.
THU XUÂN